Ưu Tiên Một Dù Cấp Bách – Từ Thức

Bài đọc suy gẫm: Ưu Tiên Một Dù Cấp Bách là bài viết … cấp bách về những trăn trở, đặt câu hỏi và cái nhìn, phân tách, nhận định của tác giả Từ Thức. Hình ảnh chỉ là minh họa.


Ngày 30/4: Tại sao 47 năm sau vẫn chưa có thay đổi ở Việt Nam?

Ngày 30 tháng Tư – Đã đến lúc đặt câu hỏi nhức nhối: Tại sao 47 năm sau vẫn chưa có thay đổi ở Việt Nam? Tại sao thế giới đã biến đổi không ngừng, với một vận tốc chóng mặt, nhưng Việt Nam vẫn ù lì, dẫm chân một chỗ, vẫn còn là một trong những nước hiếm hoi bám chặt, như đười ươi giữ ống, một chủ nghĩa đã bị nhân loại chối bỏ?

1001 lý do

Người ta đã nêu rất nhiều lý do, nhưng những lý do đưa ra có thực sự giải thích hiện tượng đáng buồn là chế độ Cộng sản vẫn đứng vững ở Việt Nam?

– Lý do lịch sử: Việt Nam là nạn nhân của chế độ thuộc địa, nhu cầu đòi độc lập, cuộc tranh đấu đòi tự do đã đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo Cộng sản quốc tế. Tệ hại hơn nữa, quỹ đạo Trung Cộng. Nhưng rất nhiều quốc gia đã là nạn nhân của chế độ thuộc địa, rất ít rơi vào rọ. Rất nhiều quốc gia đã bị chủ nghĩa Cộng sản cám dỗ lúc đầu, nhưng thức tỉnh kịp thời.

– Lý do địa lý: Việt Nam có cái bất hạnh là ở sát cạnh nước Tàu, nhưng Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất. Trung Cộng giáp ranh với 14 quốc gia.

– Lý do chính trị: Chế độ Cộng sản tàn bạo, cai trị bằng khủng bố, cái sợ trở thành một bản năng để sống còn, một dân tộc tính; chính sách ngu dân, nhồi sọ của Cộng sản đã thành công trong nghĩa vụ biến người dân thành một đàn cừu.

Nhưng chế độ độc tài nào cũng tàn bạo, tàn bạo là một định nghĩa của độc tài. Điều đó đã không ngăn được các chế độ độc tài thi nhau sụp đổ. Chế độ Cộng sản nào cũng cai trị bằng khủng bố, tẩy não, điều đó đã không ngăn được Xô Viết Nga tan rã, bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, các nước Đông Âu tìm được tự do.

– Lý do văn hoá: Văn hoá VN, đặc biệt là văn hoá Khổng giáo, đã khiến người Việt phó mặc chuyện chính trị cho vua quan, chỉ lo việc gia đình. Nhưng văn hoá Á Đông đã không cấm Nhật Bản trở thành một cường quốc, văn hoá Khổng giáo, đã không cản Đài Loan, Đại Hàn trở thành những nước dân chủ kiểu mẫu.

Văn hoá gia đình rất cao ở Do Thái (từ ngữ “người mẹ Do Thái” (la mère juive) là biểu tượng của văn hoá gia đình rất nặng của dân tộc này), đã không cấm người Do Thái có tinh thần quốc gia rất cao.

Tóm lại, những vấn đề nêu trên có thực, nhất là khi nó tụ hợp tất cả trên đầu một dân tộc (sẽ đi sâu hơn trong một bài khác), đã đóng góp vào đại hoạ chung, nhưng không đủ để giải thích tại sao gần nửa thế kỷ sau ngày 30/4/75, vẫn không có thay đổi lớn tại Việt Nam, bất chấp những yếu tố khách quan khiến người ta nghĩ, đáng lẽ Cộng sản phải sụp đổ.

Ảnh: Dân và quân VNCH bị quân CSVN bắt giữ, đi bộ trên đường phố Sài Gòn sau khi

Yếu tố khách quan

Những yếu tố khách quan khiến chế độ độc tài đáng lẽ phải khốn đốn:

– Internet, Facebook, nói chung mạng lưới xã hội, khiến thông tin khó bị bưng bít, sự thực khó che giấu, tẩy não khó thành công.

– Lưu thông, du lịch toàn cầu dễ dàng, khiến người Việt (khác với người Bắc Hàn) có cơ hội tiếp xúc với thiên hạ, để ý thức được thân phận cá chậu, chim lồng của chính mình.

– Trên 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài, nhiều người về nước thường xuyên, trao đổi với gia đình, bè bạn, khiến những trò tuyên truyền rẻ tiền đối với người dân trong nước trở thành lố bịch.

– Nhờ kinh tế toàn cầu, kinh tế khả quan hơn ngày xưa, một giai cấp trung lưu ra đời. Trên lý thuyết, giai cấp trung lưu là động lực chính cho các phong trào dân chủ. Họ đủ sống để hết lệ thuộc cơm áo, đủ trình độ để có nhu cầu đòi hỏi tự do, không thuộc guồng máy Đảng để hết lòng bảo vệ chế độ. Ở những nước bình thường, một giai cấp trung lưu đông đủ là điều kiện tối cần cho thể chế dân chủ.

– Một nửa dân tộc, sống ở miền Nam trước 75, có kinh nghiệm sống để so sánh một xã hội trong tay Cộng sản, vói một xã hội tự do.

– Sau nửa thế kỷ xâm chiếm miền Nam, người Cộng sản đã lộ nguyên hình là một bọn cướp ngày, một mafia đỏ, buôn dân bán nước.

– Bất công xã hội, tham nhũng tới độ kinh hoàng, đã phơi bày trước mắt mỗi người, qua những căn “lều của đầy tớ”, nghĩa trang bao la của lãnh tụ, đời sống phè phỡn, bất nhân của giới cầm quyền.

– Môi trường, danh lam thắng cảnh bị tàn phá một cách khủng khiếp để làm kinh tài.

– Công nhân, phụ nữ bị bán, xuất cảng như những nô lệ.

– Tôn giáo bị đàn áp, luân lý rã rời, xã hội tan rã.

– Tai hoạ lệ thuộc Trung Cộng càng ngày càng lớn, hiểm hoạ mất nước càng ngày càng gần. Người Việt có bệnh chia rẽ kinh niên, nếu có điều gì đồng thuận, đó là tinh thần chống Tàu, trong khi tập đoàn cầm quyền tình nguyện làm tay sai cho Bắc Kinh.

Tất cả những yếu tố khách quan đó, quá đủ, đáng lẽ phải đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ.

Nhưng sự thực phũ phàng là chế độ vẫn đứng vững.

Kỷ niệm 47 năm ngày mất miền Nam, đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi, khẩn cấp, không nhân nhượng, không né tránh: tại sao Cộng sản chưa sụp đổ, tại sao chưa có một thay đổi gì về chính trị, dân chủ, dân quyền ở Việt Nam?

Nhà tù không tường

Tại sao, bất chấp những yếu tố bất lợi nói trên, tập đoàn cầm quyền Hà Nội vẫn xây được cái mà Aldous Huxley gọi là nhà tù khổng lồ không tường, để giam 90 triệu tù nhân?

Aldous Huxley: “Nhờ kiểm soát tư tưởng, nhờ khủng bố thường trực để giữ cá nhân dưới sự phục tòng, ngày nay chúng ta đã bước vào một chế độ độc tài hoàn hảo nhất, một chế độ có bề ngoài dân chủ, một nhà tù không tường, trong đó tù nhân không nghĩ tới chuyện vượt ngục, không nghĩ tới chuyện lật đổ bạo chúa. Một chế độ nô lệ, trong đó, nhờ được tiêu thụ, được giải trí, những người nô lệ đâm ra yêu thích tình trạng nô lệ của mình” (1).

Huxley không nói gì khác hơn Juvénal đã nói từ thời đế quốc La Mã: hãy cho dân bánh mì và các trò chơi (panem, circenses), họ sẽ hài lòng, bỏ quên mọi chuyện, vua chúa tha hồ cai trị.

Thời La Mã, ngoài bánh mì và trò chơi, lý thú nhất là trò giác đấu giữa các nô lệ.

Ngày nay giác đấu (gladiateurs) được thay bằng football, games đủ loại, bánh mì thay bằng ăn nhậu, tiêu pha, mua sắm.

Dân không đòi hỏi gì hơn.

Được “đi bão” sau một trận bóng tròn, được xếp hàng ăn Mc Donald’s, mua giầy Nike, Adidas, tuổi trẻ thấy mình có đủ tự do, hạnh phúc.

Ai đã không nghe người Việt trong nước khoe, một cách hãnh diện: “Ở VN ngày nay không thiếu gì cả, ông ơi. Có tiền là có mọi thứ”. 

Ít người nghĩ: thiếu một thứ, đáng quý hơn cả, là tự do, là cái hãnh diện được suy nghĩ, hành động như một con người có nhân phẩm, một con người có quyền làm người. Đáng gọi là con người.

Một chế độ độc tài cũng có thể làm thoả mãn nhu cầu vật chất của chúng ta, nhưng chúng ta không phải là súc vật, chỉ có nhu cầu vật chất.

Cộng sản đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ bạc nhược, hèn yếu, vô cảm, vô trách nhiệm, ích kỷ, vô luân, thụ động.

Gramsci và thuyết “thống trị văn hoá”

Antonio Gramsci (1891-1937)

 Để giải thích hiện tượng CS chưa có gì thay đổi ở VN, dân chủ tự do vẫn là chuyện xa vời, có lẽ phải mượn lý thuyết Gramsci. Theo Gramsci, văn hoá giải thích tất cả.

Muốn có cải cách chính trị, phải có nền móng văn hoá, những yếu tố khác, thí dụ kinh tế, chỉ là thứ yếu. Muốn thay đổi xã hội, không thể hà tiện một cuộc cách mạng văn hoá, thay đổi tư duy. Nếu không, nếu có biến chuyển, chỉ là những cuộc đảo chánh, những thay đổi nhất thời, những cuộc nổi loạn, sau đó sẽ đâu trở lại đó.

Theo Gramsci, có 2 điều kiện để người dân tích cực tham gia cách mạng:

1. Cùng chung một ý thức hệ

2. Tin rằng thay đổi sẽ có hậu quả tốt cho chính mình

Antonio Gramsci (1891-1937) là một lý thuyết gia thiên tả người Ý, trước đây là cẩm nang tranh đấu cho các phong trào cách mạng trên thế giới, ngày nay là sách gối đầu giường cho các chính trị gia thuộc mọi khuynh hướng, từ tả sang hữu, nhất là ở Âu Châu.

Tại Pháp chẳng hạn, phe cực hữu, đã mở một trường học ở Lyon để đào tạo cán bộ, vì đồng ý với Gramsci là nếu không tạo một nền móng văn hoá vững chắc, nếu tư tưởng quốc gia cực đoan của họ không ăn rễ trong dân chúng, dù họ có thắng cử cũng chỉ là những thắng lợi bề mặt, nhất thời.

Tạm tóm tắt lý thuyết Gramsci qua 2 chữ “hégémonie culturelle” (thống trị văn hoá) (2).

Muốn tiến tới chính quyền và đứng vững lâu dài, phải đi tới thống trị văn hoá.

Biểu tình về “biến đổi khí hậu” tại Pháp đến từ Xã hội dân sự.

“Gramsci phân biệt xã hội ra 2 thành tố mà ông gọi là 1.Société politique, hay pouvoir politique (xã hội chính trị, quyền lực chính trị ) và 2. Société civile (Xã hội dân sự) .

Quyền lực chính trị, bao gồm các cơ chế nhà nước, bộ máy chính quyền: chính phủ, quân đội, công an, cảnh sát… Xã hội dân sự, là tất cả những gì thuộc địa hạt tư nhân, lãnh vực tinh thần, sở hữu của mỗi cá nhân, địa hạt của văn hoá, tôn giáo, tri thức, đạo đức, nhân sinh quan, triết lý sống tiềm tàng trong một xã hội. Tóm lại: Tư duy của một dân tộc.

Lật đổ một chính phủ, một tập đoàn cầm quyền, chiếm pouvoir politique, chỉ là một cuộc đảo chánh.

Muốn bền vững, muốn thay đổi xã hội, phải đấu tranh và chiến thắng trên địa hạt văn hóa, phải nắm société civile, phải thay đổi tư duy. Phải đặt một nền tảng văn hóa mới.

Chính quyền phải được một sự hậu thuẫn ngầm, đương nhiên, của một xã hội cùng chia sẻ những giá trị tinh thần tiềm tàng, sâu kín trong tiềm thức của một dân tộc.

Gramsci giải thích tại sao cách mạng “vô sản” chỉ thành công ở Nga nhưng thất bại ở Âu Châu. Bởi vì trong xã hội Nga, và nói chung, xã hội Đông Phương, nhà nước là tất cả, xã hội dân sự còn sơ khai, chỉ cần chiếm vài cơ sở huyết mạch là chiếm được quyền lực.

Trái lại, các nước Tây phương, xã hội dân sự, nói khác đi, quyền lực văn hoá phức tạp, sâu xa (với văn chương, nghệ thuật, triết học…), xã hội dân sự phong phú (với các hội đoàn, các nghiệp đoàn, báo chí, đảng phái…), nắm được chính quyền không dễ, áp đặt một chế độ mới là chuyện không thể xẩy ra.

Chính vì vậy, Cộng sản chỉ cần chiếm vài cơ sở chính yếu ở Nga đã thành công trong cách mạng 1917, người dân hầu như không hay biết gì. Nhưng sau đó, vì không có cỗi rễ văn hóa, không có sự đồng thuận tư duy, Staline không có cách gì khác hơn để duy trì quyền lực là sự khủng bố (terreur).

Không có đồng thuận, nhà nước phải dùng terreur. Nhưng người ta không xây dựng gì trên sự khủng bố. Tất cả tài nguyên, nhân lực quốc gia chỉ dành cho ưu tiên hàng đầu: củng cố guồng máy đàn áp. Guồng máy quốc gia tê liệt, kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, xã hội băng hoại (Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá).

 Hai mục tiêu

Áp dụng lý thuyết Gramsci, chúng ta có thể kết luận, sở dĩ chưa có thay đổi ở VN, Cộng sản vẫn đứng vững, bởi vì:

1. Văn hoá dân chủ chưa thực sự ăn sâu trong đầu óc dân Việt.

2. Đa số dân chưa tin những thay đổi chế độ sẽ cải thiện đời sống của mình.

Bổn phận của những người tranh đấu cho tự do, dân chủ là phải đóng góp vào việc thực hiện hai mục tiêu đó.

Đó không phải là điều dễ, bởi vì người ta chỉ thực sự tha thiết với dân chủ khi đã sống trong một xã hội dân chủ. Có người nói: “nếu chưa ăn táo, bạn sẽ không nhớ, không thèm táo”.

Dân không tin thay đổi chế độ sẽ cải thiện đời sống của họ.

Tuyên truyền, nhồi sọ đã khiến người dân trong các nước độc tài hài lòng với đời sống của mình. Dân Bắc Hàn tin là nhờ cha con họ Kim mà dân Hàn khỏi đói khổ như các dân tộc khác trên thế giới. Dân Nga tin là nhờ Putin mà khỏi đói như thời Staline. Rất nhiều người Việt nghĩ ở VN ngày nay không thiếu gì, miễn là có tiền, và mục đích ở đời là kiếm tiền.

Nếu không đi tới mục tiêu đó, bằng bất cứ giá nào, dưới bất cứ hình thức nào (hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội, media, văn học, nghệ thuật…), sẽ không hy vọng thực sự có thay đổi lớn ở VN.

Có người sẽ phản kháng: đó là việc làm quá lâu dài, trong khi tình trạng khẩn cấp như hoả hoạn. Nhưng làm những việc khẩn cấp để chống độc tài không cấm người ta làm những việc lâu dài hơn, khi ý thức đó là chuyện cơ bản. Tướng Pháp Lyautey nói với quân sĩ: “hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đấy”.

Chiến tranh vị trí

Theo Gramsci, đấu tranh không còn là những cuộc giáp chiến, nhưng là những cuộc chiến văn hoá, tranh thủ trí não, mỗi phe tìm cách bành trướng ảnh hưởng của mình.

Yếu tố quyết định của trận chiến đó, Gramsci gọi là “guerre de position”chiến tranh vị trí), trái với “guerre de mouvement” (chiến tranh di động). Trong chiến tranh vị trí, võ khí là văn hóa. Văn hoá được coi là địa bàn hoạt động, bộ tổng tham mưu.

Khi tư duy đó đã trở thành mẫu số chung, người dân sẽ phân tách thời cuộc, thời sự, lịch sử dưới lăng kính đó. Người dân sẽ hành động dưới lăng kính đó. Đưa những dữ kiện khách quan không đủ thuyết phục, phải thay đổi tư duy.

Nếu người dân còn bị nhồi sọ, họ sẽ tìm mọi cách bào chữa cho chế độ. Trước những bằng chứng hiển nhiên về những tệ hại trước mắt, họ sẽ chui vào chỗ ẩn náu cuối cùng, nghĩ đó chỉ là lỗi lầm của lãnh tụ này, bộ trưởng kia, không phải lỗi của chế độ. Trong bất cứ trường hợp nào, việc thay đổi tư duy vẫn là mẫu số chung, không thể gạt sang một bên, chờ một lúc khác

Theo Gramsci, chế độ sẽ và chỉ sụp đổ khi nền tảng lung lay, và nền tảng chỉ lung lay khi đa số dân chúng chối bỏ xã hội đang sống, đồng thuận về một xã hội tương lai.

Từ sóng ngầm tới đột biến

Nghiên cứu những cuộc cách mạng, người ta thấy có 3 yếu tố khiến một chế độ sụp đổ:

1. Làn sóng ngầm (sự bất mãn, căm thù tiềm tàng trong lòng dân)

2. Đột biến (một cơ hội, một sự kiện thời sự nào đó khiến đợt sóng ngầm bùng nổ)

3. Lãnh đạo (hay các tổ chức đã chuẩn bị từ lâu, để hướng dẫn các đột biến đi tới mục tiêu.

Tới nay, hầu hết người Việt chống Cộng chỉ ngồi chờ đột biến.

“Người ta có thể rút tỉa gì từ Gramsci? Khi nào tư duy của một dân tộc bị nhồi sọ gần một thế kỷ chưa thay đổi, chuyện thay đổi sẽ còn gian nan. Có thể những người bất mãn với chế độ Cộng sản càng ngày càng đông, nhưng người ta khó xây dựng gì vững vàng trên sự chống đối. Chỉ có thể xây dựng xã hội mới trên tư duy mới, khi đa số tin tưởng ở những giá trị mới.

Người dân chỉ chủ động trong việc xây dựng dân chủ, khi nghĩ dân chủ sẽ thay đổi cụ thể đời sống cuả mình, tương lai của con cháu mình. Khi nào những ý niệm dân chủ chỉ là những khẩu hiệu, sự thờ ơ vẫn còn, và chính sách khủng bố vẫn hữu hiệu.

Tóm lại, mặt trân văn hóa luôn luôn là một ưu tiên, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách.

Ismaïl Kadaré, nhà văn hàng đầu của Albanie, nói: ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta cũng phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa” ( Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá).

Mặt trận tư duy

Có người sẽ phản kháng: đó là việc làm quá lâu dài, trong khi tình trạng khẩn cấp như hoả hoạn. Nhưng làm những việc khẩn cấp để chống độc tài không cấm người ta làm những việc lâu dài hơn, khi ý thức đó là chuyện cơ bản. Tướng Pháp Lyautey nói với quân sĩ: “hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đấy”.

Đáng lẽ việc vận động để thay đổi tư duy là chuyện của trí thức.

Rất tiếc, VN không có một “intelligentsia” (hàng ngũ trí thức), được coi như lương tâm của dân tộc, có đủ kiến thức, và uy tín, để soi đường cho dân tộc.

Trong tình huống đó, việc vận động để thay đổi tư duy là nghĩa vụ của mỗi người.

Trên địa hạt của mình, với khả năng của mình, mỗi người có thể đóng góp vào cuộc tranh thủ tư duy. Không thể giao chiến để chiếm đất, người ta có thể, và phải giao chiến trên địa hạt trí não. Nghe có vẻ viển vông, nhưng từ cổ chí kim, tư duy vẫn dẫn dắt nhân loại, đi tìm thiên đàng hay xuống địa ngục.

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links:

Báo Tiêng Dân

Văn Hóa Vụ 

______

Chú thích:

(1) Grâce au contrôles des pensées, à la terreur constamment martelée pour maintenir l’individu dans un état de soumission voulu, nous sommes aujourd’hui entrés dans la plus parfaite des dictatures, une dictature qui aurait les apparences de la démocratie, une prison sans murs dont les prisonniers ne songeraient pas à s’évader, dont ils ne songeraient même pas à renverser les tyrans. Système d’esclavage où, grâce à la consommation et au divertissement, les esclaves auraient l’amour de leur servitude’’. Aldous Huxley. Le Meilleur Des Mondes.

(2) Antonio Gramsci. Cahiers de prison.


“Xin đừng bịt mắt” – Trần Đại Sĩ

Bài đọc suy gẫm:  Mời bạn đọc cùng tưởng niệm về các quân dân cán chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ non sông, đất nước, những đồng bào tử nạn khi vượt biển tìm Tự do. Mong hàng năm, khi tháng tư đến chúng ta luôn nhắc nhở, ôn lại, câu chuyện tang thương ngày nào, đồng thời nhớ về những anh hùng thời chiến. Nhân dịp 30-4- 2023, Blog 16 trích đăng về một Thiếu Sinh Quân tài giỏi của Quân lực VNCH qua câu chuyện “Xin đừng bịt mắt” hay “Vài nét về một anh hùng” của tác giả Yên Tử Cư Sĩ – Trần Đại Sĩ. Hình ảnh (internet) chỉ có tính minh họa.

****

Năm 1966, khi đọc trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí viết về “Ngụy Tây Sơn,” có nhiều nghi vấn trong những trận đánh giữa Vua Quang Trung và Vua Gia Long tại rừng U Minh, tôi nảy ra ý xuống vùng tận cùng của đất nước này tìm hiểu thêm. Bấy giờ đang xảy ra vụ biến động tại miền Trung “các thầy mang bàn thờ xuống đường,” chiến cuộc tại miền Tây cực kỳ sôi động, mẹ tôi, bà má má (vú nuôi) cực lực phản đối vì đi như vậy dễ tiêu dao miền Cực Lạc lắm. Nhưng bố tôi, sau khi tính số tử vi của tôi, cụ lại khuyên tôi nên đi. Cụ nói:

– Con đi lần này sẽ có thêm nhiều bạn tốt, hơn nữa có dịp biết về vùng đồng lầy Cà Mâu.

Tôi nhất quyết đi, bà má má khóc khốn khổ, nhưng cũng không cản được cái tính phiêu lưu và mê sưu tầm của tôi. Nhưng làm thế nào để có thể vào được tất cả những làng, những xã, mà không gặp trở ngại? Làm sao có phương tiện di chuyển? Chỉ một cú điện thoại, ông bố tôi đã kiếm cho tôi cái giấy giới thiệu của tuần báo trung lập lớn nhất ở Paris. Bà má má kiếm cho tôi giấy giới thiệu của tờ nhật báo Hoa Văn tại Hương Cảng. Thế là tôi bỗng trở thành ký giả bất đắc dĩ. Tôi đến Bộ Tư Lệnh MACV xin giúp phương tiện làm phóng sự chiến trường ở Vùng 4 Chiến Thuật. Tôi chỉ mong tìm hiểu lịch sử, chứ nào có chủ tâm làm ký giả!

Nhưng sau chuyến đi ấy, quá xúc động về cuộc chiến tranh thê thảm, tôi đã viết rất nhiều bài ký sự chiến trường, đăng trên một số báo ngoại quốc. Khởi đầu, uất hận trước cái chết của một cô bạn gái tên Đặng Thị Tuyết, mới hai mươi tuổi, làm nữ cán bộ Xây Dựng Nông Thôn tại Kinh Tắc Vân, Cà Mâu, tôi viết bài “Giang Biên Hoa Lạc” gây xúc động mạnh cho độc giả Hương Cảng và giới Hoa kiều tại Việt Nam. Sau tôi có dịch bài này sang tiếng Việt với tên là “Hoa rơi trên bờ sông Tắc Vân.” Tôi gởi bài này dự thi giải ký sự chiến trường của cục Tâm Lý Chiến năm 1967. Bài của tôi được giải nhì. Giải nhất về Trang Châu cũng là một bài ký sự của y sĩ tiền tuyến. Một trong các giám khảo nói với tôi: “Về nội dung, bài của cháu với Trang Châu cùng nói lên niềm mơ ước của tuổi trẻ quên mình cho quê hương. Nhưng bài của Trang Châu trung thực, còn bài của cháu thì ướt át quá, thê thảm quá, dù rằng đó là sự thật.”

Sau đây, tôi xin trích nguyên văn một đoạn tôi viết về Hồ Ngọc Cẩn trong bài “Ngũ Hổ U Minh Thượng” kể chuyện năm tiểu đoàn trưởng nổi danh can đảm, có máu văn nghệ, nhất là phong lưu tiêu sái, tại chiến trường cực Nam năm 1966. Ngũ hổ là:

– Đại Úy Hồ Ngọc Cẩn Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1/33

– Thiếu Tá Nguyễn Văn Huy Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 44 Biệt Động Quân. – Thiếu Tá Lê Văn Hưng

Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/31 – Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt

Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân. – Đại Úy Vương Văn Trổ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/33

Ngày 29 tháng 4 năm 1966, tôi tới Phi Trường Vĩnh Lợi bằng phi cơ Caribu của quân đội Hoa Kỳ. Người đón tôi là Thiếu Tá Raider của Cố Vấn Đoàn 42. Tại bản doanh của Cố Vấn Đoàn 42, Đại Tá Cố Vấn Trưởng Hataway không biết gì về chủ đích chuyến đi của tôi. Ông chỉ căn cứ vào giấy giới thiệu do hai chủ báo cấp, mà đoán rằng tôi là tên thầy thuốc trẻ, thích phiêu lưu, nên đi làm ký giả. Ông cho tôi biết tình hình địch rất chi tiết. Về tình hình của quân đội Việt Nam tại năm tỉnh tận cùng của đất nước, ông nói:

“Khu 41 Chiến Thuật, do Sư Đoàn 21 của Quân Đoàn IV trấn nhậm, Sư Đoàn có ba trung đoàn mang số 31, 32, 33. Trung Đoàn 31 đóng tại Chương Thiện. Trung Đoàn 32 đóng tại Cà Mâu. Trung Đoàn 33 đóng tại Ba Xuyên. Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn Biệt Động Quân mang số 42 và 44. Tiểu Đoàn 42 đóng tại Bạc Liêu. Tiểu Đoàn 44 đóng tại Ba Xuyên.” Ông ca tụng quân đội Việt Nam như sau: “Lương bổng cho người lính Việt Nam, chỉ gọi là tạm đủ ăn. Doanh trại không có, trang bị thiếu thốn. Nhưng họ chiến đấu như đoàn sư tử. Tuy vậy vẫn có những điều đáng phàn nàn. Ông là thầy thuốc cầm bút, xin ông lướt qua những cái đó.”

Bốn hôm sau, có cuộc hành quân cấp sư đoàn. Tôi được gởi theo Tiểu Đoàn 42 BĐQ. Tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt. Tiểu đoàn phó là Trung Úy Hồ Ngọc Cẩn. Cái tréo cẳng ngỗng là đối với cố vấn Mỹ thì tôi là ký giả. Còn Kiệt với Cẩn lại tưởng tôi là bác sĩ tình nguyện ra mặt trận. Tiểu Đoàn được đặt làm trừ bị tại Phi Trường Vĩnh Lợi từ bảy giờ sáng, chuẩn bị nhảy trực thăng vận. Nếu khi nhẩy, thì Tiểu Đoàn sẽ nhẩy làm hai cánh: Cánh thứ nhất gồm có hai đại đội 1, 2 do Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy. Cánh thứ hai gồm có hai đại đội 3 và 4 do Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt chỉ huy. Tôi và Kiệt, Cẩn ngang ngang tuổi nhau. Tôi có máu giang hồ của người tập võ, coi trời bằng vung, lại cũng có học qua quân sự, nên chúng tôi thân cận nhau dễ dàng. Đại Úy cố vấn tiểu đoàn muốn tôi nhảy theo bộ chỉ huy. Anh hỏi tôi:

– Lần đầu tiên ra trận, ông có sợ không?

Tôi trả lời như những nhân vật trong lịch sử Việt Nam:

– Tráng sĩ khi ra trận, không chết thì cũng bị thương. Nếu sợ chết thì đừng ra trận.

Cẩn hỏi tôi đã học quân sự chưa? Tôi đáp:

– Kiến thức về quân sự của tôi chỉ bằng phó binh nhì thôi. Nhưng cũng biết bò, biết núp, biết nhảy, biết bắn. Đánh nhau bằng súng thì tôi dở ẹt, nhưng đánh cận chiến thì tôi có hạng, vì tôi là ông thầy dạy võ.

Thông dịch viên dịch lại cho binh sĩ nghe. Họ khen tôi:

– Ông bác sĩ này ngon thật!

Tôi hỏi Kiệt:

– Trong hai cánh thì cánh nào có hy vọng được đánh nhau nhiều hơn?

Kiệt chỉ Cẩn:

– Anh cứ nhảy theo thằng này thì sẽ toại nguyện. Tha hồ mà hành nghề.

Tiểu đoàn cũng có sĩ quan trợ y. Anh biệt phái cho tôi một y tá cấp trung sĩ, với đầy đủ thuốc cấp cứu. Trên lưng tôi chỉ có bộ đồ giải phẫu dã chiến. Khoảng 10 giờ thì có lệnh: Một đơn vị địa phương quân chạm địch tại Vĩnh Châu. Địch là Tiểu Đoàn Cơ Động Sóc Trăng. Tiểu đoàn phải nhảy trực thăng vận đánh vào hông địch. Địa điểm nhảy là một khu đồng lầy.

Sau khi Kiệt họp các sĩ quan tóm lược vắn tắt nhiệm vụ, tình hình trong mười phút, Cẩn dẫn tôi ra phi đạo. Hai đại đội đã lên trực thăng từ bao giờ. Chúng tôi cùng leo lên một trực thăng. Hai mươi lăm chiếc trực thăng cùng cất cánh. Trực thăng bay khoảng mươi phút, thì Cẩn chỉ vào một khu làng mạc trước mặt:

– Kìa, chỗ chúng mình đáp kìa.

Trực thăng hạ cánh. Thoáng một cái, hơn hai trăm người từ trực thăng lao ra. Một cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên: Những người lính dàn thành một hàng ngang. Họ núp vào những bờ ruộng, mô đất, tay thủ súng, mắt đăm đăm nhìn về trước. Đó là một làng, lưa thưa mấy chục ngôi nhà, cây dừa xanh tươi. Mặc dù súng trong làng bắn ra, nhưng những người lính ấy vẫn chưa bắn trả. Tôi đưa mắt nhìn một lượt, các sĩ quan, người thì nằm, người thì quỳ, cũng có người đứng. Từ lúc nhẩy xuống, Cẩn không hề nằm quỳ, mà đứng quan sát trận mình, quan sát trận địch. Một là điếc không sợ sấm, hai là tự tin vào số tử vi của mình thọ, tôi cũng đứng.

Hơn mười phút sau, cánh quân thứ nhì đã nhảy xuống trận địa. Trận vừa dàn xong, thì sĩ quan đề lô xin pháo binh nã vào những chỗ có ổ moọc chê, đại liên, trung liên trong làng. Một lệnh ban ra, hơn bốn trăm con cọp dàn hàng ngang, vừa bắn vừa xung phong vào trong làng. Trong khi súng trong làng bắn ra, đạn cầy các ụ đất, trúng vào ruộng nước, bụi, nước bắn tung. Hàng quân tới bờ ruộng cuối cùng, cách bìa làng không đầy năm mươi thước thì súng nhỏ từ trong mới nổ. Cả hàng quân đều nằm dài sau các bờ ruộng. Giữa lúc đó, sĩ quan đề lô trúng đạn lật ngược. Tôi chạy lại cấp cứu thì không kịp, viên đạn xuyên qua sọ anh. Thế là pháo binh vô hiệu.

 Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện và Trung Tá Cố Vấn Mỹ Craig Mandeville

Trực thăng võ trang được gọi đến. Cố vấn Mỹ báo về Trung Tâm Hành Quân. Cố vấn tại Trung Tâm Hành Quân ra lệnh cho phi công trực thăng nã xuống địa điểm có địch quân. Tôi đứng cạnh Cẩn tại một mô đất. Cẩn không trực tiếp cầm máy chỉ huy, mà ra lệnh cho các đại đội, trung đội qua hiệu thính viên. Sau khi trực thăng võ trang nã ba loạt rocket, đại liên thì lệnh xung phong truyền ra. Cả tiểu đoàn reo lên như sóng biển, rồi người người rời chỗ nằm lao vào làng. Không đầy mười phút sau, tiếng súng im hẳn.

Bây giờ là lúc tôi hành nghề. Những binh sĩ, tù binh bị thương nặng được băng bó, cầm máu, rồi trực thăng tải về quân y viện. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy những binh sĩ bị thương khá nặng, khi nghe tôi nói rằng nếu họ muốn, tôi có thể gắp đạn, may các vết thương đó cho họ mà không phải về quân y viện. Họ từ chối đi quân y viện, xin ở lại để tôi giúp họ. Tôi cùng sĩ quan trợ y, bốn y tá làm việc hơn một giờ đồng hồ mới xong. Tôi hỏi Cẩn:

– Tôi tưởng, thương binh được về quân y viện chữa trị là điều họ mong muốn mới phải. Tại sao họ muốn ở lại? – Bọn cọp nhà này vẫn vậy. Chúng tôi sống với nhau, kề cận cái chết với nhau, thì xa nhau là điều buồn khổ vô cùng. Đấy chúng nó bị thương như vậy đấy, lát nữa anh thấy chúng chống gậy đi chơi nhông nhông ngoài phố, coi như bị kiến cắn.

Tôi đi một vòng thăm trận địa. Hơn hai trăm xác chết, mặc áo ba ba đen, quần đùi. Những xác chết đó, gương mặt còn non choẹt, đa số tuổi khoảng 15 đến 20, xác thì nằm vắt vẻo trên bờ kinh, xác thì bị cháy đen, xác thì mất đầu, cũng có xác nằm chết trong hầm. Không biết trong khi họ phơi xác ở đây, thì cha mẹ, anh em, vợ con họ có biết không?

Sau trận đó thì Cẩn được thăng cấp Đại Úy. Cuối năm 1966, Cẩn từ biệt Tiểu Đoàn 42 BĐQ đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Việc đầu tiên của Cẩn khi làm tiểu đoàn trưởng là xin sư đoàn cho tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan xuất thân trường Thiếu Sinh Quân về chiến đấu cùng với mình. Cẩn đã được thỏa mãn một phần yêu cầu. Tôi hỏi Cẩn:

– Anh đem các cựu TSQ về với mục đích gì?

– Một là để dễ sai. Tất cả bọn TSQ này đều ra trường sau tôi. Chúng là đàn em, dù tôi không phải là cấp trên của chúng nó, mà chúng nó lộn xộn, tôi vẫn hèo vào đít chúng nó được. Nay tôi muốn chúng nó về với tôi, để tôi có thể dạy dỗ chúng nó những gì mà quân trường không dạy. Hai là, truyền thống của tôi khi ra trận là chết thì chết chứ không lùi, vì vậy cần phải có một số người giống mình, thì đánh nhau mới đã. Bọn cựu TSQ đều như tôi cả.

Suốt năm 1967, Cẩn với Tiểu Đoàn 1/33 tung hoành trên khắp lãnh thổ năm tỉnh Hậu Giang, khi Đại Ngãi, khi Tắc Vân, khi Kiên Hưng, khi Thác Lác, khi Cờ Đỏ. Thời gian này, tôi bắt đầu viết lịch sử tiểu thuyết, nên tôi đọc rất kỹ Lục Thao, Tam Lược, Tôn Ngô binh pháp cùng binh pháp của các danh tướng Đức, nhất là của các tướng Hồng Quân. Tôi dùng kiến thức quân sự trong sách vở để đánh giá những trận đánh của Cẩn từ 1966. Tôi bật ngửa ra rằng, Cẩn không hề đọc, cũng không hề được học tại trường sĩ quan những binh pháp đó. Mà sao từ cung cách chỉ huy, cung cách hành xử với cấp dưới, cấp trên, nhất là những trận đánh của Cẩn bàng bạc xuất hiện như những lý thuyết trong thư tịch cổ?

Lần cuối cùng tôi gặp Cẩn vào mùa Hè năm 1974 tại Chương Thiện. Tôi hỏi Cẩn:

– Anh từng là trung đoàn trưởng, hiện làm tỉnh trưởng. Anh có nghĩ rằng sau này sẽ làm sư đoàn trưởng không?

– Tôi lặn lội suốt 14 năm qua, gối chưa mỏi nhưng kiến thức có hạn. Được chỉ huy trung đoàn là cao rồi. Mình phải biết liêm sỉ chứ. Coi sư đoàn sao được?

– Thế anh nghĩ sau này anh sẽ làm gì?

– Làm tỉnh trưởng bất quá một hai năm rồi tôi phải ra đi, cho đàn em họ có chỗ tiến thân. Bấy giờ tôi xin về coi trường Thiếu Sinh Quân hoặc coi các lớp huấn luyện đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, đem những kinh nghiệm thu nhặt được trong mười mấy năm qua dạy đàn em. Tôi sẽ thuật trước sau hơn ba trăm trận đánh mà tôi trải qua, nhờ anh viết lại. Bộ sách đó, anh nghĩ nên đặt tên là gì?
– Cẩm nang của các đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng trong chiến tranh chống du kích tại vùng đồng lầy.

– Nhưng liệu Bộ Quốc Phòng có cho phép in hay không?

– Không cho in thì mình cũng cứ thuật, rồi đem giảng dạy, ai cấm được?

Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và Cẩn. Sau khi miền Nam mất, tôi không được tin tức của Cẩn. Mãi năm 1976, tôi được tin: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng thì Hồ Ngọc Cẩn vẫn tiếp tục chiến đấu. Các đơn vị Cộng Sản tiến vào tiếp thu Tiểu Khu Chương Thiện, thì gặp sức kháng cự, chết rất nhiều. Ông bị bắt, đưa về Cần Thơ rồi bị đem ra xử tử.

Khi tôi gặp Cẩn thì tôi chưa khởi công viết lịch sử tiểu thuyết. Thành ra cuộc đời Cẩn, cuộc đời các thiếu sinh quân quanh Cẩn, in vào tâm não tôi rất sâu, rất đẹp. Vì vậy sang năm 1968, khi bắt đầu viết, thì bao giờ tôi cũng khởi đầu bằng thời thơ ấu của những nhân vật chính. Trong bộ nào, cũng có những thiếu niên, khi ra trận thì tiến lên hoặc chết, chứ không lùi.

Có rất nhiều người đặt câu hỏi: Giữa tôi và Cẩn như hai thái cực. Cẩn chỉ học đến đệ ngũ, tôi được học ở nhà, ở trường đến trình độ cao nhất. Cẩn là người Nam, tôi là người Bắc. Cẩn theo đạo Chúa, tôi là cư sĩ Phật Giáo. Tôi thì sống trong sách vở, hay đi trên mây, Cẩn thì lăn lộn với thực tế. Tôi không biết uống rượu, Cẩn thì nổi danh tửu lượng tại Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Tôi thấy người đẹp là chân tay run lẩy bẩy, Cẩn thì dửng dưng. Thế mà khi gặp nhau, chúng tôi thân với nhau ngay. Thân đến độ giãi bày cho nhau tất cả những tâm sự thầm kín nhất, không một người thứ nhì biết được. Tại sao? Cho đến nay, tôi mới trả lời được rằng: Cẩn cũng như những người quanh Cẩn, là những hình bóng thật, rất quen thuộc mà trước kia tôi chỉ thấy trong lịch sử, nay được gặp trong thực tế.

Hai mươi mốt năm qua, đúng mười hai giờ trưa, ngày 30 tháng 4, dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng mua bó hoa, đèn cầy, vào nhà thờ đốt nến, đặt hoa dưới tượng Đức Mẹ, và cầu xin cho linh hồn Cẩn được an lành trong vòng tay Người.

Trích trong bài: “Vài nét về một anh hùng: Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn”

của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sĩ viết tại Paris ngày 30/4/1996.

    Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và Phu nhân.

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links: Dòng Sông Cũ


Ông ta hình như chưa chết – Lê Tín Hương


 Bài đọc suy gẫm: “Ông ta hình như chưa chết” hay Về Bên Mẹ La Vang là câu chuyện của Nhạc sĩ Lê Tín Hương kể về phép lạ do Đức mẹ La Vang ban cho gia đình bà. Hình ảnh minh họa bao gồm những nhân vật nổi tiếng của miền nam Việt Nam. 

Ảnh: Tượng đài Đức Mẹ La Vang- Nhà thờ kiếng (The Crystal Catheral) quận Cam nơi có Cộng đồng người Công giáo tị nạn cộng sản đông nhất nơi hải ngoại.

LTS: Bà Lê Tín Hương hiện ở California, là một nhạc sĩ, cũng là một nhà văn, qua cha cố Trọng đang nghỉ hưu tại Orange County, California, gởi cho chúng tôi câu chuyện về Ơn Lạ của Mẹ Lavang ban cho gia đình bà cách đây 40 năm. Xin mời bạn đọc theo dõi. “Về bên Mẹ Lavang”.  Chân thành cám ơn tác giả.

 

Tôi rời nhà lúc sáu giờ sáng Chủ Nhật. Lái xe trong cơn mưa tầm tã, trên con đường dài vẫn còn mù mờ tối của một buổi sáng mùa đông lạnh, đối với tôi là một việc làm gần như rất hiếm hoi.

Ngày cuối tuần, nhất là những sáng trời mưa, tôi vẫn có cái thú rúc trong chăn và nằm nướng. Cây đàn Tây Ban Cầm được gác sẵn bên góc đường để tôi có thể với tay kéo lên bất cứ lúc nào, và ngồi dậy tựa lưng vào thành giường nhã hứng… Những dòng nhạc về mưa, về thân phận lúc đó lại có cơ hội tiếng thăng tiếng trầm đến với cuộc đời…

Riêng sáng hôm nay, lòng tôi nao nao mong đợi. Tôi thức dậy sớm. Sau một chút trang điểm nhẹ nhàng, tôi chọn cho tôi chiếc áo màu trắng, khoác ngoài chiếc áo ấm màu đen và sẵn sàng chờ giờ ra xe. Trời chưa thấy sáng và giờ đi hãy còn sớm. Tôi bâng khuâng ngồi nhìn ra khung cửa, mưa vẫn còn nặng hạt, dấu chỉ báo hiệu cho một cơn mưa có thể kéo dài đến chiều…

Liên tưởng đến buổi Thánh Lễ Ðại Trào mà tôi sẽ tham dự sáng nay, khai mạc năm Toàn Xá 200 năm Ðức Mẹ Lavang và kỷ niệm 10 năm phong thánh, 117 vị anh hùng Tử Ðạo Việt Nam. Tôi bỗng thấy lòng lâng lâng xúc động. Ngoài sự cảm phục về tấm gương sáng ngời tình yêu và tuyên xưng đức tin của các Thánh Tử Ðạo, thì mỗi khi nhắc đến Mẹ Lavang, là gợi lại trong tôi hồi tưởng về một khung trời thơ ấu xa xưa với biến cố trọng đại đã đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày mưa gió như hôm nay…

Năm 1958, ba tôi làm việc tại bệnh viện Trung Ương thánh phố Huế. Mỗi tháng ông vẫn cùng các bác sĩ đi thanh tra các bệnh viện nhỏ ở các vùng lân cận. Hôm ấy, ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.

Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy trời mưa lạnh. Những cơn mưa mà những ai đã từng ở Huế chắc chắn không thể nào quên được. Mưa tầm tã, rả rích kéo dài từ ngày này sang ngày khác tưởng chừng như vô tận. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Chiếc xe chở ông cùng ba vị bác sĩ và một nhân viên bệnh viện đã đón ông ở ngoài cổng. Ba tôi mặc vào người chiếc áo jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vàng ra xe.

Bước xuống mấy bậc thềm ông gặp ngay cha Luận đang bước vào. Cha Cao Văn Luận cùng quê quán với cha tôi, Ngài rất gần gũi và thương yêu gia đình tôi. Một trong những mong mỏi của Ngài là được thấy gia đình tôi theo Ðạo.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm Khoa Trưởng Y Khoa Sài Gòn (trái) và Linh Mục Cao Văn Luận (giữa) Viện Trưởng sáng lập của Viện Đại Học Huế từ 1957, đi dự một Hội nghị Quốc tế về Giáo Dục. (Nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu Tâm). Cha Luận cũng nổi tiếng qua hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965 với nhiều biến động của miền nam Việt Nam”

Tuy rất kính và quý mến cha nhưng điều đó với ba mẹ tôi là một trở ngại lớn, không thể nào thực hiện được. Cả hai bên nội ngoại tôi không ai có Ðạo. Mẹ tôi đồng thời lại là một Phật Tử. Bà đã quy y, pháp danh Nguyên Khai. Bà cũng đã từng xây chùa cho làng ngoại tôi tại Huế. Mẹ tôi là một người đàn bà có học. Như đa số những bà mẹ Việt Nam khác rất hiền lành và nhẫn nhục. Cả cuộc đời hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngưỡng thì lại rất cương quyết, chẳng thể nào lay chuyển được. Ba tôi biết thế nên ông rất tôn trọng mẹ tôi mặc dầu ông rất kính mến cha Luận.

Cha Luận gặp ba tôi, Ngài bắt tay rất vui vẻ, Ngài đưa cho ba tôi một tấm ảnh và bảo: “Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Tôi kính cho ông một tượng ảnh của Mẹ Lavang. Ðức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng. Ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện.”

Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của chiếc áo da. “Con phải đi ngay cha à, mọi người đang đợi con ở ngoài kia.” Vừa nói ba tôi vừa chào từ giã cha rồi ra xe.

Tôi nhìn theo chiếc xe chở ba tôi khuất dần, khuất dần sau màn mưa dày đặc…

Buổi chiều trong khi người nhà chuẩn bị bữa cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện “những kẻ khốn cùng” (les misérables) của văn hào Victor Hugo thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa đã bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị và chìm xuống sông. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình ra ngay hiện trường để nhận xác đồng thời để tẩm liệm tại chỗ cho thân nhân…

Trước biến cố bất ngờ đó, mẹ tôi như người bị sét đánh. Bà run rẩy rững sờ ôm lấy tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ lúc ấy… (giờ đây sau biết bao lần chứng kiến những chia ly, tử biệt, tôi mới ngậm ngùi thấm thía được niềm đau đớn của những nỗi đợi chờ tuyệt vọng), chỉ biết là đã nhìn thấy mẹ đầm đìa nước mắt và cả chúng tôi nữa…

Ngoài kia dòng lệ của đất trời vẫn hững hờ rơi…

Mẹ tôi và chị em tôi theo chiếc xe của bệnh viện ra Quảng Trị nhận xác cha. Ðến nơi, tại một trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba vị bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên. Còn thi hài của ba tôi thì chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được ba tôi nhưng mọi người xác định là ông cũng cùng một số phận với những người đã tử nạn; nhất là ông đã chìm sâu dưới lòng nước quá lâu. Mẹ tôi mặt mày bạc nhược tái xanh, mắt đỏ hoe vì khóc, đứng ở một góc phòng chờ đợi…

Thân nhân của các nạn nhân đều đã tới, tiếng kêu gào khóc kể nghe rất não lòng. Tôi vừa buồn vừa sợ, mơ hồ cảm thấy một khúc quành nào đó thật ngặt nghèo đang chờ đợi gia đình tôi.

Em tôi vì còn nhỏ, có lẽ chưa hiểu lắm, nép trong lòng mẹ ngơ ngác nhìn quanh: “Ba đâu, ba đâu mẹ!” Mẹ tôi chưa kịp dỗ dành em thì bỗng có tiếng người la lớn:
“Ðây rồi, vớt được xác sau cùng rồi!”

Là ba đó, mẹ tôi chạy nhào tới.

Phải rồi, người ta đang khiêng ba tôi vào, đặt ba tôi nằm trên chiếc băng ca.

Lại có tiếng người la lên: “Trời ơi! Ông ta hình như chưa chết. Còn thở. Hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp nhân tạo ngay đi!”

Và ba tôi quả còn sống thật! Mẹ tôi quỳ xuống lạy trời lạy đất. Cám ơn Trời Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt một lần nữa tuôn dầm dề trên má mẹ, nhưng lần này là những giòng nước mắt hạnh phúc không ngờ…

Chúng tôi quỳ chung quanh chiếc băng ca nơi ba tôi đang nằm.

Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng nói thật yếu ớt, câu nói đầu tiên mà tôi không bao giờ quên được: “Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà, Ðức Mẹ Lavang đã cứu ba.”

Nói xong ông đưa tay vào trong túi áo da lục lọi kiếm tìm, và sau đó ông rút ra tấm ảnh Ðức Mẹ Lavang. Tấm tượng ảnh mà cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Tấm ảnh đã ướt sũng và đậm màu vì thấm nước, nhưng hình Ðức Mẹ với chiếc áo choàng xanh vẫn còn in rõ nét.

Ba tôi nói tiếp: “Ðây chính Bà này đã cứu ba, Bà đã lôi ba, lúc ấy đang mắc kẹt trong xe, ra khỏi cửa xe. Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói Ta là Ðức Mẹ Lavang, Ta đến cứu con.”

Tôi chợt nghĩ lại, nếu ngày hôm đó ba tôi không vội vàng ra đi, và có thời giờ để tiếp chuyện với cha Luận. Có lẽ bức tượng ảnh Ðức Mẹ Lavang đã bị quên trong một ngăn kéo nào đó cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi.

Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em đã rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị linh mục thân thiết của gia đình tôi, cha Cao Văn Luận, cha Ngô Văn Trọng lúc bấy giờ là cha Chánh Xứ họ đạo Phanxicô, hay còn gọi là Nhà Thờ nhà nước, nơi mà gia đình tôi cư ngụ, và cha Vũ Minh Nghiễm, Dòng Chúa Cứu Thế, người đã dày công dạy giáo lý cho chúng tôi. Cả ba vị linh mục này đã dâng thánh lễ và ban phép rửa tội cho chúng tôi.

Theo lời xin của ba tôi, để cảm tạ ơn thánh của Ðức Mẹ, lễ rửa tội được tổ chức tại Thánh Ðường Ðức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vô cùng vui mừng hân hoan, và tin tưởng lần chuỗi mân côi cảm tạ ơn Ðức Mẹ mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt bà là một tín đồ sốt sắng, sùng kính Ðức Mẹ tuyệt đối. Ðây là những hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.

Tôi còn nhớ rõ sau thời gian gia đình chịu phép rửa tội. Mẹ tôi đã chịu đựng nhiều lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết. Họ cho rằng gia đình tôi theo đạo là để mưu cầu cho một quyền lợi nào đó. Về phần chúng tôi khi đến trường cũng nghe những lời đàm tiếu của bạn bè. Mỗi lần than vãn với mẹ thì mẹ lại khuyên răn chúng tôi: “Ba là cột trụ và là nguồn sống của gia đình chúng ta. Vì thế dầu có chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Ðức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta.”

Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cũng là một biến cố trong lịch sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90. Ông vẫn còn kính tấm tượng ảnh năm xưa đã cứu ông trên bàn thờ. Tấm ảnh Ðức Mẹ ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông đều đọc kinh lần hạt cảm tạ Ðức Mẹ.

Câu chuyện mầu nhiệm này đã được chúng tôi thường xuyên kể lại cho con cháu nghe, như là một câu chuyện thần thoại nhưng có thật. Xẩy đến từ một trong những phép lạ của Ðức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.

Ngày đại lễ hôm nay trời cũng mưa. Tôi lái xe trong cơn mưa như trút nước, Lòng hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa. Có ánh sáng niềm Tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Có Tình Yêu bao la rộng mở của Ðức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên mười…


Ảnh: Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận cầu nguyện trong ngục tù cộng sản.

 Tôi lắng nghe những lời huấn từ của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Bằng giọng nói rõ ràng trầm ấm, Ngài nhắc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Qua biết bao nhiêu thăng trầm gian khổ có máu, có nước mắt và ngày nay đã được thăng hoa với 117 Vị Thánh Tử Ðạo. Gia đình ngài cũng đã theo Chúa cách đây 300 năm, với những thử thách cùng với nhiều ân sủng của Chúa, của Ðức Mẹ, đặc biệt là Mẹ Lavang. Ngài cũng kể lại những phép lạ mà Ðức Mẹ đã ban, trong đó có phép lạ chữa lành bệnh cho cha cố Trọng, cha Linh Hướng của gia đình tôi.

Tôi tự cảm thấy gia đình mình may mắn, đã được hưởng một ân sủng quá đặc biệt đến từ Tình Yêu bao la không bờ bến của Ðức Mẹ.


Trong cái lạnh của mùa Ðông, lòng tôi bỗng nhiên ấm cúng. Tôi thấy tâm hồn như nở hoa. Ðóa hoa Yêu Thương trong vườn hoa rực rỡ của niềm Tin. Tôi hy vọng sẽ mãi mãi là đóa hoa đầy hương sắc, không bao giờ héo rũ úa tàn. Tôi thầm cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ, cúi đầu để che dấu dòng lệ cảm xúc đang âm thầm rơi. Dòng lệ của hơn bốn mươi năm trước kể từ khi gia đình tôi được ơn lạ của Ðức Mẹ Lavang, trải qua biết bao sóng gió bể dâu… Có lúc đã ngưng đọng, có lúc tưởng chừng bị lãng quên, hôm nay lại từng giọt chảy dài… Những giọt lệ vui mừng. Những giọt lệ bồi hồi nhắc nhở tôi niềm hạnh phúc được nương náu trong Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa, của Mẹ Maria.

California, Chúa Nhật ngày 22 tháng 2 năm 1998

Lê Tín Hương.

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links:

https://hon-viet.co.uk/LeTinHuong_VeBenMeLaVang.htm


Chúng Tôi Muốn Sống – Vĩnh Noãn

 Bài đọc suy gẫm: Phim lịch sử khá vĩ đại “Chúng Tôi Muốn Sống” của VNCH nổi tiếng một thời vì lột trần được bộ mặt thật của cộng sản Việt Nam, điển hình là cuộc cải cách ruộng đất với chủ trương đầy ác độc, ghê rợn, giết hại hàng trăm ngàn người dân, và cuộc vượt thoát ly kỳ khỏi bức màn sắt. Phim được thực hiện với những chi tiết sống động qua lời kể của Đạo diễn Vĩnh Noãn. Hình ảnh sưu tầm trên net chỉ mang tính cách minh họa.

 Đầu năm 1954, tôi còn hoạt động trong ngành điện ảnh tại Paris cùng với nhóm Les Films de l’Oliviẹr. Nhân dịp có phái đoàn Việt Nam sang hội nghị với Pháp đang ngụ tại khách sạn Lutecia ở Paris, tôi đến thăm để có dịp gặp lại nhiều người quen như bác sĩ Phan Huy Quát, các ông Bùi Diễm, đại tá Lê văn Kim, Nguyễn Quang Nhạ và nhân viên phụ tá.

Công việc điều đình với chính phủ Pháp vẫn còn kéo dài nên bác sĩ Quát, lúc đó là tổng trưởng bộ Quốc Phòng, ngỏ ý muốn mời tôi về Việt Nam để giúp quân đội thực hiện vài cuốn phim dài chống Cộng. Đại tá Lê văn Kim cũng có nhiều liên hệ với nền điện ảnh Pháp nên đã giới thiệu thêm vài chuyên viên khác, như đạo diễn Jean Leduc và Jacques Lang, cùng theo tôi về Saigon để lo làm các loại phim tài liệu ngắn.

Về Việt Nam mới được vài tháng, chưa tổ chức xong việc quay phim và chưa tìm đủ các phương tiện cùng dụng cụ chuyên môn cần thiết, thì được tin quốc trưởng Bảo Đại đã chọn ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng thay thế Hoàng thân Bửu Lộc. Bác sĩ Phan Huy Quát mời tôi lên văn phòng, cho hay là ông sẽ không còn làm tổng trưởng Quốc Phòng trong chính phủ mới, nên hỏi xem ý tôi muốn làm gì trong tương lải. Tôi trình bày là hiện nay tôi đã bắt đầu thảo ra một chuyện phim để phổ biến cho dân chúng hiểu về chế độ Cộng Sản, nhưng tôi cần phải nghiên cứu thêm rất nhiều tài liệu và chi tiết.

Vì ông Quát không còn ở trong chính quyền nên mất đi cơ hội làm phim, tôi xin phép trở lại Pháp để tiếp tục hoạt động trong ngành điện ảnh tại đó.

Máy bay Air France chở tôi về đến Paris đêm 14 tháng 7 cùng năm, vào đúng ngày lễ Độc Lập lớn của Pháp và cũng là ngày sinh nhật của tội. Nhìn thấy thiên hạ ăn mừng và khiêu vũ ngay ở ngoài đường rất nhộn nhịp, tôi cũng cảm thấy vui lây, bớt bực mình vì công việc không thành tại quê nhà.

Tuy nhiên sau đó, ý nguyện thực hiện cuốn phim chống Cộng vẫn đeo đuổi tôi, vì từ lúc còn là sinh viên tại Hà Nội năm 1945, tôi đã nếm mùi tra tấn của Cộng sản lúc bị tụ.  Lý do là tôi đã cùng với nhóm anh em trong Đông Dương Học Xá, không chịu chấp nhận đổi tên của tổ chức Tổng Hội Sinh Viên thành Tổng Hội Sinh Viên Cứu Quốc, vì biết chữ “Cứu Quốc” chỉ là một danh từ trá hình của Cộng Sản.

Khi viết xong bản thảo cho câu chuyện phim, tôi trở lại Saigon vào đầu năm 1955 để tìm cách thực hiện ước vọng của mịnh. Tôi tìm đến ông Bùi Diễm và bác sĩ Phan Huy Quát, lúc đó không còn ở trong chính quyền nữa, nhưng họ là những phần tử quốc gia chống Cộng, lại đang được rảnh rang, nên tôi mong họ có thể hợp tác được.

Cuốn phim tôi muốn thực hiện khá vĩ đại đối với Việt Nam, và sự tốn kém sẽ lên quá cao so sánh với các phim trong nước, Vì vậy cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải:

– Lo có số tiền chi tiêu cho mọi việc, từ lúc chuẩn bị quay phim cho đến khi hoàn thành, chi phí về quảng cáo và ẩm thực cho đoàn quay phịm

– Tìm kiếm các dụng cụ máy móc về phần chuyên môn, như máy quay phim, máy thâu thanh, máy phát điện, đèn cỡ lớn, và xe cộ để chuyên chở vân vận

– Mướn chuyên viên, tuyển lựa các tài tử đóng phim, và hằng ngàn dân di cư phụ diển

– Vận động sự giúp đỡ của quân đội về việc sử dụng súng đạn, máy bay, xe thiết giáp, các loại xe quân sự, chất nổ dùng trong lúc thực hiện các trận đánh, và việc tổ chức an ninh cho đoàn quay phịm

– Muốn quay loại phim 35 ly cho dúng tiêu chuẩn quốc tế, tiền ngoại tệ cần phải có khá nhiệu Việc mua cùng in rửa phim và làm ráp nối sẽ rất tốn kém, vì tất cả đều phải làm tại ngoại quộc. Việt Nam lúc đó chưa có phim trường và các máy móc dùng cho loại phim cỡ lớn này.

Thực hiện một phim có tánh cách chống Cộng, trước tiên là đi vận động để được sự giúp đỡ của chính quyền và phòng điện ảnh Hoa Kỳ. Về phía Việt Nam thì không có sự khích lệ nào đáng kể, vì có lẽ chính phủ Ngô Đình Diệm đang có nhiều vấn đề quan trọng khác cần làm, nhất là họ còn phải đương đầu với các tổ chức đối lập trong nước vào thời gian đó.

Nhờ hồi trước lúc làm việc tại bộ Quốc Phòng, tôi có quen với ông Charlie Mertz, giám đốc phòng điện ảnh Hoa Kỳ. Lúc trình bày ý định thực hiện cuốn phim dài chống Cộng và mong được sự giúp đỡ, ông Mertz thích thú ngồi nghe tôi kể sơ lược chuyện phim và hứa sẽ sốt sắng tận tình làm mọi việc trong quyền hạn của mình, với điều kiện là cần có một bản chuyện phim loại phân cảnh bằng Anh ngữ (shooting script) để hiểu rõ nhu cầu nào ông có thể trợ giúp được.

Tôi cũng đem mấy vấn đề khó khăn cần giải quyết đã nói trên ra bàn với ông Mẹrtz. Ông ta có ý kiến là sau khi chuyện phim được chấp thuận, tôi cần phải cùng ông đi qua Phi Luật Tân để giải quyết về vấn đề chuyên viên và máy móc cùng phim trường. Theo ý ông, thì nên tìm thêm một hãng phim tại đấy để làm chung (co- production), nếu họ thích chuyện phim này và nhận thấy có ích lợi cho nước họ, vì trong thời kỳ ấy phong trào chống Cộng tại Phi cũng đang bành trượng. Được như vậy thì mọi chi phí, về dụng cụ và chuyên viên hay in rửa phim, đều do Phi Luật Tân đài thọ.

Tôi trở về bàn tính với ông Bùi Diễm là đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm rồi, vì nếu chuyện phim được chấp nhận thì phần Việt Nam chỉ phải lo cho tiền chi tiêu trong thời kỳ quay phim mà thôi, còn lại các vấn đề tốn kém quan trọng về ngoại tệ đều đã có các tổ chức khác chịu.

Chúng tôi thành lập hãng phim Tân Việt Điện Ảnh, trong đó có bốn người: ông Bùi Diễm, bác sĩ Phan Huy Quát, thương gia Nguyễn Hữu Đạo và tôi.  Ba người trên lo vấn đề tài chánh và tôi thì phụ trách phần thực hiện và viết chuyện phịm.

Lúc đó áp dụng theo hiệp ước ký kết tại Genève năm 1954, phong trào di dân chống Cộng từ Bắc vào Nam đang rầm rộ xúc tiến. Tôi chọn Đà Lạt vì có các trại di cư ở quanh vùng đó, và đến ngụ tại khách sạn Langbian để viết phần phân cảnh cho chuyện phịm.

Trong hai tháng, mỗi ngày tôi đều xuống các trại định cư, nghe họ kể lại cảnh tố khổ hay các việc kinh hoàng dã man đã xẩy ra dưới chế độ Cộng sản. Ghi chép các tài liệu đó cho đến chiều tối trở về, tôi lại bổ túc thêm cho chuyện phim thành hấp dẫn hơn, nhưng phải loại bỏ những cảnh quá tàn nhẫn không thể đem lên màn bạc được.

Chuyện phim và phần phân cảnh được hoàn thành xong, tôi liền trở về Saigon để cấp tốc dịch ra tiếng Anh cùng với các anh em Việt Nam làm tại phòng điện ảnh Hoa Kỳ.

Ông Charlie Mertz muốn góp ý kiến là vào cảnh cuối cùng, lúc đại úy Vinh vượt biên và được tàu chiến của hải quân cứu ở ngoài biển, ông đề nghị chiếc tàu đó treo cờ Mỹ! Tôi đã từ chối và nói rằng làm vậy thì như quảng cáo bán “Coca Cola”, sẽ mất giá trị của cuốn phim đối với dân chúng. May thay ông ta không cứng đầu, và đã đồng ý mời tôi cùng đi qua Phi Luật Tân để vận động giải quyết về phần kỹ thuật.

– Ở Manila hơn một tuần lễ, các hãng phim của Phi biết được tin đăng trên báo nên đã liên lạc và đón tiếp tôi rất nồng hậu trong các buổi tiếp tân của họ, cũng như buổi tiệc do đại sứ Cao Thái Bảo tổ chức tại sứ quán Việt Nam, hay hôm gặp gỡ báo chí và các minh tinh điện ảnh Phi do phòng thông tin Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân tổ chức.

Chuyến đi Manila rất thành công, một hãng phim Phi do ông Manuel Conde làm giám đốc nhận lời làm chung (co-production) với Việt Nạm. Chuyên viên và máy móc quay phim do họ đóng góp, còn phần mua và in rửa phim thì được sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Khi cuốn phim thực hiện xong họ được có toàn quyền trên thị trường Phi, còn lại tất cả trên thế giới là của Việt Nạm. Phía Phi Luật Tân họ lấy tên cuốn phim là “Fire and Shadow”, vì chuyện được sửa đổi để theo đúng tinh thần dân tộc Phi, thiên nhiều về đạo Ki Tô, và sẽ do ông Conde làm đạo diễn.



Phía Việt Nam thì chọn tên Chúng Tôi Muốn Sống và do tôi phụ trách. Tiện đây, tôi xin trình bày thêm là sau cuộc trưng cầu ý kiến của trên mấy trăm người, phần đông là dân chúng ở tại Saigon đã lựa tên Chúng Tôi Muốn Sống trong số sáu tên phim được đưa ra, như “Gió và Lửa”, “Tình và Máu”, “Sóng Đỏ trên đất lành”, “Giông tố” vân vân.

Trở về Saigon, vấn đề cuối cùng là cần phải có sự trợ giúp của quân đội Việt Nạm. Ông Bùi Diễm lúc đó làm giám đốc sản xuất cho Tân Việt Điện Ảnh, có quen nhiều với đại tá Edward Lansdale, đang làm cố vấn tối cao cho tổng thống Ngô Đình Diệm, nên ông vận động nhờ ẸL nói giúp, vì chính phủ tỏ vẻ thờ ơ với việc thực hiện phim nạy. Có lẽ vì ông Diễm và bác sĩ Quát là Đại Việt, không cùng “phe ta”, mà lại muốn làm điện ảnh chống Cộng để lấy ảnh hưởng trong dân chúng, nên chính phủ Diệm e ngại chẳng.

Tuy vậy sau đó, thiếu tướng Trần Văn Đôn, khi ấy làm tham mưu trưởng quân đội, cho tôi hay là đã chỉ định thiếu tá Nguyễn văn Cư cùng một số sĩ quan đi theo cộng tác với đoàn quay phịm. Mọi nhu cầu cần đến sự yểm trợ của quân đội, thì thiếu tá Cư sẽ liên lạc trực tiếp với bộ Quốc Phòng.

Như vậy, xem như đã giải quyết xong các vấn đề trong giai đoạn vận động và chuẩn bị, bây giờ thì đến lúc phải lo về phần thực hiện cuốn phịm.

Phái đoàn Phi Luật Tân gồm có các tài tử và chuyên viên, tất cả chừng hai mươi ngượ`i. Họ quyết định sẽ đến Saigon trong hai tuần lễ sau, và đem theo các dụng cụ máy móc: camera quay phim là loại Mitchell 35 ly thường dùng trong các phim trường quốc tế, hoàn toàn yên lặng lúc máy chạy, rất cần vì phải lấy âm thanh tại chỗ (direct sound recording). Phần thâu thanh thì dùng máy Ampex với băng cỡ 16 ly chạy cùng tốc độ với camera để tiện cho việc ráp nối sau này. Hồi đó việc thâu lời đối thoại cho ăn khớp (Sỵnc) cùng đúng với lúc tài tử nói thật rất khó làm, chứ không dễ dàng như quay loại video-camera hiện nạy.

Thâu thanh tại chỗ thì cần phải có máy phát điện lớn chạy thật êm, phía Phi Luật Tân không thể đem qua được vì quá nặng nề, nên bên phần Việt Nam phải tự lo liệu lấy.

Quân đội ta có nhiều máy phát điện nhưng động cơ lại rất ồn. Tôi phải giải quyết vấn đề ấy, bằng cách cho hàn thêm mấy ống bô xe hơi liên tiếp sau ống khói của máy phát điện, và khi sửa xong, máy chạy nghe thật rất ệm.

Phía Việt Nam cần phải gấp rút tuyển lựa tài tử cho kịp lúc quay phịm. Đặc biệt là thời đó chưa có tài tử chuyên nghiệp, nên tất cả diễn viên đều đóng phim lần đầu tiên trong đời họ. Người Việt Nam ta rất có khiếu về vấn đề này, ngay như đạo diễn lừng danh trên thế giới là ông Joseph L. Mankiewicz, lúc đến Saigon quay phim The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) vào đầu năm 1957, mà tôi làm người cộng tác sản xuất cho ông ta ăssociate-producer), cũng công nhận việc diễn xuất rất tự nhiên của các vai phụ tại đây, nhất là không bao giờ ai liếc trộm vào ống kính quay phim, khi họ đã được báo trước là không nên làm việc đó.

Vai chánh nam, đại úy Vinh do Lê Quỳnh đóng, phần hai vai chánh nữ thì lúc diễn xuất thử, Mai Trâm thích hợp với vai Lan vì nét mặt hiền hậu, và vai nữ cán bộ đanh đá, lại hợp cho Thu Trang hơn.

Còn lại các vai phụ như

– Công tố ủy viên: Nguyễn Long Cương

– Đội trưởng đoàn đấu tố Cộng sản: Nguyễn Đức Tạo

– Ủy viên chính trị: Lê Giạng

– Công an: Trần văn Nhơn, và nhiều vai khác mà tôi không còn nhớ tện

Phần chuyên môn về Quay phim: Emanuel Rojạs

– Âm thanh: Flaviano Vilareạl

– Âm nhạc hòa tấu theo nhạc phẩm của Phạm Duy do Restie Umali điều khiện

Địa điểm được chọn để quay phim là Long Hải và Nha Trang, vì cả hai nơi đều có cảnh giống như trong chuyện phim, và lại là vùng có nhiều trại di cư người Bắc, nên rất tiện cho việc nhờ họ làm phụ diện. Đoàn quay phim gồm có gần 100 người, trong đó, các anh em trong quân đội lo về an ninh đã chiếm mất một phần tư, còn lại là tài tử, chuyên viên, nhân viên giúp việc của Việt và Phi và một số người khá đông trách nhiệm về ẩm thực. Phải dùng đến 10 chiếc xe vận tải lớn của quân đội, mới chuyên chở hết được mọi người và dụng cụ của phim đoàn.

Thời gian quay phim mất gần ba tháng. Mọi người đều hăng say làm việc, không quản ngại đến những trận mưa rào như tát nước vào mặt, hay trời nắng chang chang thêm với sức nóng của các ngọn gió từ bên Lào thổi đến như nung đốt rừng núi, làm cho nhiều diễn viên đã phải núp cạnh các xe vận tải để có chút ít bóng mát. Chỉ có lúc tắm biển vào buổi chiều khi mặt trời lặn, là lúc xả hơi vui vẻ cho mọi người sau một ngày công lao cực nhọc.

Mỗi ngày ai cũng đều phải thức dậy từ lúc mờ sáng để chuẩn bị những việc cần thiết phải làm của mình. Nhóm này thì lo máy móc dụng cụ quay phim, kẻ kia lo nấu nướng đồ ăn cùng nước uống cho mọi ngượi. Diễn viên thì lo phần áo quần cùng hóa trang, nhất là phải học thuộc lòng các câu đối thoại. Đạo diễn và giám đốc thu hình chăm chú cùng nhau bàn tán, về các góc cạnh hay các đoạn phải quay phim trong hôm đó. Kỹ sư âm thanh thì chọn chỗ để máy điện, cần phải đặt máy ấy nằm nơi ngược chiều gió tránh khỏi bị ồn lúc thâu tiếng nói. Mỗi người mỗi việc, sáng nào cũng thật là bận rộn và nhộn nhịp lo cho công tác của mình.

Có rất nhiều chuyện vui, buồn, hồi hộp, lo lắng hay tang tóc đã xẩy ra trong lúc quay phim này. Tôi xin kể lại vài câu chuyện bên lề ở hậu trường mà dân chúng chưa được nghe đến, dĩ nhiên là nên khởi đầu với chuyện vui:

– Trong lúc quay trận đánh phục kích đoàn xe Pháp gần đèo Mo Lang ở phía đông Nha Trang, chúng tôi chỉ tìm có được một kiều dân Pháp còn ở tại vùng đó, nên nhờ anh ta đóng vai người lính Pháp lái chiếc chiến xa dẫn đầu đoàn xẹ. Việc anh ấy phải làm là lúc nghe tiếng mìn nổ thì thò đầu ra khỏi xe và la lớn: “Les Viet-Minh attaquent!” (Việt Minh tấn công!) Rồi sau đó, anh ta phải gục đầu xuống làm như bị trúng đạn, nên ói máu mồm rạ. Đến lúc quay thật, mọi chuyện xẩy ra như đã được dự định, nhưng lúc anh lính Pháp gục đầu xuống chết, thì mồm lại không có tí máu nào chảy rạ. Khi hỏi lý do vì sao thì anh ta nhe răng cười, nói là lúc ngậm chocolat trong miệng giả làm máu, vì ngon quá, nên anh đã nuốt hết mất không còn giọt nào. Trận đánh thực hiện thật quá tốn kém, không thể nào quay lại được vì thiếu một chi tiết nhỏ đó, nên đành phải chịu. 

Ảnh Poster: Krus Na Kawayan tức Chúng Tôi Muốn Sống, ấn bản Phi Luật Tân.

– Buồn là người phụ tá của anh chuyên viên xảo thuật Totoy Torrenta, lúc pha thuốc súng cho trận đánh tại Nha Trang, đã bị cháy phỏng nặng vì làm xẹt lửa trên sân đá tuy dùng cái chày bằng gổ để trộn các chất nộ. Anh ấy đã được chở cấp tốc về Manila để điều trị.

– Hồi hộp trong khi thực hiện trận phục kích, là lúc đem cả đoàn xe thiết giáp lên vùng rừng núi của đèo Mo Lang (dường mòn Hồ Chí Minh). Con đường nhỏ quanh co ở trên đèo ấy, có một cái cầu sắt với tấm bảng đề là sức lượng của cầu chỉ chịu nổi tối đa là 15 tấn. Chiếc chiến xa dẫn đầu của đoàn quay phim thì nặng đến 25 tấn! Nếu lái qua mà cầu sập thì cả đoàn quay phim sẽ bị kẹt lại trên núi này, nhất là lúc đêm xuống thì rất nguy hiểm vì đây là vùng có Việt Cộng. Quyết định cuối cùng là vẫn phải liều cho lái xe qua cầu. Tim tôi đập mạnh như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực khi nhìn chiếc xe tank to lớn, xích sắt kêu ken két, chậm chạp bò từ từ qua chiếc cầu nhỏ bé ấy.

– Hồi hộp thêm là lúc chuẩn bị quay cảnh phi cơ Pháp bay là xuống bắn đoàn dân di cự. Tôi đánh điện về Saigon xin gởi ra Nha Trang hai chiếc phi cơ quân sự loại thường dùng để bắn phá hay ném bọm. Lúc phi cơ đến phi trường, tôi lên xem ở phía trong thì sợ hết hồn, vì họ chất đầy bom thật loại 100 kí! Tôi yêu cầu cho cất tất cả bom ấy vào kho ngay vì nguy hiểm cho việc quay phịm. Anh phi công nhờ tôi phải chỉ rõ những việc cần phải làm, nhất là định bay thấp xuống chỗ nào và xa mặt đất bao nhiêu thưởc. Tôi ngồi cạnh người phi công để bay thử đến địa điểm quay phịm. Tôi chưa bao giờ đi loại phi cơ quân sự nhào lộn kiểu này, nên bị choáng váng buồn nôn nói không ra lời! Thế mà đến lúc quay thật thì anh phi công tuổi trẻ tài cao này, lại biểu diễn phi cơ bay xuống quá thấp gần mặt đất cho thêm phần hào hứng, đến nỗi chiếc dù to che ánh mặt trời của máy quay phim, bị gió của động cơ máy bay cuốn đi mất!

– Hồi hộp hơn nữa là lúc người yêu của tôi là nữ tài tử Mai Trâm, diễn xuất cảnh nữ cán bộ Lan cướp súng để bắn mấy người cộng sản. Cây súng đó là loại súng máy thời Pháp loặi FM), nặng 30 kí và sức đạn giật lại vào tay rất mạnh. Với thân hình nhỏ bé, lại phải ôm cây súng quá nặng để chạy ra bãi cỏ bắn máy bay Pháp, rồi quay ngược lại bắn mấy người cán bộ, nên lúc quay xong màn đó, tay Mai Trâm đã phải băng bó mất mấy ngày vì ngón tay bóp cò súng bị rách toé máu ra!

– Lo lắng và sợ nhất là trong khi quay trận đánh phục kích ở trên đẹo.  Số chất nổ và đạn dược sử dụng hơn mười ngàn kí, số đạn xảo thuật thì rất ít vì quá tốn kém để chế tạo, còn lại đều là dùng đạn thật. Nếu có sự rủi ro nào xẩy ra, thì trách nhiệm sẽ quá nặng nề cho phim đoạ`n.

Ngay như lúc quay màn tiêu hủy quân cụ địch quân, phi đạn súng không giật băzooka) cũng là loại thật, nên chiếc xe bị bắn trúng đã nổ tung lên tan nát!

– Một việc tang tóc không ngờ đã xẩy ra trong lúc chúng tôi đang quay phim tại Long Hải. Đoàn quay phim lúc đó đang chuẩn bị nghỉ ăn cơm trưa, thì được tin là chiếc xe ẩm thực, lúc tài xế lái qua vùng núi đá, đã bị lật rơi xuống gần bãi cát và kết quả là có vài người bị thương cùng một người bị xe đè chết. Tôi vội vã phóng xe đến chỗ xẩy ra tai nạn, thì mới thấy người bị xe đè chết chính là anh bạn thân của tôi tên là Lê văn Phấn, hoạt động trong ngành điện ảnh, mới từ Paris trở về. Anh ta được tin tôi đang làm phim nên đến Long Hải, xin cùng đi nhờ xe ẩm thực, để ra thặm. Thật là một sự bất hạnh đau đớn mà bao năm qua, hình ảnh người bạn trẻ đẹp trai quý mến này, vẫn còn ghi nhớ mãi trong ký ức tội.

Quay hết xong cuốn phim và gửi qua Manila để in và rửa thì lại gặp một vấn đề khác là việc nối ráp phim: không một ai ở phim trường Phi Luật Tân hiểu tiếng Việt và phần phim về âm thanh họ đã in ra, để lộn xộn không biết đâu mà ráp nối với phần có hình ạnh. Thông thường thì phần ráp nối sơ bộ được làm xong thì đạo diễn mới xem lại và sửa đổi cho đúng ý mịnh. Trong tình thế này, tôi lại phải bay qua Manila để lo cho toàn diện phần ráp nối cùng âm thạnh. Chuyến qua Phi Luật Tân này có thêm nhà văn Nguyễn Tú cùng đi để giúp về phần đối thoại của phịm. Như thế lại mất thêm gần hai tháng nữa thì cuốn phim mới được hoàn thành để đem ra chiếu ở các rạp.

Ngày đầu tiên, phim Chúng Tôi Muốn Sống ra mắt ở Saigon tại rạp Đại Nạm. Dân chúng kéo nhau đi xem đông quá nên thiếu chỗ ngội. Lúc chiếu đến cảnh tố khổ, bỗng nhiên rất nhiều người trong rạp bị quá xúc động, cùng nhau đứng dậy, hô to lên nhiều lần “Đả đảo! Đả đảo Cộng Sản!” Thật là một sự bất ngờ thú vị, và tinh thần chống Cộng đó vẫn còn được kéo dài cho đến ngày hôm nạy. Trên phương diện chính trị và lịch sử, mục đích của cuốn phim này là để nói lên cho dân chúng hiểu, lý thuyết mà đảng Cộng Sản đã đem ra áp dụng một cách cuồng tín tại Việt Nam, thật quá tàn bạo và độc ác đối với con dân trong nước vì đã sát hại bao nhiêu đồng bào vô tội.

Chuyện phim phơi bày giai đoạn đẫm máu của chính sách cải cách điền địa và giai cấp đấu tranh, đã chứng minh là không thành phần nào trong xã hội Việt Nam có thể sống nổi với chính sách này. Từ giai cấp trí thức, quân nhân tham gia kháng chiến nhưng liên hệ với thành phần địa chủ, cho đến các cán bộ có tinh thần quốc gia nhưng không mù quáng theo chủ nghĩa Cộng Sản Quốc Tế, và ngay cả đến giai cấp bần cố nông đã được họ giải phóng, tất cả mọi người, đều bị lợi dụng kiểu vắt chanh bỏ vỏ, bị khủng bố hay thủ tiêu, nếu không triệt để chỉ trung thành phụng sự cho Đảng mà thội. Chính sách cải cách điền địa bắt đầu ở ngoài Bắc từ năm 1953 cho đến 1957, họ đã giết hại mấy trăm ngàn nhân mạng một cách oan uổng và vô ích.

Vì vậy nên sau đấy, chính ông Hồ Chí Minh cũng đã công nhận sự sai lầm tai hại ấy, nên ra lệnh bãi bỏ chính sách đấu tố địa chủ và cách chức tổng bí thư Trường Chinh, người chỉ huy phong trào đó. Phim Chúng Tôi Muốn Sống ra đời vào năm 1956, có thể một phần nào đã ảnh hưởng đến quyết định này.

Theo sự tìm hiểu của tôi sau này, thì việc chấm dứt phong trào cải cách điền địa, chỉ vì đảng Cộng Sản đã nhận thấy họ đang thi hành một chiến lược sai lầm vì nước ta không có giai cấp thợ thuyền vô sản như ở bên Ngạ. Họ áp dụng lý thuyết giai cấp đấu tranh một cách đần độn và quá khích tại Việt Nam, một nước sống nhờ nông nghiệp, mà lại đem ra đấu tố giai cấp địa chủ và phú nông, để gây ra sự căm thù và oán hận trong giới nông dân, thì họ làm sao còn có điểm tựa ở chốn thôn quê cho sự tồn tại của quân du kịch. Vào cuối năm 1954, cả triệu người rời bỏ miền Bắc vào Nam chống Cộng Sản đã chứng minh việc đó .

Nói tóm lại, phim Chúng Tôi Muốn Sống đã đi vào lịch sử của điện ảnh Việt Nạm Tuy không thành công lắm trên phương diện tài chánh vì thị trường Việt Nam quá nhỏ hẹp, mặc dù phần đông người Việt thời đó đều muavé đi xem phim nậ`y. Hơn nữa, lại là loại phim có tánh cách tuyên truyền nên không chiếu thương mại ở ngoại quốc được, nhưng về mục đích chống Cộng thì lại thành đạt vẻ vang khắp nở.

Cuốn phim đó đã được giải thưởng Chính Trị của đại hội Điện Ảnh Đông Nam Á tại Seoul Đại Hàn năm 1967, và lại là cuốn phim được chọn để trình chiếu trong đại hội Chống Cộng Thế Giới ở Dallas Texas cho các phái đoàn của một trăm nước đến xem vào ngày 12-11-1985, dưới sự chủ tọa của trung tướng chủ tịch John K. Singlaụb.

Sau đó, phim ấy còn được chiếu tại Tòa Bạch Ốc thời tổng thống Reagan, cho các nhóm sinh viên học ngành chính trị, do ông Rudy Beserra, giám đốc phòng Liên Lạc Dân Sự tổ chức .

Đây là một cuốn phim độc nhất được sản xuất từ thời đó cho đến bây giờ, đã giúp cho nhiều người hiểu rõ thêm về một chế độ bạo tàn mà cho đến nay, bao người bỏ nước ra đi tìm tự do, vẫn còn thấy thấm thía và đau lòng.

Chúng ta nên nhìn Cộng Sản như đám mây đen bay qua, và Tự Do thì như ánh mặt trời cần thiết cho muôn loại. Thế hệ trẻ của Việt Nam ở trong và ngoài nước, mới lớn lên trong vài thập niên qua, phần lớn đều không hiểu Cộng Sản là gì, nhưng đâu có kẻ nào muốn sống dưới đám mây đen tối, vì ai cũng thích thoải mái vẫy vùng tự do dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời.

Mây đen bay qua rồi trời lại sáng, đó là định luật tự nhiên của tạo hóa.

Đạo diễn Vĩnh Noãn.

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links:

https://vietmania.blogspot.com/2008/03/

Chúng Tôi Muốn Sống (We want to live) You tube.
https://www.youtube.com/watch?v=8c6r6RqtkkQ


https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%BAng_t%C3%B4i_mu%E1%BB%91n_s%E1%BB%91ng#H%E1%BB%A3p_t%C3%A1c


Nhà Long có điện chưa? – Nguyễn An Vinh

 Bài đọc suy gẫm: Nhà Long có điện chưa? là bài viết về Trung tá Nguyễn văn Long của tác giả Nguyễn An Vinh.

Lời dẫn về một vị anh hùng, cái chết “bất tử” theo FB Sài gòn Xưa.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi biết mọi sự đã hỏng hết, nhiều “Tướng Lãnh, Sĩ Quan, Binh Lính, Cảnh Sát và cả nhân- viên Dân Chính” đã tự sát tại nhiều nơi và bằng nhiều cách, cách nào cũng nói lên chí khí bất khuất không đầu hàng, nhưng cái chết của Trung Tá Nguyễn văn Long mới được cả thế giới biết đến mau nhất, gây xúc động mạnh nhất, ông đã chọn cách thế, giờ giấc cho cái chết có mục đích tại một địa điểm không thể có nơi nào thích hợp hơn, trước Tòa Nhà Quốc Hội, dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ Thủy Quân Lục Chiến, là nơi biểu tương Trái Tim đang thoi thóp của Việt-Nam-Cộng-Hòa.

Ông đã nằm xuống đó để chấm dứt nhịp đập trái tim ông.

Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn văn Long…tuẫn tiết ngày 30.4, khiến hàng triệu người trên thế giới tự do kính phục….,tất cả truyền hình trên thế giới đều chiếu đi chiếu lại hình một người sĩ quan Cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà nghiêm chỉnh đứng trước tượng đài Thủy Quân Luc Chiến đưa tay lên Chào và cầm khẩu súng lục đưa vào màn tang và bóp cò gục xuông tại chỗ, máu trên đầu chảy lan trên đất, một người dân đặt chiêc mũ cảnh sát lên ngực.

Sau chính biến 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ nền Ðệ nhất Cộng Hòa, Quốc Gia trải qua một thời kỳ hỗn lọan. Tại miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên Huế, họat động ngành an ninh trật tự hoàn toàn tê liệt. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm mà đã thay đổi sáu Giám-Ðốc Nha Công An. Có ông chỉ tại chức 32 ngày. Hai Trưởng Ty Công An Thừa Thiên và Cảnh Sát Huế đều là cơ sở nòng cốt Cộng Sản, một vài tay chân của nhóm Phật Giáo Ấn Quang tranh đấu ly khai xuống đường phá rối. An ninh trật tự hoàn toàn suy sụp.

Ðể đối phó với tình hình rối ren của vùng I, tháng 6 năm 1966 Trung Ương quyết-định bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, và ngay lập tức, ông cho chấn chỉnh lại những hoạt động của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại địa phương đầy biến động này, đồng thời bổ nhiệm Quận Trưởng Cảnh-Sát Võ Lương giữ chức Giám-Ðốc Cảnh Sát Quốc-Gia Vùng. Quận Trưởng Cảnh Sát Võ Lương là Giám-Ðốc thứ bảy kể từ năm 1963 và là người đầu tiên giữ vững đựơc kỷ cương trật tự sau một thời gian hỗn loạn quá dài. Ðể mau chóng ổn định nhân-sự cũng như họat động, Ông cho lệnh di chuyển Nha CSQG từ Huế vào Ðà-Nẳng. Ông cho tất cả nhân viên dễ dàng trong một tháng để thu xếp gia-đình.

Trong vòng một tháng đó, phần đông nhân-viên đã có đủ thì giờ để ổn định việc nhà cửa và chuyện con cái học hành. Chỉ riêng Trung Tá Long, lúc ấy vừa được bổ nhiệm chức Chủ-Sự Phòng An Ninh Nội Bộ kiêm Thanh Tra, là còn loay hoay chưa kiếm ra nơi tá túc cho gia-đình. Hết hạn 1 tháng, Ông không thèm xoay sở nữa mà đã sáng kiến thực hiện một việc cổ kim không giống ai:

Thấy có một khoảng đất công trống trên đường Duy Tân, giữa lòng Thành Phố, Ông dựng lên một cái chái lợp tôn, dựa lưng vào bức tường thành của một Công Sở. Ðó là nơi gia đình ông đang cư trú, không điện không nước.

Có hai nhân viên thuộc quyền ghé thăm thấy cả nhà ban đêm thắp hai ngọn đèn dầu lù mù, họ rủ nhau hùn tiền mua đến cho ông một cái đèn Manchon. Ông từ chối nhất định không lấy, nói thế nào ông cũng không chịu, bắt họ đem đi trả lại.

Câu chuyện nhà ông Long thắp đèn dầu được nhiều người kể đi kể lại ở sở. Một hôm nhân có dịp ngồi chung xe với ông Giám Ðốc lên họp Quân Ðoàn, tôi kể Ông nghe câu chuyện về cái đèn Manchon. Ông Giám Đốc lắc đầu nói: “…tính của Long là vậy, tôi biết chả từ lâu, từ hồi còn làm bên Công An Liên Bang. Ðó là một người rất tốt, thanh liêm và cương trực, đông con nhà nghèo…”. Từ lúc đó cho đến khi vào họp Ông không nói thêm lời nào. Ông lặng lẽ, dường như có điều tính toán suy nghĩ, ngó mông lung ra ngoài đường. Tuần lễ sau, tôi ghé nhà Long thăm đã thấy có điện nước. Hỏi ra thì biết trong lúc Ông Long đi làm, có 2 người tới bắt cho 2 bóng đèn và 2 lỗ cắm điện, một vòi nước. Họ không lấy tiền cũng không cho biết ai sai tới. Tôi biết ngay là do sự can thiệp kín đáo của Ông Giám đốc. Biết Ông không ra mặt tôi cũng làm thinh luôn.

Liền sau đó, trong một phiên họp khoáng đại, ông Giám Ðốc hỏi nhỏ tôi, nhà Long có điện chưa. Tôi trả lời có rồi, có cả nước nữa. Ông gật đầu, mỉn cười nhìn về phía Long, nét mặt hiền lành khoan dung. Ông vui vì đã giúp được thuộc cấp một việc tuy nhỏ nhưng rất cấp bách cần thiết. Tính Ông quảng đại, kín đáo và chi-tiết. Nhiều khi làm ơn từ việc nhỏ đến việc lớn, không cần cho ai biết.

Dạo ấy, vì cơ sở mới dọn từ Huế vào, phòng ốc chưa đủ, Ông Giám-đốc cũng không có tư dinh phải ở tạm một phòng trong khách sạn Grand Hotel trên đường Bạch Ðằng. Trong khách sạn có sẵn Restaurant. Ông thường dùng bữa vớí nhiều viên chức khác ngành, vừa ăn vừa luận bàn công việc. Những lúc không mời ai, Ông gọi tôi tới ăn cơm chung. Nhờ có chút khả năng giao-thiệp, quen biết nhiều người và luôn sẵn những chuyện tếu vô hại, Ông thường ngồi nhiều giờ với tôi, bàn về đủ mọi thứ, phần lớn là những việc trên trời dưới đất, không dính dấp gì tới công vụ. Nhân một lúc vui vẻ, cởi mở, tôi nhắc lại chuyện Trung Tá Long và hỏi Ông lý do không cho Long biết việc Ông can thiệp bắt điện nước vào nhà. Ông cườì rồi từ từ kể. Sau đây là những gì Ông Giám đốc Võ Lương nói về Trung Tá Nguyễn văn Long:

“…Tôi biết Long từ những thập niên 1940, khi Giả ( tiếng thông dụng miền Trung có nghĩa là Anh ấy, Ông ấy ) mới gia-nhập Ngành An ninh thời Tây. Giả nổi tiếng1à siêng năng cần mẫn, kỷ-luật và trong sạch. Lương bổng không đến nỗi tệ nhưng gia-đình đông con lại suốt đời không tơ hào những bổng lộc phi nghĩa nên thời nào cũng nghèo. Cả đời ở nhà mướn. Ðúng ra, trước năm 1963 Giả cũng có một căn nhà tương đối được, ở đường Phạm Hồng Thái, Thành Phố Huế. Nhà này có từ nhiều năm trước, có thể do cha mẹ để lạị. Trước đảo chánh Ông Diệm, Giả bị bắt giam trong vụ Gián Ðiệp Miền Trung do Phan Quang Ðông điều tra khai thác. Trong thời gian bị ngưng chức không lương tiền hàng tháng, bà vợ đã phải bán căn nhà này để đong gạo cho gia đình…

…Giả sống rất chừng mực, lương thiện, không có khả năng xoay xở, lại càng không muốn xoay xở bậy bạ. Nhũng lúc gặp khó khăn thì cắn răng chịu đựng, không hề muốn nhờ vả ai. Giả rất khó chịu khi phải chịu ơn người khác. Ðiều này giải thích được tại sao tôi không trực tiếp cho biết đã nhờ người bắt điện nước cho gia đình Giả. Chuyện nhỏ không muốn Giả có mặc cảm mang ơn….

… Là viên chức kỳ cựu, phuc vụ trong ngành đã hơn 20 năm, Long có khá nhiều cơ hội để khá hơn, nhưng cơ hội nào Giả cũng bỏ qua, có khi còn quyết liệt từ chối thẳng tay, nên đến bây giờ vẫn sống chật hẹp với đồng lương của một công chức.

… Giả bị bắt giam trong vụ Gián Ðiệp Miền Trung năm 1962 nên sau khi Chính Phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Long được cử ngay làm Trưởng Ban Công Tác Ðặc nhiệm điều tra tội ác và tài sản chế độ cũ cũng như của nhóm Cần Lao. Nhiều người cứ tưởng dịp này Long tha hồ ân oán giang hồ. Nhưng trái với mọi suy đoán, Long hành xử trách nhiệm hoàn toàn vô tư, không nghe lời xúc xiểm, không thành kiến, cũng như không bới lông tìm vết. Ðể tránh mấy tay môi giới chạy chọt xin xỏ đút lót lôi thôi, Long cắm trại luôn trong sở, thật khuya mớí lạch cạch đạp xe về nhà. Dạo ấy cả gia-đình đã theo đạo Công Giáo, nhà thuê ngay kế bên Dòng Chúa Cứu Thế Huế.. Nhà Long cữa đóng then cài. Long không tiếp bất cứ ai.

…Năm 1965, Long đưọc bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công an Ðặc Biệt Bến Hải, đóng dọc theo Nam Vĩ Tuyến 17 thuộc Quận Trung Lương, Tỉnh Quảng Trị. Nhận việc chưa bao lâu thì Phòng Lương Bổng, Vật Liệu , Kế Toán đưa cho Giả một phong bì đầy tiền. Long hỏi cái gì thì họ cho biết, như thông lệ từ trước, đây là số tiền bán bớt xăng nhớt và văn phòng phẩm nạp cho Trưởng Ty làm mật phí giao tế. Giả đỏ mặt, trợn mắt đòi bỏ tù cả đám. Từ đó hết ai dám léng phéng chuyện tiền nong lem nhem với Long…”

Kể đến đây Ông Giám Ðốc cườì thành tiếng và nói đùa: “…Nếu Long chịu nhận vàì ba mớ phong bì như thế thì đâu đến nỗi bây giờ phải cắm dùi đường Duy Tân. Nên nhớ Long đang là chức Trưởng Ty khi được lệnh di chuyển từ Quảng Trị vào Ðà-Nẵng. Một Ông Tưởng Ty mà ngày trước ngày sau phải ở bụi ở đường thì thế gian chỉ có một Nguyễn văn Long mà thôi, không có người thứ hai. Bổ nhiệm Long vào chức An Ninh Nội Bộ và Thanh Tra, tôi yên tâm nhưng cũng có nhiều anh khó chịu không vui đấy…”

Khi tôi hỏi về Vụ Gián Ðiệp Miền Trung , Ông cho biết vụ ấy không hẳn là có thật mà chỉ do Pháp cố ý dựng chuyện lên để phá thối. Công việc của Phan Quang Ðông là huấn luyện và tung mạng lưới tình báo gián điệp ra Bắc hoạt động vùng Thanh Nghệ Tĩnh mà thôi. Ðông không dính líu gì đến vấn đề nội chính và an ninh quốc nội. Ðông bị xử tử hình để bịt miệng, do áp lực từ Cộng Sản trong nhóm tranh đấu, gây rối Mìền Trung. Không có vụ gián điệp thì Ðông cũng bị giết.

Hình như Long biết sự kiện này cho nên ngày xử bắn Phan Quang Ðông tại Sân Vận Ðộng Chi Lăng, mấy người bạn cùng vụ rủ Long đi coi, Long từ chối. Long nói:

“…chuyện Ðông có những điều chưa minh bạch, xét xử vội vàng và có quá nhiều áp lực. Ðông đâu đáng tội chết! Vả lại oán thù nên cởi, không nên buộc… Ông Giám Ðốc kết luận:…Long khắt khe sắt thép với chính mình nhưng khoan dung nhân hậu, công bằng và rộng lượng với kẻ khác, cả với kẻ vừa mới giam giữ mình…” 

Năm 1970 , tôi bàn giao chức Chỉ Huy Trưởng cho Thiếu Tá Trần Hàng để ra Ðà-Nẵng. Vừa nhận việc chưa được bao lâu thì Thành Phố chịu một cơn bão lụt Sóng Thần khủng khiếp chưa từng thấy trong cả trăm năm. Mưa như trút nước. Sóng biển gầm thét dữ dội. Một phần đường trong thành phố ngập nước quá đầu gối. Giáp ranh phía Bắc Thành Phố là Bãi Thanh Bình thành một vùng nước mênh mông. Nhưng ngặt nghèo và nguy hiểm nhất là khu tạm cư Ngọc Quang. Khu này là một giải cát bồi thoai thoảỉ nằm dài giửa Bãi Thanh Bình và biển cả, không một bóng cây. Từ tầm xa nhìn tới , toàn khu hoàn toàn biến mất, chỉ còn thấy lác đác ít nóc nhà nhấp nhô theo sóng dữ. Gió rất mạnh, thổi giật từng cơn. Bộ Chỉ Huy Cành Sát Quốc Gia huy động toàn bộ lực lượng cơ hữu như Giang Ðoàn và trưng dụng thêm một số ghe thuyền tư nhân trong nỗ lực di tản dân chúng vào khu an toàn, lúc ấy là sân Trường Kỹ Thuật ở đường Cao Thắng và chung quanh 2 Thánh Ðường Họ Giáo Ngọc Quang và Giáo Xứ Thanh Ðức.

Qua máy truyền tin, Giang Ðoàn cho tôi biết gia-đình Trung Tá Long ở vào một khu nguy hiểm nhất. Nhà có thể bị cuốn trôi ra biển bất cứ lúc nào. Cả gia-đình đã lên được đất liền nhưng Trung Tá Long đang ngồi trên một cái chõng tre, tay cầm chai rượu thuốc, nói là để ở lại giữ nhà, không chịu đi đâu hết. Tôi nghe mà lạnh người. Cũng lại cái “Ông Trời sợ” này nữa. Tôi không thể quên vụ Ông cắm dùi ở đường Duy Tân năm nào và việc Ông Giám Ðốc Võ Lương kín đáo giúp đỡ bắt điện nước cho Long.

Tôi nhờ Giang Ðoàn ra tận nơi, đưa máy truyền tin cho tôi nói chuyện với Long. Nghe tiếng tôi, Ông nói ngay: Chào Ông Chỉ Huy Trưởng, tôi không sao đâu. Sau một hồi giải thích gần như năn nỉ, cuối cùng phải viện dẫn lý do an ninh cũng như xin Ông hợp tác để làm gương cho đồng bào. Cuối cùng Ông mới chịu vào bờ.

Dọn dẹp bão lụt xong, dân chúng lo sửa sang những thứ đỗ nát. Tôi điện thoại cho Ông hỏi thăm nhà cửa hư hại ra sao. Ông trả lời tỉnh bơ: Nhà chỉ có mấy tấm ván, xẹp xuống rồi dựng lại lên, có chi mà hư hại. Tuần này tôi xin nghỉ mấy ngày phép và mất một mớ đinh là xong ngay.Tôi bái phục cái thái độ bình tâm giản dị gần như bất cần của Ông, nhưng quyết định phải ra tận nơi coi cho biết. Tôi mặc thường phục cùng với mấy tay bài trừ du đãng đi Honda, luồn lách ra Ngọc Quang. Tới nhà Ông Long, tôi hết hồn.

Căn nhà của Ông chỉ là một tác phẩm chắp nối vội vàng và lỏng lẻo gồm mọi thứ tạp nhạp không đáng gọi là vật liệu, góp nhặt từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Nhà nằm lọt vào khu vực tạm cư hỗn độn gồm các gia đình đổ về từ những vùng quê Quảng Nam mất an ninh. Giây điện và giây phơi áo quần chằng chịt. Rất mau, tôi vụt nhớ đến một bản báo cáo của Cảnh Sát Ðặc Biệt về việc Cộng Sản cài người vào dân tị nạn và vụ xe ông Trưởng Phòng Ðặc Biệt Nha tên Diệp đi mua vật liệu bên Quận Ba bị đặt Plastic chết banh xác trên gần Chợ Cồn năm nào. Thương Ông, tôi nhất định phải đưa Ông vào thành phố.

Ngay ngày hôm sau tôi nhờ các Phường Quận tìm dùm một miếng đất cho Ông Long cất nhà. Các nơi tìm được khá nhiều nhưng tôi chọn ra 4 chỗ. Tôi lái xe đưa Ông đi xem. Cả 4 chỗ Ông không chê nhưng ngần ngại không quyết định, viện dẫn nhiều lý do nghe cũng được. Chuyện không thể chậm trễ, tôi nói ngay: hay là Ông vô ở chung với tôi. Ông cười khẩy, tưởng tôi bực mình nói lời mỉa mai. Sự thực khi nói câu đó, tôi nghĩ đến khu đất trống sau tư dinh dành cho gia đình Chỉ Huy Trưởng số 37 Nguyễn Thị Giang, ngay trung tâm thành phố, sát tường rào Trường Nam Tiểu Học, có thể mở lối đi riêng. Tôi chỉ cho Ông. Ông chịu liền nhưng còn bán tín bán nghi. Ðể xác nhận không phải chuyện bông đùa, tôi đưa Ông tới một trại cây đường Phan đình Phùng, nói với bà chủ chọn cho Ông một số cây ván thứ tốt, hoá đơn gởi cho tôi. Tới đây Ông mới tin là chuyện thật và bắt tay tôi vui vẻ, nói lời cám ơn.

Không chờ đợi lâu, Ông cho tháo căn nhà từ Ngọc Quang, cha con chồng vợ cả gần chục người hớn hở dựng căn nhà mới. Chỉ trong vòng chừng 2 tuần là xong, điện nước từ nhà tôi câu qua. Gia đình Ông Long vui vẻ đã đành, phần tôi cũng vui không ít.

Những ngày tiếp theo, tôi chờ hoài không thấy trại gỗ đưa hóa đơn tới, hỏi ra mới biết: thấy tôi tận tâm, nể mất lòng, Ông chỉ lấy một ít ván gắn vào mặt tiền coi cho được còn bao nhiêu Ông mua các thứ tạp nhạp từ một bãi phế thải ở đường Ông Ích Khiêm chở mấy xe Ba Gác về, đóng phía trong phía ngoài khá tươm tất. Một lần nữa tôi cảm phục tính lương thiện và sòng phẳng của Ông. Dọn vào nhà mới xong, ít lâu sau Ông thăng Trung Tá và được bổ nhiệm Chánh Sở Tư Pháp, tiếp tục phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Vùng. Từ đây Ông yên tâm ở bên cạnh nhà tôi và tôi cũng có cơ hội làm một chút quan sát:

Nhà Ông rất đông con. Một vợ một chồng, sinh 12 lần, nuôi 13 đứa, có cả cặp sinh đôi sau cùng, một trai một gái. Ông còn cưu mang thêm một đứa cháu mồ côi, anh nó đi lính tận trên Pleiku, giao luôn cho Ông giữ. Chưa hết. Nhà còn có thêm một con heo con. Bà Long nói phải nuôi thêm con heo làm lợi, cho đứa cháu mồ côi thêm tiền ăn học. Chuyện nhà Ông Long nuôi heo nhiều người không tin, đòi đến coi. Làm gì giữa thành phố, ngay cạnh tư dinh Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát mà lai có người dám nuôi heo. Ai nói gì thì nói, hiểu rõ hoàn cảnh gia-đình, cùng cái lý do chân thật và tội nghiệp đối với Bà Long, tôi không phản đối. Mấy đứa con nhỏ của tôi cũng rất ưa thích con heo. Ði học về, tụi nhỏ chạy sang xem, cho heo ăn, trầm trồ khen heo sạch sẽ và mau lớn. Thấy các con ưa thích, tôi cũng vui. Bà Long lại càng vui hơn.

Ông Long dạy con rất nghiêm nhưng không hề ồn ào to tiếng. Ông ưa nói chuyện gương trung liệt người xưa và lấy chuyện sách đèn của các con làm trọng. Ông thường dặn con: dù hoàn cảnh nào cũng ráng kiếm cho được ba mớ chữ. Câu Ông thưòng nhắc đi nhắc lại với các con là: Khi nào cái đầu cũng ở trên. Cái đầu phải có kiến-thức để điều khiển toàn thân làm những việc khá hơn là việc tay chân lao động.

Những lúc rảnh rỗi nhà tôi hay sang chơi, khen mấy cháu học giỏi và thường dấm dúi cho các em chút đỉnh tiền để khi thì mua cái cặp sách, khi thì mua bộ áo quần. Ðặc biệt đứa cháu mồ côi là nhà tôi thương nhất. Ông Long có mấy con đã trưởng thành. Hai anh đi không quân, một thiết giáp, ba Cảnh Sát. Đứa đầu lòng tên Phụng, Sĩ Quan Biệt Ðộng Quân, tử trận. Thỉnh thoảng các cháu về phép, nhà tôi thường dặn dò phải cận thận giữ mình, đôi khi còn có chút ít tiền cho các cháu cà phê. Những cử chỉ thương yêu nhẹ nhàng kín đáo như thế chỉ có các con và Bà Long biết, Ông Long thì không. Qua tôi, nhà tôi đã hiểu tính Ông Long rất tự ái và không ưa nhờ vả ai, dù là từ những người thân.

Trong năm năm sống cạnh nhau, Ông Long chỉ sang nhà tôi có một lần, đi chung với Ông Võ Hoàng, anh Ông Giám Ðốc Võ Lương. Lúc ấy tôi vừa cho thêm một người bạn khác, Ông Huỳnh Giáo cựu Trưởng Ty Công-An Quảng Tín làm căn nhà đằng sau , phía bên phải. Nhà Ông Long bên trái. Ông Võ Hoàng là một nhà phong thủy cho biết hai căn nhà phía sau Tư dinh là một phối trí phong thủy tuyệt hảo, che chắn hết mọi bất trắc, rủi ro, không sợ đao kiếm cùng kẻ xấu chém lén sau lưng. Ông Chỉ Huy Trưởng sẽ yên vị tại chức lâu dài. Tôi không biết nhiều về phong thủy, cũng không hẳn tin. Tôi chỉ muốn làm một việc tử tế khi có cơ hội để giúp cho hai người bạn mà tôi rất thương yêu và mến phục.

Sống bên nhà tôi lâu như thế mà gia-đình Ông Long không bao giờ xin ân huệ cho mình cũng như cho bất cứ ai. Họ sống lặng lẽ, âm thầm gần như cam chịu. Bà Long thường nói đây là căn nhà vừa ý nhất từ trước đến nay và ao ước được ở đây mãi mãi.. Niềm ao ước bình thường giản dị ấy không được bao lâu thì Ðà-Nẵng thất thủ, cuối tháng ba 75. Tai trời ách nước đổ sập xuống, chúng tôi tan tác mỗi người một nơi.

Tôi thoát đi được trong gang tấc, theo một tàu Mỹ vào Cam Ranh. Tại đây dùng tàu đò dân-sự vào Vũng Tàu. Khi vừa mới từ bờ ra lại biển khơi, tôi gặp Ông Long đi trên một ghe đánh cá từ Ðà-Nẵng vào. Tôi đổi tàu cùng Ông xuôi Nam. Về đến Saì-Gòn chia tay mỗi người một ngã. Tôi tìm cách cùng gia đình thoát thân lần nữa. Qua tới Guam được mấy ngày thì được tin Long tự sát. Tôi bàng hoàng xúc động, thương Ông suốt một đời lận đận và kết thúc tức tưởi thế kia. Từ đó tôi bị thúc bách và tự cho như có bổn phận phải tìm thêm tin tức của Long:

Ở Mỹ, tôi theo dõi các báo lớn ngoại quốc có đăng trang bìa hình Long tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến khu tiền đình Trụ Sở Quốc Hội, sắc phục và cấp bậc Sĩ Quan Cảnh Sát ngay ngắn đàng hoàng, nhưng không có báo nào nói xác Long ai đem đi đâu. Tôi cứ nghĩ thi thể vô thừa nhận đã bị vùi dập ở một xó xỉnh nào.

Nhưng không. Khoảng hơn hai tuần sau, Bà Long nhận đươc giấy báo vào nhà thương Grall nhận xác. Nguyên do là khi tuẫn tiết, trong túi áo Long có thẻ căn cước địa chỉ 37 Nguyễn Thị Giang, Ðà-Nẵng. Nhà thương cứ theo địa chỉ đó mà báo tin. Tôi nhớ là cái căn cước bọc nhựa ấy tôi đổi lại cho Long khi vừa mới dọn vào ở chung, đặc biệt có chữ ký của tôi làm kỷ niệm, không phải chữ ký của Thiếu Tá Chỉ Huy Phó như những căn cước khác. Tự nhiên tôi có chút suy nghĩ sao mà cái việc nhỏ nhặt như việc đổi cái thẻ căn cước bọc nhựa năm xưa lại đưa đến một sự việc quá quan trọng như thế. Cái căn cước có chữ ký của tôi đó không phải vì nhu-cầu mà chỉ vì chút cảm tình, nhưng lại chính nhờ nó mà gia-đình nhận đươc xác của Long. Ðây có phải chỉ là một diễn tiến tình cờ hay là một tính toán cẩn thận của Long. Giả thuyết thứ hai hợp lý hơn.

Ðà-nẵng mất mau quá, Long chưa kịp lãnh lương tháng ba nên nhà không có tiền vào Sàigon. Tội nghiệp chỉ có cô Tâm, con thứ ba vào nhận xác. Tới SàiGòn ngày 17 tháng 5 cô Tâm cùng với một người chị thứ hai tên Ðào và người em gái tên Thuận đang làm việc ở Sai-Gòn tới nhà thương Grall. Tại dây nhân viên Bệnh Viện, như có được lệnh của Ban Giám Ðốc, đã dành mọi dễ dàng, chỉ vẽ tận tâm chu đáo và tỏ ra có thiện cảm đặc biệt với người chết. Họ tắm rửa, thoa thuốc, uốn nắn và chăm sóc thi thể nhẹ nhàng tử tế đến độ làm các con cảm-động và ngạc nhiên. Ngày chôn cất có ban hậu sự Nhà Thương sắc phục và xe tang đàng hoàng, khoan thai đưa tiễn tới Nghĩa Trang. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Thi hài được mai táng tại Nghĩa Trang Giáo Xứ Công Giáo Bà Quẹo với đầy đủ lễ nghi tôn giáo. Có Linh-Mục đến làm phép xác. Rõ ràng là cái chết công khai và lẩm liệt của một Anh Hùng vị Quốc vong thân, ngay lập tức đã có người trân trọng. Ít năm sau gia đình cải táng. Lần này thì khăn tang trắng một vùng, đầy đủ vợ và các con, các cháu, xác được hỏa thiêu. Tro ký thác tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài-Gòn, đường Kỳ Ðồng.

* * *

Ngày mất nước 30 tháng 4 năm 75, khi biết mọi sự đã hỏng hết, nhiều Tướng Lãnh, Sĩ Quan, Binh Lính, Cảnh Sát và cả nhân- viên Dân Chính đã tự sát tại nhiều nơi và bằng nhiều cách, cách nào cũng nói lên chí khí bất khuất không đầu hàng, không để cho thân rơi vào tay giặc. Nhưng cái chết của Trung Tá Nguyễn văn Long mới được cả thế giới biết đến mau nhất, gây xúc động mạnh nhất. Long đã chọn cách thế, giờ giấc cho cái chết có mục đích tại một địa điểm không thể có nơi nào thích hợp hơn. Trước Tòa Nhà Quốc Hội, dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ là nơi biểu tương Trái Tim đang thoi thóp của Miền Nam. Ông đã nằm xuống đó để chấm dứt nhịp đập trái tim Ông. Ông dâng hiến máu tươi và mạch sống cho Tổ Quốc. Khỏi cần phải luận bàn dông dài, cả thế giới cùng công nhận Long đã bình tĩnh sửa soạn cho cái chết từng chi-tiết. Long mặc sắc phục, cấp bậc chỉnh tề, thẻ căn cước cài trong túi áo. Trước lúc bắn vào đầu, Long đứng nghiêm, chào kính Tượng Ðài rồi khoan thai nằm xuống. Chỉ một phát súng dứt khoát và chính xác, Long anh dũng đền ơn nước.

Ðã một thời sống gần và làm việc chung, tôi thương mến Long lúc sinh thời, kính phục Long khi đã chết và sẽ mãi mãi nhớ Long. Cái chết của Long là một cái chết bất tử.

Nguyễn An Vinh​ 

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links: Nam Kỳ Lục Tỉnh


“Nước nhớp phải lấy máu mà rửa, Biết chưa?” – Ngô Viết Trọng.

Bài đọc suy gẫm: “Nước nhớp phải lấy máu mà rửa! Biết chưa?” Câu nói với người thị vệ bộc lộ tinh thần yêu nước của vua Duy Tân trong câu truyện ngắn lịch sử “Một Mảnh Tình Chung”, tác giả Ngô Viết Trọng. Hình ảnh (internet) chỉ là minh họa.

 … Nhận định đời sau về Vua Duy Tân, ông là một vị anh hùng của dân tộc. Trong lịch sử đông tây kim cổ chưa thấy có một vị vua nào trẻ tuổi, bỗng hy sinh ngai vàng bệ ngọc để dấn thân vào một cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước như vua Duy Tân. Mà cũng hiếm thấy một loạt có ba vị vua liên tiếp nhau, trong vòng ba chục năm (1885 đến 1916), nổi lên chống đuổi xâm lăng để nhận lấy cảnh lưu đày khổ nhục như các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân như Việt Nam ta! Phải chăng các ngài được giáo dục, hun đúc trong môi trường giáo dục nhân bản, biết yêu nước thương dân, đau lòng trước cảnh quốc phá, gia vong?

Vua Duy Tân lúc trẻ và khi trưởng thành.

*

Hồ Ân phi (Hồ Thị Chỉ)
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương!”

(Thượng Tân Thị)

Mùa hè năm 1914 vua Duy Tân lại ra nghỉ mát ở Cửa Tùng. Lần này triều đình chỉ định quan thượng thư Bộ Học kiêm Cơ Mật Viện đại thần Hồ Đắc Trung theo hầu ngự. Năm này vua cũng vừa bước lên tuổi mười bốn. Hai hôm trước khi đi, vua nói với ông Trung:

-Năm nào đi nghỉ mát tôi cũng tắm, cũng bơi, cũng nằm phơi nắng trên cát một mình thật buồn tẻ quá. Nghe nói thầy có mấy người con trai cũng đang nghỉ hè, bảo họ đi chơi với tôi cho có bạn được không?

Ông Trung ngập ngừng:

-Đa tạ hoàng thượng đã chiếu cố đến đám trẻ của hạ thần. Chỉ sợ chúng quê mùa dốt nát chưa thông lễ nghĩa lỡ xúc phạm oai trời hạ thần lại mang tội.

-Thầy ngại cho con ra tắm biển có thể gặp chuyện nguy hiểm chứ gì? Chắc thầy chưa rõ Cửa Tùng là một bãi biển đẹp, mát mẻ và yên bình nhất ở Trung Kỳ? Người Pháp vẫn mệnh danh Cửa Tùng là Nữ hoàng của những bãi tắm (La Reine des plages) mà! Tắm và nghỉ ngơi ở đó tốt cho sức khỏe lắm. Thầy yên chí đi!

-Vậy xin phép hoàng thượng cho hai con trai của hạ thần là Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di cùng đi cho vui. Nếu chúng vụng về sơ sót điều gì xin hoàng thượng lượng thứ.

-Không sao. Điềm với Di chắc xuýt xoát tuổi tôi?

-Tâu vâng, chúng chỉ trội hơn hoàng thượng một hai tuổi!

-Quá tốt! Kế Điềm với Di còn người nào nữa không?

-Tâu, còn hai đứa. Nhưng lại đều là con gái.

-Chắc các em đều còn nhỏ?

-Tâu vâng. Một lên mười, một mười hai.

-Như vậy đâu còn nhỏ lắm? Thầy nên cho hai em đi chơi luôn để hai em vui chứ! Mọi thứ cần thiết tôi sẽ cho người lo giúp, thầy khỏi bận tâm.

-Tạ ơn hoàng thượng!

Khi nghe ông Trung thuật lại ý muốn của vua, mấy người con của ông đều vui mừng hớn hở. Chỉ có bà Trung lộ vẻ lo lắng nói với chồng:

-Đám con mình chưa bao giờ đi tắm biển. Ra đó lỡ gặp sóng gió bất thường hoặc rủi ro sa chân hụt cẳng ai lo cho?

Hồ Đắc Điềm trấn an mẹ:

-Mẹ khỏi lo chuyện đó. Con biết biển tắm Cửa Tùng không sâu và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi các giòng hải lưu nguy hiểm. Nó như nằm trong một cái vịnh nhỏ được hai rặng đá ngầm thọc sâu ra biển là Mũi Si và Mũi Lai che chắn nên rất an toàn. Những khi biển có gió bão các tàu thuyền đánh cá còn có thể ghé vào neo ở đây để núp nữa mà! Bãi biển này cũng mát mẻ hơn các bãi biển khác ngay cả thời gian những cơn gió Lào gay gắt quạt lửa vào Quảng Trị hằng năm. Chính cánh rừng Rú Lịnh ở cách đó không xa đã giúp nguồn khí mát ở đây luôn được điều hòa. Mẹ cho anh em con đi một chuyến khi trở về mẹ sẽ thấy đứa nào đứa nấy hồng hào khỏe mạnh lên hết cho coi!

Cả Hồ Đắc Di lẫn hai cô em đồng loạt nói:

-Anh Điềm nói phải đó mẹ. Khí hậu ở Cửa Tùng rất tốt. Đi chuyến này trở về chúng con khỏe mạnh lên hết cho coi.

Thấy các con đều tha thiết muốn đi chơi, ông Trung quyết định:

-Thôi, được rồi, thầy mẹ bằng lòng cho cả bốn đứa đi. Nhưng đi với ngài ngự thì phải luôn giữ lễ, phải nói năng từ tốn, không được ham vui mà ồn ào. Dù cho ngài ngự có vui vẻ, dễ dãi các con cũng không được thừa dịp mà lơ đi khoảng cách giữa vua tôi. Nếu không nghe lời thầy dặn, không phải chỉ các con mang lỗi phạm thượng mà thầy mẹ cũng mang tội không biết dạy con. Phải nhớ kỹ lời thầy dặn đấy nhé.

-Chúng con xin tuân lời thầy dặn!

*

Lúc bấy giờ vua Duy Tân đã có sẵn một hành cung ở Cửa Tùng, nơi người ta vẫn quen gọi là “tòa Thừa Lương”, nôm na là tòa nhà để hóng mát. Tòa nhà này do viên Khâm sứ Trung Kỳ Brière cho xây dựng từ năm 1896 để làm nhà nghỉ mát cho nhân viên tòa Khâm. Năm 1907, người Pháp nghi ngờ vua Thành Thái không trung thành với chính phủ Bảo hộ nên tìm cách để truất phế ngài. Kế đó họ lập người con của ngài là Vĩnh San mới 7 tuổi lên ngôi tức là vua Duy Tân. Về sau, nhận thấy vua Duy Tân càng lớn càng lộ vẻ ưu thời mẫn thế như vua cha, người Pháp lại đâm ra lo lắng. Họ tìm cách để dẫn dụ vị vua trẻ này đi dần vào con đường vui chơi, hưởng thụ. Nhắm mục đích ấy, người Pháp nhường lại tòa nhà nghỉ mát trên cho vua Duy Tân làm một hành cung. Từ đó nhà nghỉ mát ấy được vua cho sắp xếp lại, trở thành tòa Thừa Lương. Cứ mỗi mùa hè vua lại ra đó nghỉ mát một thời gian.

Lần đó vua Duy Tân cùng quan thượng thư Hồ Đắc Trung đi Cửa Tùng bằng “xe điện”. Các thành phần khác thì đi bằng ngựa hoặc xe ngựa. Khi bốn anh em Hồ Đắc Điềm đến hành cung thì ông Trung đã có mặt sẵn để dẫn họ vào lạy chào vua.

-Muôn tâu, hạ thần xin dẫn đám tiện tử vào lạy chào hoàng thượng!

Anh em Hồ Đắc Điềm toan quì xuống lạy thì vua Duy Tân khoát tay:

-Cho miễn lạy. Vái chào là đủ rồi. Các anh em là những người tôi mời đi chơi cho có bạn chứ không phải người đi theo để phục dịch hầu hạ. Nếu việc gì cũng giữ lễ thì còn gì là vui!

Vua lại tươi cười nhìn lướt qua bốn người:

-Tôi mong chuyến đi chơi này sẽ làm mọi người hài lòng. Hai anh tôi đã biết tên là anh Điềm và anh Di. Riêng hai cô thì tôi chưa rõ!

Cô chị còn ngập ngừng thì cô em đã chỉ vào cô chị đáp:

-Chị của em tên Hồ Thị Chỉ, em tên Hồ Thị Hạnh!

-Xin chào mừng hai em. Chúc hai em sẽ có những ngày rất vui.

Mọi người đều hớn hở lên tiếng cảm ơn vị vua trẻ. Riêng Hồ Thị Chỉ đã tỏ ra xúc động hơn ai hết. Đôi mắt nàng long lanh mở lớn nhưng lời cám ơn của nàng chỉ lí nhí nghe không được rõ.

Hồ Thị Chỉ là con gái áp út của ông Trung. Vốn bẩm thụ tính thông minh trời cho, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn, được cha và các anh chăm sóc việc học hành từ bé, mới hơn mười tuổi nàng đã khá rành cả chữ Hán lẫn chữ Pháp. Năm ấy tuy mới mười hai tuổi nàng đã bắt đầu trổ nét xuân thì, trông xinh xắn, dịu dàng rất dễ thương. Có lẽ vua Duy Tân cũng cảm nhận điều đó ngay phút gặp gỡ đầu tiên.

Từ đó buổi sáng nào vua cũng cho mời anh em Hồ Đắc Điềm cùng ra bãi biển chơi. Ngài vẫn gọi Điềm và Di bằng anh, gọi Thị Chỉ và Thị Hạnh bằng em. Họ cùng nhau bơi lội, cùng nhau nằm trên cát nhìn mây trời, cùng ngắm những đàn còng ùa chạy lung tung trên bãi cát hoặc bơi dưới nước… Lúc nào vua cũng chuyện trò thân mật, vui vẻ với anh em Điềm, Di. Thị Hạnh cũng hay nói chuyện với vua. Riêng Thị Chỉ không được tự nhiên, rất ít khi nói chuyện với vua. Nàng luôn tỏ ra rụt rè, ít tham gia vào các cuộc vui chơi chung đó. Có lẽ vua cũng hiểu lý do nên cũng không ép, không mời.

Một hôm Hồ Đắc Di hào hứng đề nghị:

-Muôn tâu, hôm nay mình chơi thi bắt còng xem ai bắt giỏi hơn cho vui, ngài ngự bằng lòng không?

Vua tươi cười nói:

-Ừ, thi thì thi, như vậy càng thêm vui! Tôi sẽ có thưởng cho ai bắt giỏi nhất.

Thế rồi mỗi người tự kiếm một vật dụng để đựng còng. Khi cuộc thi đang nhộn nhịp, mọi người dần để ý thấy vua bắt được con nào lại thả con nấy. Thị Hạnh ngạc nhiên hỏi vua:

-Sao ngài ngự bắt được con nào lại thả con nấy vậy?

-Bắt được con nào đếm xong thả ngay chứ giữ lâu khô nước chúng có thể chết mất. Chúng vô tội, mình không nên để chúng chết oan. Thấy con nào thoát thân được cũng tất tả chạy trốn phóng xuống nước bơi tung tăng như thế cũng đủ vui rồi.

Thế là mọi người bắt chước vua thả hết số còng đã bắt được. Vua lại quay sang nói với Điềm và Di:

-Ai bắt bỏ tù chúng ta, chắc chúng ta cũng sẽ khổ sở vì khi mất tự do là mất tất cả!

Nói xong vua thở dài, nét mặt ngài bỗng trở nên ủ dột. Anh em Điềm, Di phải nói chuyện khỏa lấp một hồi vua mới vui vẻ trở lại với cuộc chơi.

Tối hôm đó anh em Điềm kể lại chuyện ấy cho cha nghe. Ông Trung nói:

-Tinh thần yêu nước của ngài ngự rất cao. Ngài muốn thoát khỏi sự kềm kẹp của chính phủ Bảo hộ. Đã nhiều lần ngài hỏi thầy “Thầy nghĩ sao về việc người Pháp đô hộ ta?”. Thầy chỉ biết nói với ngài “Mình đang bị trị biết làm sao được! Xin hoàng thượng thận trọng, cố gắng học hành, đường còn dài, còn nhiều vận hội mới”. Ngài không phản đối nhưng có vẻ không hài lòng. Một viên thị vệ kể với thầy, có một lần vua tự ra vườn cuốc đất trồng hoa, tay chân vua lấm đất cả. Khi ngài trồng xong, y bưng chậu đến cho ngài rửa tay. Bất ngờ ngài hỏi y “Tay nhớp lấy nước để rửa, thế nước nhớp lấy gì để rửa đây?” . Viên thị vệ ngẩn ngơ chưa biết trả lời sao thì ngài tiếp “Nước nhớp phải lấy máu mà rửa! Biết chưa?”. Lại một lần ngài đi câu, có quan thượng thư Nguyễn Hữu Bài theo hầu, ngài bỗng cảm thán đọc “Ngồi trên nước khôn ngăn được nước, Trót buông câu đã lỡ phải lần”, rồi ngài bảo ông Bài đối lại. Qua một lát suy nghĩ, ông Bài đối: “Ngẫm việc đời mà ngán cho đời, Đành nhắm mắt tới đâu hay đó!”. Ngài lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài luôn bị ray rứt về số phận của đất nước. Thỉnh thoảng ngài đem tâm sự dò ý các quan nhưng chẳng có ai dám biểu lộ đồng tình với ngài. Ai cũng biết, trong số quan lại của Nam triều không thiếu gì tay chân của chính phủ Bảo hộ Pháp, họ lúc nào cũng sẵn sàng lập công để được thăng tiến! Vì cảm thấy mình quá cô đơn, ngài hay nổi nóng bất thường. Có lần ngài hét lớn “Các quan không có ai chịu nghe lời tôi cả. Tôi chỉ là một ông vua làm vì!”.

Hồ Đắc Di nghe đến đó bất giác thốt lên:

-Thật tội nghiệp cho ngài quá. Không ngờ nỗi khổ tâm của ngài to lớn đến thế! Có khi nào bức chí quá ngài lại nổi điên như vua cha Thành Thái không thầy?

Ông Trung hơi cau mày:

-Con cũng nghĩ là vua Thành Thái nổi điên ư? Chuyện đó rất khó nói. Sau này lớn lên các con sẽ dần hiểu được sự thật. Thầy cũng mong cái gương của vua Thành Thái sẽ giúp Đức Kim Thượng gắng nhẫn nhục để giữ mình. Chính phủ Bảo hộ lúc nào cũng dòm ngó các hành vi của ngài chứ họ chẳng bỏ sót đâu!

Hồ Đắc Di lại hỏi:

-Thầy nghĩ những lời ngài nói trong khi tức giận lại lọt đến tai chính phủ Bảo hộ?

-Biết đâu được! Quan hay lính cũng có hạng này hạng khác… Ngài ngự còn quá trẻ nên dễ có lúc không kiềm chế được tánh nóng nảy của mình. Vì tánh khí đó, ngài đã phải chịu ngậm cay nuốt đắng một lần rồi!

-Chuyện ra sao thầy kể luôn cho tụi con nghe đi!

-Cách đây một hai năm thôi, một hôm nghe tin Khâm sứ Mahé đem người lên đào lăng vua Tự Đức để tìm vàng ngọc, ngài liền thân hành lên đó để ngăn chận hành vi ngang ngược ấy. Nhưng ngài lên tới nơi thì đã muộn, việc đã xong xuôi. Ngài vô cùng phẫn nộ. Khi đi ra cửa Vụ Khiêm Môn, ngài gặp vị thầy dạy ngài là ông Cao Xuân Dục từ Đại Nội mới lên, ngài kêu: “Thầy ơi, hồi cha tôi còn tại vị thì người ta không dám làm như vậy. Nay họ đặt tôi lên làm ấu chúa để đào mả, phá nhà!”. Ông Cao Xuân Dục chỉ biết khuyên: “Biết vậy thì Đức Kim Thượng nên gắng học!”. “Thầy nói tôi nghe cũng phải. Nay cha tôi đã ở xa. Tôi nguyện gắng học và xin thầy giúp cho!”. Sau đó vua tự mình viết một lá thư cho chính phủ Pháp. Ngài trình bày rõ sự kiện đã xảy ra và đề nghị chính phủ Pháp khiển trách, hạch tội mấy viên quan Bảo hộ ở Việt Nam. Ngài lại nhờ viên Toàn quyền Đông Dương chuyển thư giúp. Nhưng khi đọc thư xong, thay vì chuyển giúp, viên Toàn quyền lại thân hành đem lá thư này vào cung Diên Thọ trao cho bà Đích xem. Bà Đích liền đòi ngài vào cung Diên Thọ, bắt ngài phải xin lỗi viên Toàn quyền trước mặt ông ta và đại thần Nguyễn Thân. Không thể cãi lệnh mẹ đích, ngài phải cắn răng mà thi hành!

Thị Chỉ vẫn chăm chú lắng nghe cha kể chuyện từ đầu, giờ bỗng thở dài:

-Không ngờ ngài ngự lại khổ sở đến thế!

Thị Hạnh cũng lên tiếng:

-Bà Đích là mẹ của ngài ngự hở thầy?

-Bà Đích tức tên Nguyễn Gia Thị Anh, con gái ông Nguyền Thân, vị đại thần nổi tiếng đánh dẹp các cuộc nổi dậy trong nước, là mẹ đích chứ không phải là mẹ đẻ của ngài ngự. Gọi là mẹ đích vì bà là Hoàng quí phi tức là vợ chính của vua Thành Thái. Tất cả những người con khác của vua Thành Thái đều phải gọi bà là mẹ đích. Còn mẹ đẻ của ngài ngự là bà Tài nhân Nguyễn Thị Định, vợ thứ của vua Thành Thái. Cả hai bà này ở trong cung, đều có quyền quyết định mọi việc trong gia đình nhà vua, người ta vẫn quen gọi là “Lưỡng tôn cung”.

Hồ Đắc Điềm cũng thở dài:

-Hóa ra làm vua một nước bị lệ thuộc cũng khổ quá!

-Thầy rất thông cảm cho hoàn cảnh của ngài nhưng biết làm sao bây giờ? Vậy, khi chuyện vãn với ngài, nếu ngài có bắt qua chuyện quốc sự, các con phải tìm cách nói lảng sang chuyện khác ngay để ngài khỏi buồn khỏi ức. Phẫn chí quá ngài có thể nói lỡ lời. Giữ gìn cho ngài cũng là giữ gìn cho chính mình! Các con phải nhớ đấy!

Cuộc đi nghỉ mát mùa hè ở Cửa Tùng rồi cũng qua nhanh. Khi sắp giã từ, vua Duy Tân với anh em họ Hồ đều lộ vẻ bịn rịn nhau lắm. Nhất là Thị Chỉ, nàng không nói gì mà cứ rưng rưng nước mắt. Vua thấy thế nói khẽ với Thị Hạnh:

-Dỗ chị đi em. Sang năm chúng ta sẽ gặp lại!

*

Sau thời gian cho các con đi nghỉ mát với chồng về, bà Trung để ý thấy Thị Chỉ có vẻ hơi khác thường. Nàng ít nói, ít đùa giỡn với cô em Thị Hạnh như trước mà hay ngồi trầm ngâm một mình. Thỉnh thoảng nàng lại ngâm nho nhỏ vài câu thơ, giọng rất buồn. Một hôm bà Trung gọi nàng lại hỏi:

-Đi chơi về mệt lắm sao mà thấy con cứ thẫn thờ ra thế? Có gì vui kể mẹ nghe với nào.

-Dạ đâu có mệt, vui lắm chứ mẹ. Ngày nào cũng bắt còng, bơi lội, phơi nắng…

-Vua cũng chơi vậy sao? Ngài có hay nói chuyện với anh em con không?

-Dạ có. Nhưng ngài chỉ nói chuyện với anh Điềm, anh Di và Hạnh chứ rất ít khi nói chuyện với con.

Bà Trung cười:

-Ngài không thèm nói chuyện với con à? Sao vậy?

Hồ Thị Chỉ tỏ vẻ bẽn lẽn:

-Đâu phải vậy. Nhưng con đâu có chuyện gì để nói?

-Vậy con có nhận xét gì đặc biệt về ngài ngự không?

-Điểm đặc biệt ư? Nếu nói về điểm đặc biệt của một ông vua thì con thấy ngài có mấy điểm rất khác thường, hoàn toàn không giống ở bất cứ một ông vua nào khác mà con đã được đọc qua trong sách sử ký.

Bà Trung trố mắt ngạc nhiên:

-Ủa, con đã đọc về nhiều vị vua trong sách sử ký? Con thấy ngài khác biệt với những vị vua ấy ở những điểm nào?

-Điểm con thấy rõ nhất ở ngài là đức tính rất giản dị, khiêm tốn. Mẹ biết không? Ngài luôn gọi anh Điềm, anh Di bằng anh, gọi con và Hạnh bằng em như dân thường gọi nhau. Trong một lần khi đi chơi ngài đã thành thật tâm sự: “Thời gian này đi chơi có mấy anh em tôi thấy vui vẻ thoải mái quá! Gần gũi mãi với mấy cụ đại thần tuy học được nhiều điều hay nhưng cũng có lúc ngột quá chừng, nhiều thắc mắc của mình khó bày tỏ với các cụ quá! Các anh thấy thế nào?”. Anh Điềm anh Di đều nói: “Chúng tôi còn dại, chỉ biết lo học, chưa dám bàn đến chuyện người lớn”. “Vậy các anh cho tôi là người lớn rồi sao?”. “Muôn tâu, Ngài Ngự tuy tuổi nhỏ nhưng địa vị và tâm tư đều lớn quá có ai dám sánh? Chúng tôi đâu dám luận bàn!”. Vua cười: “Các anh đừng lầm, người có thực tài không cần có địa vị, người có địa vị chưa chắc có tài. Như tôi vì con vua nên lại làm vua chứ tài gì?”. Mẹ thấy đó, các ông vua khác nghe lời tâng bốc thì vui mừng, họ còn tìm cách khiến người khác thần thánh hóa mình lên nữa. Còn ngài thì không, lại tự nhận mình chưa chắc có tài, chỉ nhờ gốc là con vua nên được làm vua! Chưa tin mình có thực tài tất nhiên ngài phải luôn cố gắng học hỏi. Không nghe lời tán tụng, tâng bốc tất nhiên không ai có thể dùng lối mê hoặc, dua mị để lung lạc được. Một ông vua như thế chắc hẳn không phải là một ông vua tầm thường! Đó là những điểm khác thường của ngài vậy!

Nghe Thị Chỉ nhận xét về vua Duy Tân như vậy bà Trung rất mừng. Bà không ngờ lối suy nghĩ của đứa con gái mình lại có vẻ trưởng thành đến thế. Vậy đối với nàng bà đâu có gì đáng lo nữa! Chắc hẳn là nàng có phần si tình đấy, nhưng không sao. Nghĩ đến đó bà chợt thốt lên:

-Đáng tiếc!

-Mẹ nói cái gì đáng tiếc?

-Ngài ngự hẳn là một minh quân đấy. Đáng tiếc là ngài đã không gặp được thời. Cái gương của vua cha còn sờ sờ ra đó. E rằng chính phủ Bảo hộ khó để cho ngài toại chí. Mẹ nghĩ rồi đây ngài sẽ phải gặp nhiều gian truân…

Ngay hôm ấy bà thăm dò ý chồng:

-Này ông, từ sau cuộc đi chơi ở Cửa Tùng về, hình như con Chỉ nó thay đổi khá nhiều đó. Nó hay thở dài và cũng hay ngâm truyện Kiều nữa. Tôi cảm thấy lo lo về những dấu hiệu ấy.

-Ồ, có gì lạ đâu mà lo! Nó đang ở tuổi dậy thì, gái thở dài trai nằm sấp vẫn là chuyện thường. Bà hay gần gũi nó, khuyên nhủ khéo khéo sao cho nó khỏi lơ là việc học hành là được!

-Theo ông có phải nó phải lòng với nhà vua không?

-Bà căn cứ vào đâu để nói như thế?

-Thỉnh thoảng tôi lại nghe nó ngâm thơ Kiều. Tiêu biểu là hai câu “Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?”, hoặc “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Đó không phải cái giọng tương tư thì còn là gì nữa?Thời gian này nó có gặp ai đâu ngoài ngài ngự?

-Cũng có lý! Ngài ngự cư xử với đám con mình rất thân mật, nếu con Chỉ phải lòng ngài thì cũng đúng thôi. Theo tôi biết thì ngài cũng mến nó lắm. Xứng đôi quá đi chứ. Bà gắng khuyên răn thúc đẩy nó cứ lo học hành đi đã rồi chuyện tốt lành sẽ đến thôi.

-Ông thương con gái mà nghĩ vậy nhưng hình như ông chẳng để ý đến một điều…

-Điều gì?

-Ngài ngự là người rất có lòng với đất nước nhưng còn quá trẻ, liệu ngài có tự kiềm chế để giữ mình được không? Ông thấy cái gương vua Thành Thái chứ? Nếu để con mình vướng vô chuyện đó tôi nghĩ sớm muộn nó cũng sẽ khổ theo…

-Nhưng biết làm sao bây giờ?

*

Thấm thoắt kỳ nghỉ hè 1915 đã gần tới. Theo thư thăm gia đình mới nhất, anh em Điềm, Di đang học ở Hà Nội cho biết chỉ trong vòng một tháng nữa họ sẽ về sum họp với gia đình. Điềm, Di cũng cho biết họ cũng sẽ có một món quà rất đặc biệt dành cho hai em gái. Vì vậy, Thị Chỉ và Thị Hạnh luôn ngóng chờ hai anh. Đối với Thị Chỉ, thật ra nàng không hẳn nôn nóng vì thương nhớ hay muốn biết “món quà rất đặc biệt” hai ông anh đã hứa tặng mà là nôn nóng đợi một kỳ đi nghỉ mát như năm ngoái. Thị Chỉ đã cẩn thận ngầm chuẩn bị những đồ trang sức cá nhân dành cho thời gian đi chơi sắp đến. Đã nhiều lần nàng rụt rè hỏi nhỏ Thị Hạnh:

-Ngài ngự có dặn em năm sau chúng ta sẽ gặp lại phải không?

Thị Hạnh hiểu ý, cười nguýt yêu cô chị:

-Đúng rồi, không lẽ em phịa ra thế sao. Ngài ngự còn bảo em dỗ chị đừng khóc nữa mà. Sao chị cứ hỏi hoài chuyện đó vậy?

-Có khi nào ngài ngự quên đi không? Hoặc ngài ngự bận công việc gì mà không đi nghỉ mát nữa? Cũng có thể ngài ngự gọi vị thượng thư khác theo chầu hầu thay thế thân phụ mình.

Thị Hạnh nhí nhảnh:

– Chị sao hay lo hảo quá! Quân bất hí ngôn mà! Ngài ngự đã hứa lẽ nào lại quên!

Thị Chỉ cười bẽn lẽn:

-Chị cũng nói chừng chừng vậy thôi.

Mấy ngày sau thì anh em Hồ Đắc Điềm từ Hà Nội về. Thị Hạnh mừng quá, hỏi ngay đến món quà đặc biệt. Khi Điềm và Di mở quà ra, Thị Hạnh mừng rỡ reo ầm lên, Thị Chỉ cũng sung sướng đến lặng người. Món quà đặc biệt của hai cô chính là hai bộ đồ tắm tân thời! Trước vẻ sung sướng của hai cô em gái, anh em Điềm, Di cũng hỉ hả nói cười.

Bà Trung lúc ấy đang bận tay nhưng thấy các con vui vẻ quá cũng tạm bỏ việc đến xem:

-Quà gì mà các con vui sướng đến thế?

Cả bốn anh em đều hướng về mẹ, Điềm khoe:

-Mẹ thấy hai bộ đồ tắm này có nhất không? Tây cũng phải hạng sang chứ hạng xoàng cũng không dám sắm đâu!

Bà Trung cầm từng bộ lên xem rồi nói:

-Đồ này thấy sang trọng, tân thời thật, hai con thương em sắm cho em như vậy quả thật có lòng! Nhưng có điều mẹ quên dặn các con, mình là người Việt phải gắng mà giữ lấy nề nếp văn hóa Việt, không nên đua đòi với Tây làm chi để người ta coi thường. Mẹ nghĩ năm nay con Chỉ cũng đã lớn rồi, không nên theo mấy anh đi nghỉ ở Cửa Tùng nữa.

Nói xong, bà lại tiếp tục đi lo công việc. Thị Chỉ nghe mẹ nói vậy đâm hoảng. Vẻ hớn hở trên gương mặt nàng phút chốc tan biến hết. Đôi mắt nàng bỗng rưng rưng lệ. Anh em Điềm, Di thấy vậy vội an ủi em:

-Mẹ nói rứa thôi chứ không chi đâu. Bọn anh sẽ xin mẹ cho em.

-Em cũng sẽ xin mẹ cho chị đi – Thị Hạnh tiểp lời.

Lời hứa sẽ xin với mẹ của hai anh và đứa em gái không làm cho Thị Chỉ yên lòng mấy. Nàng vốn biết mẹ mình tuy rất thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc trong vấn đề giáo dục. Hình như đã mất hết cả hứng thú, nàng cám ơn hai anh rồi tiu nghỉu mang gói “món quà đặc biệt” đem cất.

*

Hôm ấy, trong bữa cơm tối, ông Trung nói:

-Hoàng thượng vừa cho biết tuần sau sẽ đi nghỉ mát ở Cửa Tùng. Thầy cũng được cử theo hầu ngài. Các con cũng được ngài cho phép cùng đi nghỉ như năm ngoái. Khác một điều là con Chỉ năm nay đã lớn, đi chơi không tiện. Ý mẹ muốn con Chỉ phải ở nhà với mẹ.

Thị Chỉ nghe thế liền gục mặt xuống bàn khóc ấm ức. Mấy anh em đều quay lại nhỏ to năn nỉ với bà Trung. Ông Trung cũng nhìn con gái thông cảm nhưng bà Trung lắc đầu nói:

-Ông cũng muốn cho nó đi hả? Không chịu nghe tôi sau này có chuyện gì ông đừng bảo tại tôi không biết dạy con đó nghe!

Ông Trung nói với Thị Chỉ:

-Được rồi Chỉ! Con không nên trái ý khiến mẹ buồn!

Thị Chỉ liền bưng mặt đứng dậy bỏ chạy vào phòng riêng…

Liên tiếp mấy ngày sau đó Thị Chỉ đã bỏ ăn bỏ ngủ và khóc sưng cả mắt. Anh em Điềm, Di cũng hết sức năn nỉ với bà Trung. Nhưng bà vẫn nhất định không đổi ý.

Hôm gặp lại ba anh em họ Hồ ở Cửa Tùng, vua ngạc nhiên hỏi:

-Sao thiếu mất một người?

Thị Hạnh liều tâu:

-Mẹ chúng tôi bắt chị ấy ở nhà. Chị ấy khóc quá.

Vua có vẻ buồn:

-Tội nghiệp chị ấy quá.

*

Sau kỳ nghỉ mát không bao lâu vua cho thị vệ đến tư dinh Hồ thượng thư xin hai tấm hình của tiểu thư Thị Chỉ đem vào Nội để “Lưỡng tôn cung” xem mặt. Cả nhà ông Trung rộn lên kẻ vui mừng người lo âu. Ông Trung cười mà trấn an vợ:

-Đó là cái diễm phúc to lớn cả vạn nhà mơ ước không được, bà còn suy nghĩ gì nữa?

-Biết vậy, nhưng tôi thương con Chỉ quá. Hình như linh tính báo cho tôi biết có điều gì không hay trong cuộc tình duyên của nó…

Ông Trung cau mặt:

-Sao nói gở vậy? Bà không nên nghĩ như thế nữa.

Một tuần sau “Lưỡng tôn cung” cho đòi vợ chồng ông Trung vào chầu để bàn định sắp xếp về lễ hỏi và lễ nạp phi. Sau đó sứ vua đệ ra nhà Hồ thượng thư một đôi bông tai và một đôi vòng vàng để làm lễ hỏi. Vợ chồng Hồ thượng thư ra quì làm lễ bái nhận. Thị Chỉ cũng ra quì lạy tạ ơn vua đã chiếu cố.

Gần cuối năm 1915, khi chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày làm lễ nạp phi, vua Duy Tân đột ngột triệu ông Trung vào gặp riêng để cho biết ngài đã quyết định từ hôn. Quá kinh ngạc, ông Trung xin ngài cho biết lý do nhưng ngài chỉ nói “Thầy cứ về đi, rồi thầy sẽ rõ”. Không biết làm sao hơn, ông Trung đành trở về báo tin không hay cho gia đình.

Tiểu thư Thị Chỉ đã bỏ ăn bỏ ngủ, khóc ngày khóc đêm cả một thời gian khá dài. Cả nhà ông Trung phải thay nhau an ủi, khuyên nhủ để giúp nàng giảm bớt nỗi đau buồn. Họ phải luôn canh chừng nàng vì sợ dại khi thất vọng quá nàng có thể nghĩ quấy làm liều…

Hai tháng sau triều đình vẫn tổ chức lễ nạp phi cho vua Duy Tân như đã dự định, nhưng bà phi này là tiểu thư Mai Thị Vàng, con gái trưởng của quan Phụ đạo Mai Khắc Đôn, thầy học của vua. Sự việc này đã khiến một số người biết chuyện ngầm cười nhà vua cũng kén cá chọn canh, không trọng chữ “quân bất hí ngôn”. Một số khác suy đoán có thể gia đình ông Trung có vấn đề gì khiến vua không bằng lòng. Riêng tiểu thư Thị Chỉ cũng bắt đầu nẩy sinh ý định gởi thân vào cửa thiền.

Chân dung 2 Chí sĩ Trần Cao Vân (trái), Thái Phiên (phải) 

 * Đêm mồng 3 rạng mồng 4 năm 1916 ở Huế đã xảy ra một biến cố quan trọng: vua Duy Tân bí mật rời hoàng cung để tham gia một cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Nhưng việc lớn không thành, ngày mồng 6 tháng 5 vua Duy Tân bị bắt đưa về giữ ở Tam Tòa một thời gian rồi sau đó đưa qua đồn Mang Cá. Những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa như Thái Phiên, Trần Cao Vân cũng bị bắt đem nhốt vào lao Thừa Thiên. Hai ông này biết chắc cuộc đời mình coi như đã yên, không một chút băn khoăn hối tiếc. Hai ông chỉ còn ưu tư về số phận của vị vua thiếu niên anh hùng! Họ muốn tìm cách để cứu sinh mạng vị vua yêu nước ấy. Với tinh thần đó, hai ông đã viết tờ tự thú nhận hết mọi trách nhiệm về âm mưu tổ chức cuộc khởi nghĩa về mình. Ông Trần Cao Vân còn nghĩ thêm cách cầu cứu với một viên quan có thế lực trong triều. Đó là ông Hồ Đắc Trung, đương chức thượng thư Bộ Học kiêm Cơ Mật Viện đại thần. Ông Vân đã dùng cuốn giấy quyến viết một lá thư bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn cứu vua lén gởi cho ông Trung.

Trong thư có hai câu đối:

Chiếu lệnh của vua Duy Tân cấp cho thị vệ Tôn Thất Đề và Lê Đình Thưởng để phục vụ khởi nghĩa/

Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!

Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho Thánh thượng sinh toàn”.

 Chiếu lệnh của Vua Duy Tân. 

Ảnh: Tư liệu Nguyễn Trương Đàn.

Nhưng không hiểu người chuyển thư giúp lớ ngớ làm sao đó đã khiến lá thư lọt vào tay người Pháp. Thế là ông Hồ Đắc Trung bị người Pháp bắt giữ ở tòa Khâm để điều tra. May người Pháp không tìm được bằng chứng nào về sự liên hệ giữa đám khởi loạn với ông Trung nên mấy hôm sau họ thả ông ra. Khi ông Trung trở về, cả nhà xiết bao vui mừng, xúm lại hỏi han ríu rít. Bà Trung nói:

-Thật phước đức ông bà, mấy ngày cả nhà ăn ngủ không yên!

Ông Trung cười ra vẻ tự tin:

-Mình cứ ngay thẳng mà sống tự nhiên gặp chuyện lành!

Thị Chỉ sau mấy phút vui mừng lại lộ vẻ lo lắng:

-Thưa thầy, còn tình trạng ngài ngự ra sao? Liệu người Pháp đối xử với ngài thế nào?

Bà Trung cũng tỏ vẻ băn khoăn:

-Nghe chính phủ Bảo hộ rất giận dữ vì chuyện này. Trước đây vua Thành Thái chỉ bị ghép tội “dở hơi” thôi mà còn bị đưa đi an trí ở Vũng Tàu, nay vua Duy Tân phạm tội “nổi loạn” chắc khó thoát khỏi án tử.

Thị Chỉ nghe mẹ nói thế bỗng khóc oà:

-Nếu ngài có mệnh hệ nào e con cũng không sống nổi…

Ông Trung sầm mặt suy tư. Bà Trung dỗ con gái:

-Con chớ nghĩ vậy. Việc đó ngoài tầm tay của người Việt mình. Dù sao ngài cũng đã từ hôn, con đâu có lỗi gì với ngài. Con phải quên chuyện đó đi mà sống mới được.

Thị Chỉ sụt sùi nói:

-Làm sao con có thể vô tình với ngài được? Chính vì thương, vì nghĩ đến gia đình mình ngài mới từ hôn chứ đâu phải ngài ruồng rẫy con! Chuyện xảy ra vừa qua đã làm sáng tỏ tấm lòng cao cả của ngài, gia đình mình phải biết ơn ngài mới phải chứ!

Ông Trung an ủi Thị Chỉ:

-Con có lòng với ngài như thế là đúng. Rõ ràng ngài đã ăn ở rất có hậu với gia đình ta. Thầy cũng không thể làm ngơ trước cơn hoạn nạn của ngài đâu. Ở Trung Kỳ, những vụ án liên hệ đến người Việt chính phủ Bảo hộ thường giao cho Nam triều xử trước. Sau đó chính phủ Bảo hộ sẽ quyết định y án hay xử lại. Bình thường, với chức vụ của thầy, thầy sẽ được giữ một chân trong hội đồng xét xử. Vì nghĩ vậy nên ông Trần Cao Vân đã lén gởi một lá thư nhờ thầy tìm cách cứu mạng vua. Ông ấy từng quen biết và tin tưởng thầy nên mới dám làm liều như thế. Không ngờ lá thư đó đã gây nên chuyện rắc rối cho thầy. Bây giờ chưa chắc thầy đã được dự vào hội đồng nghị án. Nếu không bị cho ra rìa, thầy nguyện sẽ hết lòng che chở cho ngài.

-Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, kính xin ngài phù hộ cho thầy con không gặp trở ngại để cứu giúp nhà vua.

Hôm sau ông Trung trở lại Cơ Mật Viện. Ông vui mừng biết mình không bị tước quyền nhưng khi biết tin viên tân Khâm sứ Pháp Le Marchant de Trigon buộc Nam triều phải lên án vua Duy Tân thật nặng ông không khỏi giật mình. Viên Khâm sứ này muốn xử tử vua Duy Tân để làm gương cho các vị vua kế tiếp. Thế là toàn bộ Cơ Mật Viện phải họp ba ngày liên tiếp để thảo luận vấn đề. Nhờ đa số thành viên Cơ Mật Viện đều là trung thần nên họ cố viện mọi lý lẽ thuận lợi bào chữa để cứu vua. Cuối cùng Cơ Mật Viện đã ủy nhiệm ông Trung soạn thảo một bản án với nội dung như sau:

Vua Duy Tân còn vị thành niên, tuy rất mực thông minh song còn cạn nghĩ, nên dễ bị bọn phiến loạn lắm mưu mô quỷ quyệt lung lạc bằng cách kích thích lòng ái quốc mà nghe theo chúng. Nếu ở vào tuổi trưởng thành thì tội ấy rất nặng, song ở tuổi vị thành niên, thiếu quân không đáng trách mà là đáng thương tình.

Vả lại, cuộc khởi loạn chưa bùng nổ thực sự nên chưa gây một mảy may thiệt hại cho tài sản và tánh mạng của người Pháp ở kinh đô Huế cũng như ở các tỉnh khác ở miền Trung. Mặt khác, nhân dân Việt Nam rất mến thương nhà vua, thì nay, nếu lên án “tử hình” ngài, e không khỏi gây ra mầm mống rối loạn trong dân chúng, một điều mà cả Bảo hộ lẫn Nam triều chúng ta nên hết sức tránh trong lúc này – lúc mà mẫu quốc đang gặp khó khăn trong cuộc đương đầu với quân xâm lăng Đức ở trời Âu.

Luận về tội thì quả thật thiếu quân có tội đối với chính phủ Bảo hộ, nhưng đối với Nam triều, nhất là đối với nhân dân Việt Nam mà xưa nay ngài vẫn tỏ lòng thương yêu, ngài không có tội gì hết.

Vì các lẽ trên, tưởng cần tỏ ra khoan hồng đối với vị thiếu quân mà để cho ngài được tự do trở về với danh vị “hoàng tử” như trước. Như vậy, chẳng những đã hợp tình hợp lý mà chính phủ Bảo hộ còn được tiếng khoan dung và đại lượng, dân chúng ắt sẽ khâm phục và thỏa mãn.

Còn đối với bọn phiến loạn chủ mưu và chúc sử nhà vua thì nên lên án nặng tối đa để làm gương”.

Chính phủ Bảo hộ đã đồng ý với tinh thần bản án. Nhân dịp Toàn quyền Eugène Charles vào Huế, Tôn Nhơn Phủ và Cơ Mật Viện đề nghị truất phế vua Duy Tân và tôn hoàng thân Bửu Đảo, con trưởng vua Đồng Khánh lên ngôi. Ba ngày sau chính phủ Pháp chuẩn y đề nghị đó và quyết định đày “Hoàng tử Vĩnh San” cùng Phụ hoàng Thành Thái sang đảo Réunion ở châu Phi.

Ngày 17/5/1916 hoàng thân Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định. Cũng ngày này, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị đem chém ở Cống Chém (làng An Hòa).

*

Ngày 2/7/1916 “Hoàng tử Vĩnh San” biệt ly xứ Huế đi Vũng Tàu để rồi ngày 3/11/1916 ngài vĩnh viễn xa rời tổ quốc sống cuộc sống lưu đày trong sự thương tiếc, kính nể của toàn dân Việt Nam. Hai mươi chín năm sau ngài qua đời ở quê người vì một tai nạn.

*

Sau khi vua Duy Tân đã bị lưu đày, tiểu thư Thị Chỉ ngày càng khô héo. Có một ông bác sĩ trẻ muốn hỏi nàng làm vợ, gia đình cũng muốn gả, nhưng nàng một mực từ chối. Nàng thề không lấy ai nữa mà chỉ muốn đi tu. Sau cùng ông bà Trung khuyên:

-Được rồi, thầy mẹ sẽ giúp con toại nguyện. Tu hành trước để giác ngộ bản thân, sau để cứu độ chúng sinh cũng là việc rất tốt. Nhưng trước khi đi tu, thầy mẹ muốn con có được một mớ kiến thức vững vàng để việc tu học chóng tiến bộ hơn. Vậy, con nên tiếp tục học hành một thời gian nữa. Khi con lên mười tám, thầy mẹ sẽ chính thức đưa con vào chùa.

Nghe thầy mẹ khẩn khoản đề nghị như vậy, Thị Chỉ hết sức áy náy. Hóa ra nàng đã làm phiền thầy mẹ mình nhiều đến thế. Nàng rưng rưng nước mắt thưa:

-Con xin lỗi đã làm thầy mẹ buồn. Nay con xin tuân lời thầy mẹ dạy bảo. Chỉ mong thầy mẹ thương con mà cho con được toại nguyện như thầy mẹ đã hứa.

Vợ chồng ông Trung vui vẻ:

-Ừ, Thầy mẹ đã hứa thì thầy mẹ giữ lời chứ!

Thế rồi nàng cố gắng gạt bỏ mọi ưu phiền để chuyên tâm tiếp tục học hành. Mọi sinh hoạt của nàng cũng dần trở lại bình thường. Tuổi con gái vừa đến độ mãn khai đã khiến nàng trở nên xinh đẹp mặn mà lạ lùng.

*

Sau khi lên ngôi, vua Khải Định thi hành chính sách đẩy lùi ảnh hưởng Hán học trong công cuộc trị dân như ý muốn của người Pháp. Khoa thi Hương năm 1915 đã là khoa thi chữ Hán cuối cùng ở Bắc kỳ. Ở Trung kỳ cũng đã được ấn định khoa thi Hương cuối cùng sẽ tổ chức năm 1918 và khoa thi Hội cuối cùng sẽ tổ chức năm 1919. Muốn đẩy lùi Hán học thì phải phát triển Tây học và Quốc học để thay thế.

Lúc bấy giờ ở Huế, bậc trung học chỉ mới có một trường Quốc Học nhưng lại chỉ dành cho nam sinh. Nữ giới vẫn chưa có môi trường thuận tiện để phát triển học vấn, tài năng. Đó cũng là một nỗi trăn trở lớn của những người có lòng. Về sau, với sự đồng ý của toàn quyền Albert Sarraut, vua Khải Định đã quyết định thành lập một trường nữ trung học ở Huế. Trường được lấy chính niên hiệu của Phụ vương ngài để đặt tên: Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh.

Lễ đặt viên đá đầu tiên được ấn định vào ngày 15/7/1917. Hôm đó cả vua Khải Định lẫn viên Toàn quyền Albert Sarraut đều đến dự. Khi vua Khải Định cắt băng mở màn việc xây dựng ngôi trường, ngài đã sững sờ trước vẻ đẹp hút hồn của cô nữ sinh dâng chiếc kéo cho ngài. Khi xong việc, ngài hỏi đám tùy tùng:

-Người dâng chiếc kéo cắt băng là con nhà ai mà khéo quá như rứa hè?

Một cần thần tâu:

-Muôn tâu, đó là con gái của Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung tên là Hồ Thị Chỉ.

-Ả có chồng chưa?

-Muôn tâu, chắc là chưa. Trước đây phế vương Duy Tân đã đi hỏi nhưng sau lại thoái hôn.

-Được, không cần, rồi trẫm sẽ biết thôi.

Sau khi cho điều tra lý lịch của Hồ Thị Chỉ xong, vua Khải Định triệu Hồ Đắc Trung vào cung để hỏi ý. Vua thành thật nói:

-Hôm nay trẫm triệu khanh vào đây để bàn cùng khanh một chuyện rất quan trọng. Trẫm nghe tiếng khanh có một ái nữ là Thị Chỉ rất giỏi chữ Hán lẫn chữ Pháp. Trong lần cắt băng khai mạc công trình xây dựng trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, trẫm đã hân hạnh thấy được dung nhan nàng. Đúng là một mỹ nhân sắc nước hương trời, rất xứng ở địa vị mẫu nghi thiên hạ. Nay trẫm cũng rất cần một người vợ nói giỏi tiếng Pháp để tiện bàn các việc cơ mật. Trước đây trẫm đã có một người vợ là con gái của thượng thư kiêm Cơ Mật Viện đại thần Trương Như Cương. Nhưng bà ấy đã xin về nhà ba năm rồi. Nay cưới ái nữ của khanh về trẫm sẽ phong làm hoàng phi. Trẫm cũng đã có một người con trai với một cung nữ nay đã lên bốn, cậu bé này sẽ là con của hoàng phi. Trẫm nghĩ đây là một việc tốt cho khanh nên báo trước để khanh hay.

Ông Trung nghe vua nói thì tá hỏa tam tinh vì ông biết chắc Thị Chỉ khó mà chấp nhận cuộc hôn nhân này. Và dẫu Thị Chỉ chấp nhận đi nữa thì nàng sẽ đau khổ vô cùng. Nhưng mệnh vua làm sao dám cãi. Bất đắc dĩ ông phải quì xuống lạy tạ ơn:

-Đa tạ hoàng thượng.

Vua Khải Định nói:

-Trẫm sẽ triệu vợ chồng khanh một lần nữa để bàn định về lễ hỏi, lễ nạp phi. Giờ cho phép khanh trở về.

Vừa về tới dinh, ông Trung lật đật gọi vợ vào phòng riêng thuật lại câu chuyện. Bà Trung khóc thút thít:

-Bây giờ làm sao? Tôi đã linh cảm biết cái số con Chỉ nó khốn đốn như thế. Nó đã chịu khổ quá nhiều rồi! Tôi làm sao dám mở miệng để khuyên ép nó nữa?

Ông Trung thở dài:

-Lệnh vua không tuân có khác chi làm phản. Không khuyên ép nổi nó thì cuộc sống của cả nhà mình lâm cảnh nguy hiểm bấp bênh ngay. Bà thử gọi con Hạnh nói rõ chuyện với nó may ra nó khuyên giải chị nó được. Con Hạnh khôn ngoan, lý lẽ sắc bén, chị em nó lại thân thiết nhau, hi vọng nó có thể thành công.

Thế là bà Trung gọi Thị Hạnh vào nói chuyện…

Quả đúng khi biết yêu cầu của vua Khải Định, Hồ Thị Chỉ đã đay đảy không chịu, một mực đòi đi tu. Khi ấy Thị Hạnh mới ra tay thuyết phục:

-Chị nghe em nói đây. Chị là người có hiếu, chị lại rất thông suốt truyện Kiều, sao chị lại để chữ hiếu của chị thua sút nàng Kiều như thế? Lệnh của vua ra mà không tuân thì có khác chi làm phản? Mà người chịu trận trước hết là thân phụ chứ còn ai nữa? Chị có tưởng tượng nổi nỗi khổ của thân phụ không? Mà dù thân phụ được tha đi nữa thì cũng chẳng còn được dùng. Các anh sẽ phải bãi chức hoặc nghỉ học hết. Thầy và các anh mình đều là hạng văn nhân yếu đuối liệu có thể về đi cày để nuôi thân được không? Nàng Kiều dám hi sinh tình yêu đôi lứa, bán mình chuộc cha sao chị lại không chịu hi sinh để cứu cha và cứu cả gia đình đang rơi vào vòng hoạn nạn? Nếu chị đã phát nguyện đi tu, em xin kế tục thực hiện ý nguyện đó giúp chị.

Nhờ Thị Hạnh kiên nhẫn ỉ ôi thuyết phục mấy đêm, cuối cùng Thị Chỉ đành nghe lời.

Triều đình đã tổ chức lễ nạp phi rất long trọng vào ngày 3/12/1917. Hồ Thị Chỉ đã được phong Nhất giai Ân phi, ngôi vị cao nhất trong hàng thê thiếp của nhà vua dưới triều Nguyễn (trừ hai đời Gia Long và Bảo Đại).

Từ đó, Hồ Ân phi luôn xuất hiện bên cạnh vua trong những buổi tiếp tân, yến tiệc với người ngoại quốc. Nhờ vẻ xinh đẹp, hiểu biết rộng rãi, thông thạo tiếng Pháp, lại ăn nói khôn khéo nên bà đã giúp vua Khải Định gây được nhiều cảm tình với khách.

Tuy vậy, đó chỉ là bề mặt của cuộc sống mà vua Khải Định cần thiết. Bên trong hẳn ai cũng đoán ra cái cảnh đồng sàng dị mộng. Vua Khải Định thì bất kham với đàn bà, Ân phi lại luôn bị hình bóng người xưa khuấy động…

Chín năm sống với vua Khải Định, Ân phi chẳng sinh được mụn con nào.

Năm 1925, vua Khải Định qua đời. Cậu bé bốn tuổi thời Ân phi mới vào cung giờ là Đông cung Thái tử Vĩnh Thụy lên kế vị tức vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã làm một cuộc thay đổi lớn về nghi thức nội cung: phong cho mẹ đẻ ngài là Hoàng Thị Cúc làm Đoan Huy Hoàng thái hậu (tức bà Từ Cung). Theo nghi thức cũ thì bà Ân phi Hồ Thị Chỉ chính là mẹ đích của vua Bảo Đại và ở bậc trên của cung nữ Hoàng Thị Cúc – mẹ đẻ vua Bảo Đại. Thế mà nay bà đã bị gạt ra ngoài một cách phũ phàng. Chắc hẳn sự thay bậc đổi ngôi này đã gây xáo trộn tâm tư bà không ít. Bà không được tôn phong, phải về sống ở cung An Định bên bờ sông An Cựu. Về sau bà dời về trú ngụ ở một ngôi biệt thự trên đường Phan Đình Phùng.

Ra khỏi nội cung, Ân phi không còn bận rộn công việc như trước. Càng rảnh rang bà càng dễ dàng thả hồn trôi về quá khứ. Càng hồi tưởng những kỷ niệm xa xưa bà càng thương nhớ vị vua thiếu niên một lòng vì nước vì dân. Ngày kia, trong một lần ghé về thăm thân phụ, tình cờ thấy mấy tờ báo Nam Phong, bà lấy một tờ lật ra xem và hết sức xúc động khi đọc chùm thơ liên hoàn mười bài Khuê Phụ Thán của tác giả Thượng Tân Thị. Bà đã bật khóc khi đọc đến đoạn:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương

Quê người đành gởi thân trăm tuổi

Cuộc thế mong gì nợ bốn phương!

Khi từ giã thân phụ bà đã xin số báo đó đem về. Bà đã nâng niu, giữ gìn nó như một bảo vật, lâu lâu lại đem ra đọc lại.

Có lẽ vì nội tâm chịu đựng quá nhiều áp lực, bà dần trở nên lẩn thẩn. Bà quên đi cả việc chăm sóc cho chính mình. Bà thường ăn mặc lôi thôi, không đoái hoài đến chuyện trang điểm. Nhiều lần bà tự làm bánh bột lọc hoặc bánh nậm đem ra chợ An Cựu bán. Một thời gian sau bà thục sự lâm vào cơn bệnh tâm thần…

(Truyện này viết dựa theo nhiều tài liệu mà tài liệu quan trọng nhất là thiên hồi ký về vua Duy Tân của Sư Bà Diệu Không tức bà Hồ Thị Hạnh, em gái của nhân vật chính Hồ Thị Chỉ trong truyện. NVT).

Ngô Viết Trọng

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.
Links: Nguồn Email.


Những người muôn năm cũ – FB Sài Gòn Xưa

 Bài đọc suy gẫm: Những người muôn năm cũ là tựa thay cho tập hồ sơ quý hiếm: An táng hai Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu của nền Đệ nhất VNCH bị người Mỹ bức tử năm 1963.

– Những điều chưa biết về Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưa

Nghĩa trang rộng khoảng 7,5 hecta và được coi là nơi an nghỉ của giới ‘quý tộc’ Sài Gòn trước khi thành phố đổi tên, nơi đây nhiều nhân vật nổi tiếng một thời như Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đại tướng Lê Văn Tỵ “đã từng” yên nghỉ, tôi dùng chữ “đã từng” vì tưởng như thế là yên thân với ‘mồ yên mả đẹp’ nhưng có ai ngờ lại phải bốc mộ đi dời để biến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi thành công viên Lê Văn Tám ngày nay.

Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, còn được gọi qua tên Đất thánh Tây, là một khu đất bao bọc bởi bức tường vôi màu vàng cũ kỹ nằm ngay giữa trung tâm sầm uất của Sài Gòn xưa. Vì là nghĩa trang của giới quý tộc nên một khoảnh đất nhỏ trong Mạc Đĩnh Chi có giá bằng cả một gia tài của một người sống giữa đất Sài Gòn.

Mộ bia tại đây thường là những tấm đá cẩm thạch, đá hoa cương bóng lộn với dòng chữ R.I.P (rest in peace), có những câu đậm mùi triết lý “Hãy nhớ mình là cát bụi và sẽ trở về với cát bụi” hoặc “Người sẽ chết tưởng nhớ người đã chết”… Nghĩa tử là nghĩa tận, ‘người sẽ chết’ đã lo cho ‘người đã chết’ bằng những mộ phần hào nhoáng

Sau khi bị lực lượng đảo chính giết vào tháng 11/1963, hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Áo quan của ông hình hộp, áo quan của ông Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích, người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu.

Mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt, chỉ có tấm đan bê tông đặt bên trên cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm cho đến 1975, hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề những ngôi mộ kiên cố, những kẻ cơ hội quay lưng với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân cũng ngại đến thăm viếng vì sợ chính quyền thời đó dòm ngó. Năm 1964, bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của hai ông mất, đám tang thậm chí còn không người đưa tiễn!

Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín) rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do va đập.

Trong thời gian di dời, có một người phụ nữ tên là Hạnh từ Huế vào, xưng là cháu, nhận thi hài hai ông Diệm-Nhu và được đem đi cải táng tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương). Mộ ông Ngô Đình Cẩn (được chôn tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965), và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân cũng được quy tụ về Lái thiêu.

Trong khu đất rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Luxia Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên nhưng trên bia chỉ khắc Gioan Baotixita Huynh (ông anh) và Giacobe Đệ (ông em). Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn, trên bia có khắc Jean Baptiste Cẩn.

Tại Mạc Đĩnh Chi, ngoài mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu còn có mộ thân phụ của các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, một số tướng lĩnh cao nhất, dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cùng hàng nghìn nhân vật tên tuổi trong chính quyền. Trước năm 1975, một số người vì muốn thân nhân đã khuất được danh giá, bản thân được chút tiếng tăm, phải cố chạy chọt giành lấy một khoảnh đất trong Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links: Face book Sài Gòn Xưa.


Đại Thanh Trừng – Trúc Giang MN

Bài đọc suy gẫm: Đại Thanh Trừng nói về Những cuộc thanh trừng đẫm máu trong các đảng công sản trong thế kỷ 20, tác giả Trúc Giang MN. Hình ảnh có tính minh họa.

1*. Mở bài

Mục đích tối hậu của người làm chính trị là nắm lấy quyền lực. Ở những nước dân chủ thì quyền lực được nhân dân trao cho một cách hợp pháp, có giới hạn bằng những nhiệm kỳ, qua những cuộc bầu cử công bằng. Đó là sinh hoạt của xã hội văn minh.

Trái lại, bọn lưu manh thì dùng thủ đoạn và bạo lực để cướp chính quyền. Khi đã nắm được chính quyền rồi, thì dùng những thủ đoạn gian manh, lừa bịp để bảo vệ và duy trì quyền lực.

Mao Trạch Đông đã nói: “Súng đẻ ra chính quyền”.

Lịch sử của các đảng Cộng sản là lịch sử của những cuộc thanh trừng dã man, tàn bạo, điển hình là đảng CS Liên Xô, Trung Cộng và cả đảng CSVN nữa.

Tại sao các đồng chí lại phải thanh trừng lẫn nhau?

Lý do giản dị là, các đảng Cộng Sản (CS) là những tổ chức độc tài, không những độc tài với nhân dân, mà còn độc tài trong nội bộ đảng nữa. Không có dân chủ thì sinh ra tranh chấp. Tranh chấp sinh ra bè phái, phe nhóm. Sức mạnh là yếu tố chiến thắng trong mọi tranh chấp. Dùng sức mạnh để cai trị.

Vì nạn bè phái, phe nhóm, cho nên những cuộc thanh trừng thường kéo theo rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, và cuộc thanh trừng được tổ chức bằng những chiến dịch hoặc được gọi là cuộc cách mạng.

Triệt hạ đối thủ chính trị bằng nhiều hình thức như đấu tố, bắt bớ giam cầm, ám sát, thủ tiêu, cô lập, quản chế…

2* Cuộc thanh trừng trong đảng Cộng Sản Liên Xô

2.1. Diễn tiến Đại Thanh Trừng

https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcSeKZTJwHDcDdfGu7lmRjNj4F37fLbKB1vTUFBXQ4VI2wepk_dm
https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTmbMnZVg0IFyrnVzk4U9_o2LfIo6Gq1JCBZBFGw8zcVwkY61Er

Đại Thanh Trừng là một chiến dịch thanh trừng đẫm máu diễn ra ở Liên Xô dưới sự chỉ đạo của Joseph Stalin vào thập niên 1930. Đó là một cuộc thanh trừng đẫm máu, tàn sát những người chống đối tư tưởng và chế độ của Stalin. Nạn nhân là những đảng viên cao cấp trong đảng Bolshevik (Đảng Cộng Sản Liên Xô). Nổi tiếng nhất là Leon Trotsky, bị tống ra khỏi đảng năm 1927, bị đày tới Kazakhstan năm 1928 và sau đó bị trục xuất ra khỏi Liên Xô năm 1929. Sau cùng, Stalin cho người ám sát Trotsky tại Mexico năm 1940.

Stalin đã hủy hoại về mặt tinh thần và thể xác những đối thủ chính trị, ngay cả những người từng là thân cận. Có đến hàng triệu người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bách (Gulag), bị giết, như con trai của Trotsky là Lev Sedov.

https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQuz-lRqHhvgbI1dCIhvfqsOB60ZMmgbOL1DPpKYfxTcVVbwET4
https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQzm4tnkIlDVldzaHiXd4agOswbUT7H20EqGV84X9qSi_04SjBzRQ
Gulag- Lịch sử trại cải tạo lao động Xôviết- Phần 2 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trại lao động khổ sai Gulag

Hai năm 1936, 1937 là thời gian kinh hoàng nhất đã bao trùm trên Liên Xô, gọi là “Nỗi khiếp sợ vĩ đại”.

Chính tay Stalin đã ký 40,000 giấy cho phép xử bắn những người tình nghi là đối thủ chính trị của ông ta. Ngoài ra, hàng loạt người bị bắt giữ, tra tấn và hành quyết mà không cần toà án.

Theo tài liêu được giải mật, chỉ riêng 2 năm 1937, 1938 đã có 681,692 người bị xử bắn. Các nhà sử học cho rằng con số nầy đã bị nhà nước Liên Xô giảm xuống. Thật ra, con số thật sự khoảng 1,548,367 người bị xử bắn. Tính ra, trung bình có hơn 1,000 người bị giết mỗi ngày.

Hàng triệu người được chuyển tới những trại lao động cưỡng bách.

Trong các cuộc điều tra của Bộ An Ninh thì có:

– 1,710,000 người bị bắt giữ.

– Có ít nhất là 2,000,000 người bị kết vào những tội dân sự.

2.2. Tới lượt Joseph Stalin bị thanh trừng

Tên Nga là Iosif Vissarionovich Stalin, sinh ngày 18-12-1878. Quân hàm Đại nguyên soái, Tổng tư lịnh Quân Đội Liên Xô.

Ngày 1-3-1953, sau khi ăn tối với Bộ trưởng Nội vụ là Beria (Giám đốc KGB) và 3 ứng viên có khả năng làm thủ tướng tương lai, là Georgi M. Malenkov, Nikolai A. Bulganin và Nikita S. Khrushchev, ở Moskva, thì Stalin bị ngã quỵ trong phòng rồi nằm liệt giường. Đám cận vệ lấy làm lạ là không thấy ông thức dậy vào buổi sáng hôm sau, nhưng họ có lịnh của Beria là không được quấy rầy Stalin, cho nên đến tối hôm đó, mới phát hiện Stalin đã chết.

Có nguồn tin cho rằng Beria đã đầu độc Stalin để chiếm đoạt chức vụ. Và Beria là người thay thế Stalin liền ngay sau đó.

Stalin được tuyên bố là đã qua đời vào ngày 5-3-1953 (74 tuổi). Thi hài được giữ trong Lăng Lênin cho mãi tới ngày 31-10-1961 thì mới bị mang ra khỏi Lăng và chôn bên cạnh tường của Điện Kremlin.

2.3. Beria, tên đao phủ của Stalin

http://i50.tinypic.com/22z28n.jpg
https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTqeubi2IA7-j1ShwbsGY-nIm--0UxhjX0141ElS0yDFKFRtjoA2g

Lavrentiy Pavlovich Beria

Lavrentiy Pavlovich Beria (29-3-1899 – 23-12-1953) là đại tướng 4 sao, trùm mật vụ KGB, tên đồ tể thi hành những vụ bắt bớ giam cầm, ám sát và thủ tiêu những đối thủ chính trị của Stalin.

15 thành viên của chính quyền Bolshevik đầu tiên, ngoại trừ Stalin, thì 14 người còn lại đã bị Beria xử bắn 10 người, và thủ tiêu 4 người. Beria cũng ra lịnh cho Ramon Mercader ám sát Trotsky tại Mexico ngày 20-8-1940.

Beria tiến hành thanh trừng trong quân đội.

– 3 trong 5 Nguyên soái bị tử hình.

– 3 trong 5 Tổng tư lịnh Quân Đoàn bị tử hình.

– 10 Phó tổng tư lịnh QĐ bị tử hình

– 57 trong 85 Tư lịnh Quân đoàn bị tử hình

– 110 trong 195 tư lịnh sư đoàn bị tử hình.

Beria, Giám đốc KGB, có thể bắt giữ và giết chết bất cứ ai, thường bắt gái đẹp ngoài phố đưa về văn phòng hãm hiếp.

Sau khi Stalin chết, Beria lên thay thế nhưng liền sau đó bị nhóm của Nikita Khrushchev, gồm Molotov và Malenkov bắt giam cùng với bè đảng hàng chục người.

Một toà án đặc biệt do nguyên soái Ivan Konev lãnh đạo, đã bí mật xét xử từ ngày 16 đến 23-12-1953. Khi quyết định của toà án đưa ra thì Beria đã bị xử bắn tại phòng giam của cơ quan Phòng không. Có nghĩa là, Beria đã bị giết chết trước khi toà án được thành lập.

Stalin đã tạo ra chính sách Tôn sùng cá nhân để tự tôn sùng mình. Nhiều nhà báo cho rằng Stalin tàn bạo hơn Hitler, ở chỗ Stalin tàn sát đồng bào của hắn bằng chính sách khủng bố nhà nước.

2.4. Đảng Cộng Sản Việt Nam “nâng bi” Stalin

Stalin là tên đồ tể của đảng CS Liên Xô (Bolshevik). Các khuôn mẫu về tàn sát đồng bào của Stalin đã được thi hành rập khuôn bởi những tên đồ tễ như Mao Trạch Đông, Pol Pot và cả Hồ Chí Minh nữa.

Sự thật còn chứng cớ ràng ràng không thể chối cãi được.

Tại Đại Hội II ở Việt Bắc vào tháng 2 năm 1951, Hồ Chí Minh lên tiếng hỏi: “Các cô các chú có biết vì sao ta đổi tên đảng Lao Động thành đảng Cộng Sản không?”. Cả hội trường đồng thanh đáp vang “Dạ không ạ!” Ông Hồ nghiêm nghị nói: “Bác đã xin ý kiến các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông rồi. Các cô các chú nên biết rằng, ai đó có thể sai, chứ hai vị lãnh tụ nầy của chúng ta không bao giờ phạm sai lầm, bác có thể bảo đảm chắc chắn như thế”. (Hồ Chí Minh)

Bức thơ Hồ Chí Minh gởi cho Stalin

Đồng chí I.V. Stalin thân  mến

Tôi gửi đồng chí chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Dự án chương trình do tôi soạn thảo, với sự hỗ trợ của đồng chí Liu Shao-qi và [đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô từ 1949-1951 Wang Jiaxang].

Mong đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.

Gửi đồng chí lời chào cộng sản.

Hồ Chí Minh

31/10/1952

Hồ Chí Minh xin chỉ thị của tên đồ tể Stalin về việc giết đồng bào trong Cải Cách Ruông Đất.

Tố Hữu ca ngợi Stalin như sau:

https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRtHbGyLe5SV-sk2wswrsDmfxfqjOsdrA66JmSicCdCPtep5QFO

Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng lúa tốt thuế mau xong

Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt

….

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh

Ông Xít ta lin bên cạnh nhi đồng

Áo ông “thấm đỏ máu hồng” (Áo ông trắng giữa mây hồng)

Mắt ông hiền hậu, miệng ông mĩm cười.

…….

Ông Xit ta lin! ông Xít ta lin!

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương ông thương mười!” (Tố Hữu)

Thật là nâng bi trâng tráo quá cở thợ mộc. Nâng bi tập thể, nâng bi có kế hoạch. Nâng bi tội ác! Vậy ai là tay sai đế quốc đây?

Ngày 30-10-2009, Tổng thống Nga Dmitry Atolyevich Medvedev đã viết trên trang Blog của ông như sau:

“Hàng triệu người đã chết vì khủng bố do những cáo buộc dối trá. Không có sự phát triển nào gọi là thành công, bằng cái giá của hàng triệu sinh mạng của đồng bào mình. Không gì có thể đặt trên sự sống của con người cả. Hành động giết hàng loạt nhân dân mình của Stalin, không có lời giải thích nào thoả đáng cả”.

Trong một bài diễn văn có tên là “Bài diễn văn bí mật” được đọc vào lúc nửa đêm ngày 5-3-1956, Khrushchev đã tố cáo tội ác của Stalin: Tôn sùng cá nhân, vi phạm nội quy đảng về lãnh đạo tập thể, là một kẻ sát nhân và tra tấn (Murderer, Torture), chụp mủ giết hại đảng viên lão thành Bolshevik.

Kết quả, hạ bệ Stalin. Mang xác Stalin ra khỏi Lăng Lênin.

Hari Ini dalam Sejarah: Jasad Stalin Dipindahkan dari Makam Lenin Halaman  all - Kompas.com
Pho tượng đồng khổng lồ nhà độc tài Stalin với chiều cao 18m bị nhân dân Hungary lật đổ trong cuộc cách mạng dân chủ mùa thu năm 1956. Budapest, ngày 23-10-1956 - Ảnh tư liệu

3*. Thanh trừng trong đảng Cộng sản Trung Quốc

MAO TRẠCH ĐÔNG – Vạch Trần 7 Tội Lỗi Lớn Nhất Lịch Sử Trung Quốc Sau 39  Ngày Ông Mất - YouTube

3.1. Mao Trạch Đông xung đột với Lưu Thiếu Kỳ

Liệu Rằng MAO Chủ Tịch Có Phải Là Người Đứng Sau Tiễn Lưu Thiếu Kỳ Về Trời?  - YouTube
Lưu Thiếu Kỳ – Phan Ba's Blog

Lưu Thiếu Kỳ

Thất bại của “Đai Nhảy Vọt”

Mao Trạch Đông muốn nhảy từ nông nghiệp lạc hậu thẳng lên công nghiệp để trở thành một siêu cường quốc giàu nhất, mạnh nhất thế giới trong vòng 10 năm.

Sáng kiến xây dựng lò cao luyện thép ở sân nhà của nông dân. Thế là đã có trên một triệu lò cao được xây dựng.

Phát động chiến dịch thi đua đi tìm “quặng”. Già trẻ bé lớn đều phải tham gia. Đinh vít, dao búa, bản lề, cuốc xẻng và ngay cả kẹp tóc, kim khâu cũng bị thu nhặt đưa vào lò.

Khẩu hiệu ” một cục sắt là một tên đế quốc bị tiêu diệt”. Nông dân bỏ mùa màng, hoa màu không ai gặt, vào thi đua luyện thép.

Thiếu than đốt lò. Cột nhà, mái rạ, bàn ghế, cây cối trong vườn, ngoài rừng ra tro hết.

Thu được một triệu tấn kim loại, nhưng phân nửa là vô dụng.

Thất bại là do cái tối tâm dốt nát của một nông dân thất học Mao Trạch Đông mà ra.

Bành Đức Hoài lớn tiếng chỉ trích. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình thì làm ngược lại những nguyên tắc của Mao. Thế là mâu thuẩn phát sinh, đưa đến thanh trừng.

Lưu Thiếu Kỳ thì bị loại trừ ra khỏi đảng, bỏ tù và hành hạ cho đến chết. Vợ của Lưu Thiếu Kỳ là Vương Quang Mỹ, bị Giang Thanh sai Hồng Vệ Binh đem ra đấu tố ngoài đường phố.

Buộc Vương phải mặc váy dơ bẩn, cổ mang vòng hạt ngọc giả làm bằng nhựa, to bằng quả bóng bàn. Bọn sinh viên Hồng Vệ Binh đánh đập, đá, bắt phải quỳ, cúi đầu xuống, nhưng Vương vẫn ngẩng đầu lên và đứng dậy.

Mao Trạch Đông dở trò độc ác, tách riêng vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ (LTK) ra mỗi người một nơi để đấu tố, tránh trường hợp Lưu phát biểu, tố cáo tội ác của Mao trước công chúng.

Hàng trăm người liên hệ xa gần với vợ chồng LTK đều bị bắt giữ, tra tấn, đe dọa, mớm cung, bịa chuyện để bắt tội LTK.

Vương Quang Mỹ, vợ của LTK bị giam 12 năm và sau đó bà chết lặng lẽ ngày 13-10-2006.

cif7x6-20161001-bi-kich-cuoi-doi-cua-tuong-banh-duc-hoai-nguoi-dam-lam-phat-y-mao-trach-dong
Bành Đức Hoài – Wikipedia tiếng Việt

Bành Đức Hoài

Bành Đức Hoài cũng vậy, bị giam cho đến chết trong tù năm 1976. Số của Bành Đức Hoài (BĐH) rất bi đát. Bị quản chế ở vùng núi Tứ Xuyên năm 1957. Năm 1961 được cho về thăm quê nhà ở Hồ Nam. Năm 1966, Mao sai một viên tướng đi giải BĐH về Bắc Kinh. Viên tướng cảm phục và xin tha tội cho Bành, thì bị Mao bỏ tù luôn.

Mao cho thuộc hạ, hành hạ Bành Đức Hoài một cách tàn nhẫn. Đánh đập bằng gậy, mang giày da đá và đạp làm cho Bành bị gãy 2 xương sườn, chết đi sống lại. Bị hỏi cung 260 lần để tìm người cùng phe nhóm. BĐH ở tù 15 năm, chết được chôn dưới một bí danh. Sau khi Mao chết, ngày chết của BĐH mới được các cháu chắt biết ngày làm giỗ. Bành Đức Hoài chết chỉ vì dám phê bình Mao Trạch Đông.

3.2. Mao Trạch Đông giết Lâm Bưu

Lâm Bưu không biết giữ trái tim phụ nữ - VietNamNet

Lâm Bưu và vợ

Lâm Bưu là thuộc cấp của Bành Đức Hoài, lừa thầy phản bạn, được Mao cho Lâm Bưu thay thế BĐH ở chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, rồi làm Phó chủ tịch đảng, là nhân vật số hai, và được chọn làm người kế vị Mao. Lâm Bưu là “Kiến trúc sư” của cuộc Cách mạng Văn hoá.

Mao còn cho vợ của Lâm Bưu (LB) vào Bộ Chính Trị. Bà nầy không có tài, mà còn nổi tiếng là đa dâm. Ở Nga, là bồ bịch với nhiều sĩ quan Nga, về nước thì quan hệ tình dục buông thả, vì Lâm Bưu bất lực, tạng yếu, sợ nước, sợ gió và tiếng động. Mật vụ của Mao còn ghi âm những cuộc trao đổi tình ái mùi mẫn trên điện thoại với viên Tổng tham mưu trưởng họ Hoàng.

Lòng tham quyền lực của Lâm Bưu không có giới hạn. LB muốn nắm lấy cái ghế Chủ tịch nước, thay thế Lưu Thiếu Kỳ. Trái lại, Mao Trạch Đông thì muốn bãi bỏ chức vụ đó, vì muốn trong nước chỉ có một chủ tịch, là chủ tịch đảng của Mao mà thôi.

Âm mưu bị phát hiện. Mao là người nham hiểm, ra tay triệt hạ những thủ hạ thân cận của LB. LB biết không chống lại nổi Mao, cho nên có ý định đưa vợ con chạy trốn.

Kế hoạch đã vạch ra nhưng chưa biết sẽ chạy trốn ở đâu, Hồng Kông, Nga, hay Đài Loan. Lâm Bưu, vợ là Diệp Quần và con trai là Lâm Lập Quả, có bí danh là Hổ.

Lâm Lập Quả đã thiết lập một tổ chức bí mật trong Bộ Tham mưu Không quân. Tổ chức gián điệp nầy bao gồm nhiều đơn vị, với những mật danh như “Hạm Đội Liên Hợp”, “Nhóm Nhỏ Thượng Hải”, “Tiểu Đoàn Hướng Dẫn”, hoạt động bí mật nhằm cướp đoạt quyền hành từ tay Mao Trạch Đông.

Lâm Lập Quả âm mưu ám sát Mao nhưng không thực hiện được.

Một sai lầm lớn của Hổ là viết thơ cho chị là Lâm Lập Hành, (Còn có tên là Lâm Đậu Đậu) bảo về nhà gấp để sáng sớm hôm sau cả nhà lên đường chạy trốn.

Nhưng người chị ruột nầy là người mê muội, bị nhồi sọ, và là 1 người rất tích cực trong Cách mạng Văn Hoá, cho rằng chạy ra nước ngoài là một hành vi phản bội tổ quốc, cho nên đã mật báo với lực lượng bảo vệ. Tin tức nầy được thông báo ngay cho Chu Ân Lai, và Chu ra lịnh kiểm soát vị trí của tất cả những phi cơ, nhất là chiếc Trident mà Lâm Bưu thường dùng.

Lâm Lập Quả (Hổ) được bạn bè báo tin về lịnh kiểm soát của Chu Ân Lai, cho nên phải chạy trốn ngay.

Lúc 23 giờ 50 ngày 13-9-1971, xe chở gia đình Lâm Bưu vào sân bay, nhưng xe không dừng ở trạm kiểm soát, mà chạy vượt qua cổng, làm cho viên quản lý thường đưa LB ra phi trường, biết rằng có việc chạy trốn, nên hô hoán lên, và nhảy ra khỏi xe. Có vài tiếng súng nổ.

Chiếc Trident đang đổ xăng mới có 12 tấn rưởi, nhưng phải cất cánh ngay. Phi hành đoàn 9 người nhưng chỉ còn có 4. Lại thêm một người bạn của Hổ trên chuyến bay.

2 giờ sau, phi cơ đến Ngoại Mông, trên đường qua Liên Xô, thì kim báo nhiên liệu sắp hết và bị nổ tung lúc 2 giờ 30 ngày 13-9-1971. Không ai sống sót. Nguồn tin cho rằng phi cơ bị hoả tiển bắn hạ.

3.3. Mao Trạch Đông hạ bệ Đặng Tiểu Bình

Đặng Tiểu Bình trong CT Biên giới 1979: "Việt Nam là c.ô.n đồ, phải dạy cho  Việt Nam bài học”

Năm 1966.

Đặng Tiểu Bình (ĐTB) theo phe Lưu Thiếu Kỳ. Trong Cách mạng Văn Hoá, ĐTB bị cách hết các chức vụ. Từ năm 1969 đến 1972, vợ chồng ĐTB bị đưa về quản chế ở Giang Tây. Con cái tất cả đều bị đưa đi trại cải tạo.

Năm 1973.

Ngày 20-3-1973, ĐTB được phục hồi công tác, trở về Trung Nam Hải (Bắc Kinh). Giữ chức Phó chủ tịch đảng, phó thủ tướng cho Chu Ân Lai vì Chu Ân Lai làm ăn bết bát quá về kinh tế.

Năm 1976.

Sau khi Chu Ân Lai mất, Mao Trạch Đông lại cách chức ĐTB, chỉ còn danh hiệu đảng viên, và còn hộ khẩu ở Bắc Kinh. Bị quản chế 3 tháng.

Tháng 6 năm 1976

Mao Trạch Đông chết ngày 9-9-1976.

Sau khi “Bè Lũ Bốn Tên” bị lật đổ, bốn tên gồm: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diệu Văn Nguyên và Vương Hồng Vân. Bè lũ 4 tên chủ trương và thực hiện cuộc Cách mạng Văn hóa.

Đặng Tiểu Bình lại được phục hồi chức vụ.

Cách Mạng Văn Hoá Vô Sản đã tàn sát gần 10 triệu người, chỉ là để thanh trừng phe nhóm Lưu Thiếu Kỳ, sau khi Mao Trạch Đông bị mất uy tín do thất bại của Bước Đại Nhảy Vọt.

Lưu Thiếu Kỳ đã yêu cầu Mao hãy chấm dứt cuộc CMVH, đừng trừng phạt ai nữa, nếu cần, thì hãy trừng phạt Lưu nầy mà thôi.

Qua cuộc Cách Mạng Văn Hoá, Mao Trạch Đông đã đạt được mục đích là cũng cố và duy trì quyền lực.

Nhìn lại sự kiện bi thảm nầy, không có một tí gì gọi là cách mạng cả, mà cực kỳ phản văn hoá, vô nhân đạo, và còn đày đoạ đến tận cùng giai cấp nghèo khổ, vô sản.

Đối với người Việt Nam, thì hầu như nhà nào ở miền Bắc cũng phải trao hình của Mao Trạch Đông và Stalin cả. Biết bao nhiêu bài thơ ca ngợi Mao của Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư…nào là: Mao Trạch Đông là mặt trời, là cứu tinh, là ngôi sao sáng nhất, là cây đại thọ, là ngọn hải đăng, là Ông hiền từ, là Bác Nhân ái, là vị lãnh tụ anh minh…

Những lời của Mao được xem là chân lý vĩnh cữu.

4* Những vụ thanh trừng trong đảng Cộng Sản Việt Nam

Hồ Chí Minh “đi dây”, giữ thăng bằng đối với hai nước Cộng Sản đàn anh là Liên Xô và Trung Cộng.

-Thời 1930, theo Đệ Tam quốc tế, tức là Liên Xô.

-Thời 1963, Lê Duẩn. Lê Đức Thọ chống chủ nghĩa Xét Lại của Nikia Khruchchev, chống Liên Xô, theo Mao Trạch Đông.

-Thời 1975, theo Liên Xô chống Trung Cộng. Năm 1978 đuổi 250,000 người Hoa về Trung Cộng, và tổ chức vượt biên bán chính thức bằng tàu, gây ra “Nạn Kiều”. Dẫn đến chiến tranh biên giới (17-2-1979 – 16-3-1979).

-Thời 1990, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đến Thành Đô, Tứ Xuyên, xin Giang Trạch Dân cho Việt Nam được làm một khu sắc tộc tự trị, trực thuộc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh như Mãn, Tạng, Hồi, Mông…Từ đó có cờ 6 ngôi sao.

Cứ mỗi lần thay đổi 180 độ giữa Trung Cộng và Liên Xô, thì phe nào mạnh, đàn áp, thanh trừng phe yếu dưới nhiều hình thức. Bắt giam không xét xử, khai trừ ra khỏi Đảng, cô lập, giết nhau dưới nhiều hình thức.

4.1. Nguyên do Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp bị hạ bệ và bị tước hết quyền lực.

Bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tạp chí TIME ra ngày 13/4/1998
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, thọ 103 tuổi

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp

1). Chủ nghĩa Xét lại của Nikita Khruchchev.

Năm 1953, Nikita Khruchchev được bầu vào chức vụ lãnh đạo Liên Xô. Ông chủ trương “Sống chung hòa bình” giữa chế độ Cộng Sản và Tư Bản, đứng đầu là Hoa Kỳ. Mao Trạch Đông của Trung Cộng phản đối quyết liệt. Lên án đó là Chủ nghĩa Xét Lại. Họ Mao chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang quyết liệt, không nhân nhượng để tiêu diệt chế độ Tư Bản.

Thế là Cộng Sản thế giới chia làm hai phe. Một phe chủ hòa theo Liên Xô, và phe chủ chiến theo Mao Trạch Đông.

2). “Vụ án Xét lại Chống Đảng” năm 1967 trong đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tên chính thức của vụ án là “Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại, và làm tình báo cho nước ngoài”. Vụ án mang mã số X77, do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo. Đưa đến việc bắt giữ không xét xử nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao động và Nhà Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ năm 1967, với cáo buộc những người nầy đi theo Chủ nghĩa Xét lại và làm gián điệp cho ngoại quốc. Vì gián điệp trong Sứ quán Liên Xô can thiệp, bảo vệ Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh.

Nhận xét về vai trò của Lê Đức Thọ.

…”Nó nắm toàn quyền sinh sát, giải giới bất cứ thành viên nào trong Đảng và chính phủ…” “…Nó vượt trội tất cả các loại mafia ở xứ khác”….”Chúng là những tên mafia được Thọ sáng tạo theo kiểu mới, siêu hơn cả mật vụ”. …”Thọ như con bạch tuộc, có trăm ngàn cái vòi, không chỉ cuộn chặt người trong nước…”. “Tôi còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm rồi !” “Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước: “Đ. M. Tao cũng sợ nó”.

3). Việc thanh trừng trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nội bộ đảng Lao Động (Cộng Sản) cũng chia làm hai nhóm. Nhóm chủ trương “Sống chung hòa bình”, hòa hoãn của Nikita Khruchchev, được gọi nôm na là phe thân Liên Xô. Nhóm theo Mao Trạch Đông, cụ thể là dùng biện pháp vũ trang để đánh chiếm miền Nam Việt Nam.

Phe thân Liên Xô (Nikita Khruchchev) gồm có Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh. Phe nầy không muốn đấu tranh vũ trang đánh chiếm miền Nam, vì làm như thế để Mỹ có cớ nhảy vào miền Nam và cũng có thể nhảy ra Hà Nội.

Phe chủ chiến gồm những người đang lãnh đạo và ủng hộ cuộc chiến đấu gọi là “Giải phóng miền Nam”. Gồm có, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Trần Quốc Hoàn…

Nhà nghiên cứu Sophie Quinn-Judge viết trên một tạp chí Journal of Coldwar History hồi tháng 11 năm 2015 cho biết, trong vụ “Xét lại Chống Đảng” có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp”.

4). Những người bị bắt.

Những người bị bắt giam không xét xử, gồm đa số là cán bộ lão thành, thân Liên Xô, và nhất là những tay chân bộ hạ trung thành với Võ Nguyên Giáp. Gồm có: Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Đại tá Lê Minh Nghĩa, Đại tá Đỗ Đức Kiên, Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Kiên Giang, Minh Tranh, Trần Minh Việt, Phạm Hữu Viết, Phạm Kỳ Vân, Trần Thư, nhà báo Vũ Thư Hiên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn…

5). Những người bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh, Thiếu tướng Đặng Kim Giang, ông Bùi Công Trừng, đều bị khai trừ ra khỏi đảng.

Theo Judith Stowe, thì Võ Nguyên Giáp là đối tượng chính của Chiến dịch « Bài trừ Khuynh hướng Xét lại ». Người anh hùng Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, bị giam lỏng, tay chân bộ hạ trung thành bị đưa vào tù. Còn ông thì được cử vào chức vụ kế hoạch hóa gia đình, nôm na gọi là cai đẻ. Người dân có câu: « Ngày xưa Đại tướng cầm quân, Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em ».

Riêng Hồ Chí Minh thì bị khống chế, cách ly, tước đoạt mọi quyền lực, cho giữ chức vụ Nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mac-Lênin

4.2. Âm mưu tước đoạt quyền lực Hồ Chí Minh của hai tên họ Lê.

News – Vinagéo
About Lê Đức Thọ: Vietnamese diplomat (1911 - 1990) | Biography, Facts,  Career, Wiki, Life

Lê Duẩn Lê Đức Thọ

Âm mưu tước đoạt quyền lực của Hồ Chí Minh. Theo một tài liệu được tiết lộ hồi sau năm 1975, thì Lê Duẩn và Lê Đức Thọ âm mưu tước đoạt quyền lực của Hồ Chí Minh bằng con đường đầu độc, thông qua các bác sĩ trị liệu, rồi căn cứ vào đó gán cho ông Hồ chết vì bệnh nhồi máu cơ tim. Ông Hồ không chết, bịnh nặng nên được đưa sang Trung Quốc chữa trị.

Thế là quyền lực thuộc về tay Lê Duẩn, Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động. Với sự hỗ trợ của hai chức vụ quan trọng là Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, và Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Lê Đức Thọ. Ban Tổ chức Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Đảng. Ban nầy quản lý cán bộ các cấp. Bổ nhiệm vào các chức vụ, thăng chức, thăng cấp bậc, thuyên chuyển, cách chức, khen thưởng, trừng phạt…Tóm lại, Ban nầy có quyền hạn rất lớn.

4.3. Chiến dịch hạ nhục Võ Nguyên Giáp

Đặng Đình Loan

Đặng Đình Loan là bộ hạ của Lê Đức Anh, được giao nhiệm vụ đi thuyết trình từ Bắc tới Nam, mục đích hạ nhục Võ Nguyên Giáp.

Ở Huế, Đặng Đình Loan tiết lộ những điều cơ mật về Võ Nguyên Giáp như sau:

« Võ Nguyên Giáp là con nuôi của trùm mật thám Pháp tên Marty. Giáp tiếm quyền Phùng Đức Kiên trong việc thành lập quân Giải phóng ở Tân Trào.

-« Ở trận Điện Biên Phủ, Giáp sợ chết, cứ nằm lì dưới hầm

suốt, may nhờ có Nguyễn Chí Thanh và Hoàng Văn Thái chỉ huy nên mới thắng lớn, rồi Giáp dành vinh quang cho mình. Giáp có tội theo phe « Xét Lại Chống Đảng » của Khrushchev, và thụt thò làm gián điệp cho Đại sứ Liên Xô Sherbacov. Giáp giỏi tài nịnh bợ ông Hồ.

-“ Sau Hiệp định Giơ Neo Quơ, Giáp cho phục viên 8 vạn quân, đưa 2 vạn ra nông trường. Đó là sai lầm về chiến lược. Khi quân Mỹ đánh, Giáp sợ chết, không dám vào miền Nam vì sợ Hoa Kỳ bỏ bom nguyên tử.

-« Năm 1974, khi làm chiến lược, Giáp làm kế hoạch 4 năm nên bị Lê Duẩn bác bỏ. « Nếu 4 năm thì đừng đánh nữa ! »

-« Giáp bê bối, tằng tịu với vợ của nhà văn Đào Vũ, khi bà đến dạy piano ở nhà riêng. Lẻ ra, Giáp phải bị loại trừ từ lâu, nhưng vì sợ Liên Xô cúp viện trợ, nên loại ra khỏi Bộ Chính Trị năm 1981 ở Đại Hội V. Loại trừ ra khỏi Trung Ương năm 1991 ở Đại Hội VII » (Đặng Đình Loan)

Võ Nguyên Giáp bị hạ nhục, nên nhiều cán bộ cho rằng Võ Nguyên Giáp hèn nhát.

4.4.). Những tướng lãnh thân cận với Võ Nguyên Giáp bị thanh toán

Hoàng Văn Thái Whois

Lê Trọng Tấn Hoàng Văn Thái

Theo lệnh của Lê Đức Thọ, Cục An ninh Bộ Nội Vụ đã cho mật vụ giết Đại Tướng Hoàng Văn Thái vào khoảng 1986, và năm sau lại giết Đại Tướng Lê Trọng Tấn, đồng thời bắt hàng loạt các sĩ quan cao cấp trong Bộ Quốc Phòng, là những người bị cho là trung thành với Võ Nguyên Giáp.

Vụ 7 tướng lãnh cao cấp, thuộc hạ của Võ Nguyên Giáp, trong đó có Thượng tướng Đào Trọng Lịch, bị « chết tai nạn » trong chuyến bay công tác sang Lào.

5*. Lê Duẩn âm mưu sát hại Hồ Chí Minh.

Năm 1967. Khi cần phải có mặt Hồ Chí Minh làm bù nhìn để chủ trì Hội nghị Trung ương 14, và ký tên vào Nghị Quyết của Hội nghị, Lê Duẩn cho máy bay sang Bắc Kinh để rước ông Hồ về Hà Nội. Thời gian được tính toán là máy bay sẽ về Hà Nội vào ban đêm.

Khi máy bay về đến Việt Nam, thì sân bay Nội Bài khi đó là sân bay quân sự, nên máy bay phải đáp xuống sân bay Gia Lâm vào đêm 23-12-1967. Phi công tên Thắng đối chiếu với những vị trí quen thuộc, như tháp điều khiển không lưu, thì thấy hai hàng đèn xác định đường băng đã lệch đi 15 độ. Không thể đáp xuống được, vì chắc chắn máy bay sẽ trượt ra ngoài đường băng, đâm thẳng đến Phố Nổi, gây tai nạn chết người. Phi công liên lạc vô tuyến với tháp điều khiển không lưu, thì không được trả lời, vì hệ thống vô tuyến bị cắt. Phi công Thắng trình bày vụ việc với ông Vũ Kỳ, thư ký của ông Hồ, xin được đáp xuống theo trí nhớ. Được ông Hồ chấp thuận, đáp theo trí nhớ được an toàn. Số mạng của ông Hồ chưa bị Ngọc Hoàng giủ sổ. Có lẽ ông Hồ nhận ra Lê Duẩn âm mưu hạ sát ông. Nếu còn quyền hành trong tay, thì ra lịnh điều tra vụ việc. Thế nhưng không. Im lặng trong tủi nhục.

Ra đón ông Hồ thì chỉ có hai tên họ Lê, và sau đó có Phạm Văn Đồng.

6*. Hồ Chí Minh giết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nguyễn Chí Thanh Đại tướng lội ruộng băng đồng - Đời sống - Việt Giải Trí
Nối thêm chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) Ủy viên Bộ Chính Trị, Chính ủy “Quân Giải Phóng Miền Nam” từ miền Nam về Hà Nội dự Hội nghị Trung ương 14.

Người vợ của Nguyễn Chí Thanh tên Cúc thuật lại: “Chiều hôm đó anh Thanh vào ăn bữa tối với Bác Hồ. Mọi việc đều chuẩn bị sẵn sàng để sáng hôm sau anh về Nam thực hiện Nghị Quyết 14.

Đến nửa đêm, anh Thanh choàng tỉnh dậy và nói: “Anh thấy trong người khó chịu lắm. Có cảm giác như nước chảy ào ào trong người”. Ói ra máu.

Bà Cúc kêu xe cứu cấp đưa Nguyễn Chí Thanh vào bịnh viện. Bà không được cho phép theo xe vào bịnh viện. Sau đó bác sĩ cho biết ông Thanh chết vì bịnh tim. Bà Cúc rất ngạc nhiên, vì chồng bà rất khỏe mạnh, không có triệu chứng nào về bịnh tim cả.

Những điều bất thường. Chiều hôm đó, khu vực Lý Nam Đế mất điện. Một khu vực đầu não của Hà Nội mà mất điện là một điều khó hiểu. Khó hiểu hơn nữa là bà Cúc không cho theo xe đưa chồng vào bịnh viện.

7*. Hồ Chí Minh bị Lê Đức Thọ khống chế.

Trong “Hồi Ký Viết cho Mẹ và Quốc Hội”, ông Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên cao cấp gốc miền Nam, thuật lại việc Lê Đức Thọ khống chế Hồ Chí Minh trong hội nghị Trung Ương 14. Nguyễn Văn Trấn kể lại lời của Bùi Công Trừng nói với ông.

“Với cái giọng “mẹ đời” Bùi Công Trừng nói với tôi:

– Cái thằng Lê Đức Thọ trước giờ họp, nó đi đi lại lại trong phòng, như thể đội truởng một tổ pháo, đi kiểm tra đốc thúc pháo binh chuẩn bị. Thằng Thọ đến Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, thằng Huy…nói nói cái gì đó… Bọn họ nghiêm sắc mặt, gật đầu, và sau đó phát biểu theo ý kiến của hai tên họ Lê.

Mày coi, có tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà day mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá, quay vô đưa tay xin nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc-Hà: “Bác hãy để cho anh em người ta nói đã nào.”

Tao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. (Hết trích)

Cuối cùng, Nghị quyết ra quyết định cuộc “tổng công kích-tổng khởi nghĩa” Mậu thân 1968 ở 44 tỉnh, thành miền Nam Việt Nam.

8*. Kết luận

Người làm chính trị lúc nào cũng muốn nắm lấy quyền lực. Ở các nước dân chủ, quyền lực được người dân trao cho, qua những cuộc bầu cử, có thời hạn, từng nhiệm kỳ.

Trái lại, ở một số nước, những kẻ ma giáo, bất lương lập bè đảng, cướp lấy chính quyền rồi củng cố quyền lực bằng chế độ độc tài. Độc tài sinh ra mọi tội ác, như tham nhũng, tranh giành quyền lực bằng những thủ đoạn nham hiểm, tàn bạo.

Chế độ Cộng Sản Việt Nam là một bằng chứng cụ thể trong lịch sử Việt Nam.

Trúc Giang MN

Minnesota ngày 9-2-2022

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links: https://tiinz.com/2022/02/10/nhung-cuoc-thanh-trung-dam-mau-trong-cac-dang-cong-san/


Niềm Suy Nghĩ Bay Cao … – Mũ đỏ Trương văn Út

Bài đọc suy gẫm: Niềm Suy Nghĩ Bay Cao hay “Chữ Tín” của tác giả Mũ đỏ Trương văn Út, hồi ký của một sĩ quan Nhảy Dù – QLVNCH sau 30-4-1975 vượt thoát ngục tù cộng sản, vượt biên qua những giao tình, với những người Việt gốc Hoa. Hình ảnh chỉ là minh họa.

CHỮ “TÍN”

Mũ Đỏ Trương văn Út, danh hiệu truyền tin Út Bạch Lan.

LTS: Cựu Đại Úy Trương văn Út, cựu SVSQ Khoá 22/TVBQGVN. Ông là ĐĐT Đại đội 5, Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù/ Lực Lượng Đặc Biệt.

Sau ÐÐ5 Biệt Cách Nhẩy Dù cải tuyển thành Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù/SĐND, được các cựu SVSQ/Khoá 22/TVB Quốc Gia VN gọi là “Lão Ngoan Đồng”. Ông vượt thoát khỏi trại tù CS (Long Giao). Mấy năm trời sống lanh quanh thành phố Saigon, trước khi vượt biên (1982) đến trại tị nạn Mã Lai. Ông hiện định cư tại Houston, Texas .

***

Tôi chỉ có một bà chị dâu duy nhất. Chị kết hôn với người anh thứ ba của chúng tôi nên tôi gọi là Chị Ba. Tên của chị là Trần Sâu Lầy. Nghe qua cái tên thì biết ngay Chị là người Việt gốc Hoa. Chị sinh quán ở xã Cây Dừa, Quận Cai Lậy, Mỹ Tho, xuất thân Sư Phạm Sài Gòn, làm cô giáo ngay tại nơi sinh trưởng của mình.

Anh của tôi là Trương văn Nhì (Khoá 15 Võ Bị Đà Lạt (VBĐL) phục vụ tại Trung Đoàn 12/ SĐ 7 Bộ Binh…

Theo lời kể, gia đình ông sở ông sơ của chị, thuộc dòng dõi Minh Hương bên Tàu, chạy tỵ nạn nhà Thanh sang lập nghiệp ở Cà Mau cùng thời với Mạc Thiên Tứ, Mạc Cữu….Cho đến đời Ông Cố, ông Nội vẫn còn ôm giấc mộng “Phản Thanh Phục Minh”…và đến đời thân phụ thì di chuyển về Cây Dừa, tỉnh Cai Lậy và chị được sinh ra nơi đây…

-Năm 1975… Anh của tôi đi tù caỉ tạo CS. Chị bị cho nghĩ việc vì vợ sĩ quan “Ngụy”… Chị chuyển sang nghề may vá, tần tảo nuôi ba đứa con còn nhỏ dại.

Khi tôi trốn ra khỏi trại tù CS ở Long Giao (1976), thỉnh thỏang lén lút ghé thăm Chị. Chị lúc ấy gầy rọp thân thể, lưng còm xuống, già lão trông giống như người đàn bà năm sáu mươi tuổi, mặc dù lúc ấy chị mới khoảng 26, 27 tuổi.

Ấy, vậy mà cứ sáu tháng một lần Chị phải gánh hai bao bố thức ăn khô, thuốc men, từ Sài Gòn ra đến trại Vỉnh Phú (miền Bắc) thăm nuôi Anh tôi trong tù.

Năm 1987… Mười hai năm sau, anh được thả ra. Chị đã chuẩn bị sẵn cho Anh để vượt biên bằng đường biển, qua sự trung gian của gia đình người Hoa mà chị thân thích. Không may, Anh lại bị bắt và bị giam ở Mõ Cày (Bến Tre) chịu đựng ba năm khổ sai…

Sau đó, được tạm tha, trở về gia đình, sống trong bàn tay buôn tần bán tảo của Chị. Vợ chồng đạm bạc bên nhau, cho đến ngày cả gia đình được sang Mỹ với diện HO-5…

Ngày nay, gia đình anh chị tôi, đã ổn định. Con cái đã thành thân và thành nhân với một đàn cháu nội ngọai đề huề…Có lần tôi hỏi Chị

-Bí quyết nào giúp cho Chị vượt qua tất cả gian nan để có ngày nay?

Chị cười và nói:

-Có gì đâu! Chị có 9 đồng, chị cố kiếm thêm 1 đồng để đủ 10 đồng, rồi Chị dấu đi để phòng khi hữu sự. Còn tụi Em có 9 đồng, đi vay thêm một đồng để chén thù chén tạc với bạn bè. Tiền vất qua cửa sổ, chẳng bao giờ chạy ngược trở vào….

Đó là triết lý sống của người chị dâu gốc Hoa của tôi..

Năm 1979… Ngược giòng thời gian…

Tôi ghé thăm Chị, khi anh tôi còn đang ở trại tù ngoài Yên Bái. Tôi sống lang thang không nhà không cửa, ngoài vòng pháp luật, vì đã trốn ra khỏi tù. Nhờ chị giới thiệu tôi với một gia đình người Hoa trong Chợ Lớn và tôi có việc làm “chui “…

Mỗi sáng lúc 5 giờ, đạp xe đạp đến chỗ hẹn, nhận 3 cây vải sa-ten đen, chở lên Cầu Tre ( Phú Lâm) giao cho người nhận là một xưởng nhuộm lậu. Sa-ten là một lọai lụa, dùng để may quần cho đàn bà.

Buổi chiều lúc 3 giờ, trở lại nhận 3 cây sa-ten trắng đem về giao lại cho Chủ. Cứ mỗi chuyến ” giao hàng ” như vậy, Chủ trả cho 25 đồng tiền mới (tiền cụ Hồ – mỗi 500 đồng của VNCH đổi ra 1 đồng tiền Hồ).Thôi, cũng độ nhật qua ngày…

Ông Chủ trạc 60 tuổi, Tôi gọi là chú Quảnh, người Em của ông, là chú Xồi…Tôi không biết gia đình này có bao nhiêu người, nhưng hai anh em họ sống chung với nhau trong căn phố ba tầng ở đường Triệu Đà, Chợ Lớn. Căn phố cũ kỹ, đơn sơ, không một chút gì sang trọng như những căn phố gần đó.

Một hôm sau khi giao hàng, như thường lệ Chú Xồi trả công cho tôi 25 đồng. Tôi cám ơn, vội vã đạp xe đạp, giông tuốt rồi ghé quán càphê. Tôi móc tiền đếm lại thì tới 50 đồng, chứ không phải 25 đồng…

Trong hoàn cảnh khốn cùng này được đồng nào hay đồng nấy. Hớp vài ngụm cà phê, Tôi chợt giật mình vì chợt nhớ lại lời chị dâu tôi dặn:

– Em phải nhớ làm ăn với người Tàu, một cắc là một cắc, một đồng là một đồng, ăn gian nói dối thì không bao giờ làm ăn với Họ được…Họ làm ăn với nhau chỉ đơn giản với một chữ TÍN “…

Tôi bừng tỉnh, cong lưng đạp xe nước rút trở lại gặp Chú Xồi và trả lại 25 đồng mà Chú đã đưa dư…Chú cười và nhận lại tiền dư.

Tôi không biết chị dâu của tôi có nói gì với Họ về tôi hay không, nhưng một hôm, khi Tôi giao hàng, Chú Quảnh bảo Tôi:

-Nị dào chong dữa mặt , zồi za ăn cơm dới Ngộ há ..

Trong bữa cơm gồm cả hai gia đình…Họ xí xô xí xào. Tôi không hiểu họ nói với nhau điều gì. Khi từ giã ra về, Chú Quảnh đưa tôi ra cửa và Chú hỏi nhỏ:

-Nị có phải là sĩ quan “ngụy” chốn học tập không hả ???.. Đừng sợ… Ngộ biết hết dồi lớ…từ từ mình sẽ tính…

Tôi bàng hoàng rời nhà chú Quảnh với nỗi cực kỳ lo sợ. Ngày mai có nên trở lại nơi này không ??? Không !!! chắc chắn là không…

Tôi chuyển hướng, thay vì đi thẳng đến bến xe An Đông tìm chỗ ngủ đêm như thông lệ, Tôi đạp xe qua bến Phạm Thế Hiển gặp chị tôi…

-Chị Ba! Chị có nói gì mà Họ biết Em là sĩ quan ngụy trốn trại cải tạo?

Với nụ cười hiền hậu Chị trả lời:

-Không có sao đâu, họ đang giúp Em đó…

Hai tuần sau, tôi có cái giấy Khai sinh giả mang tên Trần Chỉnh, sanh năm 1942…người Việt gốc Hoa …

Tôi (chỉ một mình tôi) cùng gia đình Họ, hơn 60 người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con, rời bến ở kinh Miệt Thứ, Rạch Giá ra khơi trên chiếc ghe đánh cá, ba block đầu bạc, đi tìm tự do.

***

Tàu ra khơi, nhưng không may, xế trưa ngày hôm sau bị gảy bánh lái cách đảo Phú Quốc chừng 10 cây số về hướng Đông. Tàu bỏ neo để thay bánh lái phụ. Một chiếc tàu đánh cá quốc doanh Phú Quốc xáp lại gần. Tất cả chúng tôi vội vàng chui xuống dưới khoang ghe, phía trên chỉ năm ba người giả bộ như đang đi đánh cá.

Tàu đánh cá VC không xáp lại gần, mà chỉ chạy chậm lại. Ngang ghe chúng tôi vài chục mét, chúng vẩy vẩy tay chào rồi tiếp tục hành trình về hướng Phú Quốc.

Tôi và Chú Quảnh bò lên phiá sau lái hỏi anh Lợi, người tài công có mười năm kinh nghiệm đánh cá. Anh nói với chút lo âu:

-Mình phải đi ngay, càng nhanh càng tốt, tôi đoán thế nào bọn chó đẻ đó cũng gọi Công an Biên Phòng…

15 phút sau ghe nhổ neo, vội vã lái về hướng Nam … Nhưng quá trễ. Hai chiếc PCF duyên tốc đỉnh phất phới ngọn cờ máu phiá sau chúng tôi với hằng tràng đại liên chỉ thiên đe dọa. Thế là chúng tôi bị bắt. Ghe được kéo về đồn Công An Biên Phòng ở Cây Gáo, sau đó bị tống vào trại giam của Ty CA Hình Sự Cà Mau, nằm phía bên kia cầu sắt. Bên này là chợ Cà Mau .

Thời gian này là lúc phong trào vượt biên bán chính thức đang nở rộ công khai. Người Hoa từ thành phố xuống Cà Mau được ưu đãi như khách du lịch có passport (thông hành) chờ xuất ngọai. Ghe của gia đình Chú Quảnh là ghe vượt biên lậu, nhưng nhờ “thời điểm” này, mà cả gia đình trên ghe của Chú Quảnh được đối xử không đến nổi tệ. Bọn CA chỉ lo vơ vét vàng… 5 cây, 10 cây… tùy số lượng để giải quyết vấn đề.

Tôi không biết gia đình Chú Quảnh hay Chú Xồi “làm việc” với bọn chúng bằng cách nào, vì mỗi lần Chú Quảnh được gọi lên văn phòng của chúng, khi trở về phòng giam, anh em họ chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu.

Hai ngày sau đàn bà con nít được CA đưa ra bến xe đò cho xe chở về SàiGòn… Đàn ông bị giữ lại chờ xét xử sau ..

Trong thời gian chờ đợi, Chú Quảnh dặn Tôi:

-Nị nhớ khai đúng tên tuổi trong khai sinh mà Ngộ đã đưa cho Nị … Nị là Em dợ của Ngộ, là Em duột của dợ Ngộ…Nhớ nói giọng lơ lớ…đừng nói nhiều hớ ….”

Sau một tuần thẩm vấn từng cá nhân một 18 anh em “người Hoa chúng tôi” được ra ngòai lao động: vác lúa mang vào nhà máy xay, sau đó khiêng gạo xuống mấy ghe bầu đậu sẵn dưới sông bên cạnh Cầu Sắt.

Bao nhiêu nỗi lo âu sợ hãi ban đầu dần dần vơi đi, Tôi bỏ hẳn ý định trốn thoát, vì rằng trong trạng huống này Tôi nghĩ sớm hay muộn, không bao lâu, chúng nó cũng thả chúng tôi ra.

Thêm vào đó tình cảm với anh em Chú Quảnh càng ngày càng khắn khít qua những liên hệ của những người tù cùng chung một trại giam “ngọt cùng chia, bùi cùng xẻ”. Họ đối với Tôi như chính anh em của họ.

Sau hơn ba tháng lao động chúng tôi được cấp giấy “tạm tha trở về nguyên quán “…Điều này đối với tôi, tôi nghĩ như đang nằm mơ, vì mang tội vượt biên thì ít nhất ba năm lao động ở các trại tù cải tạo của miền Tây. Tôi tò mò hỏi Chú Xồi, Chú chỉ trả lời, bằng gịong người Tàu nói tiếng Việt.

-Mấy Bả dề trước, mấy Bả lo cho tụi mình…

Về đến xa cảng miền Tây, chúng tôi chia tay, Chú Quảnh lại dặn dò:

-Nị nghỉ ngơi vài ngày rồi trở lại gặp chúng tôi ..

Chú nhét vào túi quần tôi 50 đồng. Tôi quay lưng, niềm suy nghĩ bay cao..

Trở về nguyên quán? Nguyên quán của tôi ở đâu? Mấy năm nay, nhà của tôi là đầu đường xó chợ, là ga xe lửa, bến xe đò! Nhớ vợ con lắm thì nhắn chị Ánh (vợ Hùng Móm), chị Hồng Tố Yến (vợ TTC), chị Thu (vợ NTN) rồi kiếm cách lén lút gặp vợ con vài ba tiếng đồng hồ, khi những người thân yêu này giả vờ đi chơi lang thang trong Sở Thú…

Một tuần sau, tôi mon men trở ra Chợ Lớn tìm Chú Quảnh. Đứa con gái Chú Xồi chỉ ra quán cà phê góc đường Triệu Đà – Hùng Vương. Nơi đây tôi gặp lại họ.

Chú Quảnh vừa thấy tôi, Chú mừng lắm. Chú chạy ra, nắm tay tôi kéo đi một khoảng khá xa và nói:

-Nị đi ngay đi … đừng vào trong đó… Ngày mai lúc 6 giờ chiều gặp ngộ ở nhà hàng Soái Kinh Lâm.. Nị biết chớ?

Tôi im lặng gật đầu, trở lại lấy xe đạp, cứ đạp miết. Vô ngã hẻm này, ra ngã hẻm khác, len lỏi vào giòng xe đạp trên các lộ chính, rồi bất ngờ quẹo vào một con hẻm nào đó, mục đích “cắt đuôi” nếu bị theo dõi.

Tôi tin tưởng nơi gia đình chú Quảnh. Tôi chỉ còn một nơi bám víu chỉ với chút hy vọng mong manh là chỉ có gia đình Chú mới có thể giúp tôi thoát khỏi nơi này để đến bến bờ Tự Do.

Nhưng nay, qua sự gặp gỡ vừa rồi, Tôi hiểu gia đình của Chú cũng đang bị theo dõi gắt gao.

* * *

Sau bốn năm “giải phóng”, nhà hàng Soái Kinh Lâm vẫn sang trọng huy hoàng rực rỡ như ngày nào. Tôi bước vào, lòng mang bao nhiêu nỗi ngậm ngùi, nhớ lại những tháng ngày của một thời oanh liệt. Tôi ngồi vào chiếc ghế bên cạnh Chú Xồi, đảo mắt qua một vòng. Tôi yên tâm vì không có người lạ. Hầu hết là những người cùng Tôi vác lúa khổ cực ở Cà Mau khi bị giam về tội vượt biên…

Chú Xồi hỏi Tôi:

-Nị còn nhớ Chú Xường ngồi bên kia bàn hay không?

-Dạ nhớ.

-Ai ngồi kế bên?.

-Dạ, chú Chảnh…

-Nị ráng nhớ cho kỹ, một chút nữa qua đó ngồi nói chuyện với tụi nó và tụi nó nói cái gì thì nị cứ làm theo cái đó. Mấy thằng chó chết VC đang đánh tư sản mại bản. Tụi nó đóng cửa ba cái hãng nhuộm vải ở Cầu Tre, tịch biên tất cả vải vóc chúng tôi đang có, và có thể sẽ tịch biên nhà cửa và đưa chúng tôi lên vùng kinh tế mới, không biết ở đâu…Cho nên chúng tôi không còn giúp cho Nị được gì nữa …Đây là Hộp trà Sâm, anh Chảnh biếu cho nị, có vậy thôi… Nhớ giữ hộp trà này bên mình.. Bây giờ qua nói chuyện với Xường và Chảnh.

Chú Quảnh từ một bàn khác liếc nhìn tôi mỉm cười. Buổi tiệc hôm nay là ngày sinh nhật thứ 16 con gái Út của Chú Quảnh. Tôi nắm lấy bàn tay chú Xồi siết thật chặt và thật lâu, trước khi chỉ biết nói hai chữ cám ơn rồì bước sang bàn chú Xường….

Xường và Chảnh chỉ lớn hơn tôi năm hoặc bảy tuổi, nhưng tôi vẫn gọi bằng Chú. Thời gian ở tù Cà Mau, trong cái láng dơ bẩn, ba chúng tôi cùng nằm một chiếc chiếu rách tả tơi .. Khi ngã lưng xuống chiếu Tôi thường hay kể chuyện Thủy Hử cho Họ nghe trước khi thiếp ngủ mỏi mệt sau một ngày vác lúa, vác gạo nhừ người.

Một cái ghế đã sắp sẵn cho tôi giữa Xường và Chảnh…Xường đi ngay vào đề:

-Anh có biết nhà hàng Thanh Thế ở chợ Bến Thành không ? …

-Dạ biết..

-Nhớ kỹ lời tôi dặn đây. Hôm nay là ngày Thứ Bảy. Sáng ngày Thứ Hai tới, anh gặp Tôi và Chảnh ở Thanh Thế. Cứ đến đó vào lúc khỏang 10 giờ nhởn nha uống cà phê, nhớ ăn mặc xuề xòa, râu tóc để nguyên đừng cạo đừng hớt… Đêm nay nhớ mở Hộp trà Sâm, mà anh Quảnh biếu cho Anh nhâm nhi cho đỡ buồn.

Tôi đứng dậy, nhìn một lượt chung quanh nhẹ cuối đầu như một sự từ giã không lời, lặng lẽ ra về với bao nỗi bâng khuâng trong lòng. Vui buồn lẫn lộn…cùng với nhiêu thắc mắc. Họ là Ai? Tài phiệt Chợ Lớn cỡ như Mã Tuyên hay Mã Sái chăng, hay thành viên của Triều Châu Phúc Kiến, hay thuộc xã hội Đen của Tàu Cộng, Đài Loan, Hồng Kông? Mặc kệ! Nghĩ chi cho mệt óc miễn sao mình còn thong dong đạp xe đạp tự do ngày nào hay ngày đó, dưới đường phố mưa sa mà không cần nhìn đến cờ đỏ sao vàng..

Đêm đó tôi mở Hộp trà Sâm…10 lượng Vàng Kim Thành thứ thiệt nằm trong đó, tôi chợt nhớ lời Chú Xường dặn “Thứ hai gặp Tôi ở nhà hàng Thanh Thế…”

Tôi ngủ một giấc ngủ chập chờn trên một căn gác cho thuê đầy chuột và dán ở bến xe An Đông.

***

Lúc còn tại ngũ, khi đơn vị dưỡng quân ở hậu cứ Tôi thường cùng bạn bè la cà….sáng thì đi uống cà phê có pha chút bơ Bretel ở nhà hàng Thanh Thế cách phía Tây chợ Bến Thành độ trăm thước, buổi trưa đi ăn Chateau Brillant ở tiệm Thanh Bạch, rồi Brodard. Ban đêm, đi vũ trường Văn Cảnh, hoặc Thanh Thanh ở xa lộ. Trong nhóm thường có Mỹ Hôi, Hùng Móm, Hùng Mập, Dũng Tây Lai , Cao-P-Minh, Xuân Đờn Cò, Ninh mắt Trừu…một hoặc hai thằng chia nhau một chầu. Chỉ một ngày rong chơi cũng vơi đi gần nửa tháng lương, để khi trở về nhà ngồi vào bàn ăn với vợ con, chỉ có một đĩa rau muống luộc và hộp thịt ba-lác!

Theo lời dặn của chú Xường, Tôi đến nhà hàng Thanh Thế khỏang 10 giờ. Giờ này, chỉ lác đác năm ba khách đến uống cà phê …Tôi tìm cái bàn trong góc có thể nhìn xuyên qua cửa kính để quan sát cả trong lẫn ngoài. Nhâm nhi ly cà phê với mùi vị bơ Bretel, hút hết điếu Samit thứ hai thì Xường và Chảnh cũng vừa đến. Họ vẫn tíu ta tíu tít xí xô xí xào như mọi khi. Tôi đứng dậy chào, Xường vội vàng ấn vai tôi…

-Ngồi xuống! Ngồi xuống…

Câu chuyện thật ra rất dài, Tôi tóm gọn những gì đã xảy ra trong phạm vi bài viết này…

Chú Xường mở lời :

-Đêm qua Anh uống trà Sâm có ngon không? .

Tôi gật đầu .

-Anh có mang hộp trà theo không

-Dạ có …

-Anh đưa cho Tôi …

Tôi chỉ lẳng lặng làm theo và chỉ im lặng ngồi nghe .

Tôi lần mở cái túi vải ăn mày móc 10 cây được gói cẩn thận đêm qua trong cái quần xì-líp dơ bẩn vàng úa, giao cho chú Chảnh. Chú Xường đưa cho Tôi một túi giấy trong đó có bốn cái bánh tiêu còn nóng hổi…

-Thời giá hiện nay, một cây là 2,850 đồng (tiền già Hồ)…Chúng tôi lấy lại 10 cây này, trả lại Anh bốn cái bánh tiêu Anh có puồn không ?…

Nghe Chú Xường phát âm cái tiếng “puồng” không. Tôi không “Puồng” chút nào, nhưng cố nén nỗi kinh ngạc để không hiện lên ánh mắt của mình

-Dạ không…

Chú cười và nói tiếp:

-Ở dưới bốn cái bánh tiêu, là cái đai vải (nguời Bắc gọi là cái ruột tượng) có 30.000 ngàn tiền mặt trong đó. Anh nhớ …lúc nào cũng cột thật chặt vào bên hông của Anh, chờ chút nữa sẽ có một người nữa đến gặp Anh. Anh ấy là anh em chú bác với tụi tui . Anh Xế Phò sẽ cho Anh biết anh sẽ phải làm gì… Còn phần tôi (Chú Xường) Anh phải nhớ kỹ những điều dặn dò của tôi sau đây: anh Quảnh bảo chúng tôi gặp Anh để cho anh biết những gì anh Quảnh đã sắp đặt cho Anh . Anh có biết tại sao không?..

-Dạ không!

-Vì Anh đã trả lại 25 đồng cho anh Xồi, anh Xồi thử Anh đó, và đó cũng là lý do Anh Quảnh quyết định mang Anh theo trong chuyến vượt biên kỳ vừa rồi.

Anh Quảnh chỉ lo …nếu Anh bị lộ tông tích thì chỉ có chết… Anh có biết Thương xá Tam Đa cũ hay không?

-Dạ biết.

-Bây giờ là cửa Hàng IMEX, bán những mặt hàng ngoại quốc mà chúng nó tịch thu của người Tàu chúng tôi ở Chợ Lớn…Thôi, uống cà phê đi…

Vừa lúc Chú Xế Phò bước vào. Chú Xế Phò, người dong dỏng cao, dáng dấp không có vẽ Tàu chút nào. Chú nói tiếng Quan Thoại, tiếng Pháp, tiếng Việt rất sành sõi rõ ràng.

Khi Chú Xường và Chảnh ra về, Xế Phò bắt đầu chất vấn:

-Anh tên Trần Chỉnh hả?

-Dạ vâng …

Chú mỉm cười…cái mỉm cười gọi là cái mỉm cười biết hết chi tiết.

-Anh có nói và đọc viết tiếng Anh được không ?..

-Dạ chút chút…

-Được tốt lắm …Tôi đang là Trưởng phòng Quản Trị Công Ty Imex thương xá Tam Đa cũ, theo lời yêu cầu của anh Quảnh, Thứ Hai tuần sau Anh bắt đầu làm việc dưới quyền của Tôi làm chức Thủ kho. Chỉ có nhiệm mở và khóa cửa kho khi có lệnh xuất nhập hàng của Tôi. Anh phải ghi lại mặt hàng nào được xuất trong ngày. Khỏang 10 giờ, giả bộ ra bên ngoài uống cà phê và giao danh sách đó cho Chú Chảnh. Ban đêm Anh ngủ lại cơ quan cùng với ba nhân viên khác, họ là những công nhân viên từ ngoài Bắc vào. Cứ như vậy đi, dần dần quen và biết hết mọi việc Anh sẽ có nhiều việc quan trọng hơn… .

Trước khi chia tay, Chú Phò đưa cho Tôi một Giấy Chứng Nhận: “Trần Chỉnh” nhân viên Cửa Hàng Imex, phía dưới đóng dấu ký tên Trưởng Phòng Thương Nghiệp Quận Nhất TP HCM , cùng một giấy nhỏ có ghi “Lý Kim Anh “Trưởng phòng Công An Chợ Bến Thành”.

***

Tôi đạp xe đạp loanh quanh với một tâm trạng lộn xộn xà ngầu …Hung hay Kiết?…Ngạc nhiên, lo âu lẫn lộn….nhưng không có nỗi lo sợ như khi Chú Quảnh hỏi “Có phải Anh là sĩ quan ngụy trốn học tập hay không”.

Tôi như người đang chới với giữa dòng sông, vớ được gì cứ vớ, không cần biết cái đó lành hay dữ. Đã leo lên lưng cọp, đã phóng lao thì phải theo lao … không còn sự chọn lựa nào khác .

Giám đốc Imex là một tên “Cán Ngố”. Cả ban Quản Trị của hắn ngơ ngơ ngáo ngáo, cộng trừ nhân chia sổ sách cứ lộn tùng phèo, lại thêm lòng tham lam ăn được cái gì là ăn cái đó. Tôi làm việc với họ chỉ có nhiệm vụ khóa và mở khóa kho chứa hàng hóa theo lệnh Chú Phò, sau đó ra ngoài gặp Chú Chảnh. Lúc này Tôi chỉ có một niềm vui sướng vô ngần là có một việc làm và một chỗ ở an toàn, không lo sợ bị phát hiện và bị bắt bất cứ lúc nào. Cũng trong lúc này Tôi đã áp dụng “Nghệ thuật Lãnh Đạo Chỉ Huy” của trường Võ Bị để chinh phục những nhân viên từ ngoài Bắc vào, một cách dễ dàng. Chú Phò hài lòng và mừng lắm.

Một hôm Chú rũ tôi đi ăn tối. Trên chiếc Volkswagen màu vàng củ kỹ Chú chở tôi một vòng chợ Bến Thành và trực chỉ bến Bạch Đằng. Một buổi cơm tối vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị trong đời tôi.

Trong nhà hàng nỗi Mỹ Cảnh…ba người đã ngồi sẵn. Tên Giám Đốc Imex Nguyễn Tạo, với cái mặt chành bạnh nhưng không che dấu được vẽ ngu si đần độn tham lam trên gương mặt của hắn. Tên Trung Úy Lý Kim Anh Trưởng Phòng Công An Chợ Bến Thành, Đặng Tư, Trưởng Phòng Tài Chánh Imex.

Trên bàn, chai Remy Martell vơi hơn phân nữa. Tôi khúm núm bước theo sau Chú Phò, chấp tay cuối đầu chào họ. Ngồi vào bàn Tôi cố giữ thái độ bình tỉnh, chỉ lắng nghe họ bàn luận việc của họ cùng với những suy nghĩ mông lung. Quả thật chú Quảnh và gia đình của Chú đã giúp Tôi quá nhiều, ơn sâu nghĩa nặng này bao nhiêu kiếp người tôi có thể báo đáp được .

Sau buổi cơm gọi là thân mật đó, tôi có thêm vài việc phải làm theo chỉ thị của Chú Phò.

Một buổi sáng khi Tôi giao danh sách hàng xuất kho cho chú Chảnh, hôm nay lại có mặt Chú Xường, Chú Xường bảo Tôi giao lại số tiền mặt tôi đang giữ. Chú Xường giao lại cho tôi một danh sách giá cả mua vô bán ra trong ngày ở thị trường Chợ Lớn. Tôi chỉ biết làm theo Có thắc mắc thì cũng chẳng ích lợi gì, vì tin rằng họ đang giúp mình qua cơn hoạn nạn.

Thời gian năm 1979, 1980, 1981… Thân nhân nước ngoài gửi tiền về giúp gia đình không gửi được trực tiếp như bây giờ mà dưới hình thức là “Phiếu Imex”.

Hàng Imex là hàng thứ thiệt, được tịch thu sau chiến dịch đánh Tư Sản Mại Bản …Nào là thuốc tây, radio, cassette, căm, sên, phụ tùng xe đạp…

Cả trăm mặt hàng khác, đều là hàng ngoại. Giới tiêu thụ hầu hết là con buôn từ Hà Nội, giá nào họ cũng mua, họ mua theo cái NGU của họ. Còn những người buôn bán phiếu Imex cò con thì đều qua tay mã thầu dậu là Chú Xường…Làm giá thì Chú Quảnh trong Chợ Lớn Khi Chú Quảnh cho biết giá cả sáng trưa chiều tối , thì Chú Phò cho lệnh xuất kho, bên cạnh có Tôi và Chú Chảnh đang chờ bên ngoài. Có gì trục trặc thì có Giám Đốc và tên Trung Úy Công An Lý Kim Anh.

Dù rằng tình hình an ninh có vẻ khả quan, nhưng nỗi lo âu vẫn canh cánh trong tôi. Không biết bị phát hiện giờ nào và nếu bị chúng bắt thì sẽ ra sao. Cứ vài hôm chú Xường gặp tôi nhét vào túi Tôi một hai ngàn (tương đương 1 cây vàng).Chú nói đó là tiền lời từ 30.000 đồng “hùn vốn” của Tôi. Tôi nhờ Niên Trưởng Huỳnh Bá Long Khóa 21 Võ Bị Đà Lạt, gửi về giúp vợ con và Cha Mẹ Chị Em Tôi. …Thôi cứ thế rồi thời gian cũng qua, dù chưa được trở lại đời sống bình thường như mọi người dân khác và không gần gũi được vợ con.

***

Một ngày đẹp trời tháng Ba năm 1982… Tôi đang ngồi uống cà phê dọc vĩa hè trước cửa hàng Imex, một chiếc Honda hai người trờ tới. Một người xuống xe, vội vả nắm lấy tay và bảo Tôi:

-Niên Trưởng theo Tôi qua Chợ Cũ làm vài chai Henneken.

Tôi có một cảm giác lạnh băng chạy từ đốt xương sống cuối cùng lên đến đỉnh đầu, nhưng định thần thì ra Nguyễn văn Định, (Khoá 24 Đà Lạt – TĐ 11 Nhảy Dù), đang chờ ngoài xe là Trần văn Hợp (Khoá 23 Võ Bị Đà Lạt)…

Chiếc Honda chở 3 người qua Chợ Cũ, làm đĩa cơm sườn, vài chai bia Con Cọp. Hợp móc trong túi xách một tờ giấy, điền tên Trần Chỉnh, rồi chở tôi ra bến Thủ Thiêm “TỐNG” xuống một chiếc ghe chở gạch cát của Công Ty Dầu Khí Vũng Tàu…

Đêm đó Tôi lại ra khơi. Lần này là lần thứ bảy, không kịp một lời từ giã nào với Chú Phò, Chú Xường, Chú Chảnh, Chú Xồi, Chú Quảnh và vợ con gia đình.

Một tháng sau, đang chờ đợi để rời khỏi Đảo Pulau Bidong, Mã Lai, sang trại chuyển tiếp Galang II ở Nam Dương, Tôi nhận được thư của vợ tôi :

“Anh yêu thương, Chị Ba (chị Dâu của Tôi) có đến thăm Em. Cùng đi với Chị có một người đàn ông, người này đã trao cho Em 10 lượng vàng và nói đây là tiền của anh Út gửi cho”.

Đó là Chú Xồi.

Quá Khứ và Hiện Tại

Trong ba tháng tội vượt biên, chúng tôi khom lưng đi vác lúa gạo ở Cà Mau, tình cảm của Tôi với gia đình chú Quảnh càng ngày càng gắn bó, qua những bữa cơm sau một ngày vất vả lao động xã hội chủ nghĩa, những bữa cơm “lòng heo, phá lấu heo quay, vịt quay”….Có nhiều lúc Tôi bỗng chợt cười khan…Họ hỏi tôi sao lại cười, tôi nói:

-Ở tù kiểu này sướng hơn trở về nhà

Chú Quảnh tiết lộ rằng, gia đình đã “chung” 150 cây cho thằng Trưởng Ty CA Hình Sự rồi, nay mai mình sẽ được về.

Thời gian này tôi gần gũi với Chú Xưòng – Chảnh nhiều hơn. Xường và Chảnh nhỏ con ốm yếu lại cùng một tóan lao động với Tôi…Có lần vác bao gạo bước qua tấm ván gỗ, bắt từ bờ sông xuống ghe bầu, Xường trợt chân té nhào xuống sông, tôi liệng bao gạo xuống mũi ghe, nhảy ùm xuống sông vớt chú ấy lên, ông chủ ghe bầu thông cảm không làm khó dễ mà chỉ nói …

-Không sao…không sao…xem như Tôi biếu bao gạo đó cho các Anh…Tội nghiệp!Tù Tội!.Tội Tù …

Từ đó Tôi, Xường, Chảnh như hình với bóng. Tôi thường kể họ nghe chuyện Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Họ khóai nghe nhất là bộ truyện Kim Dung kèm theo lời bàn phân tích của Lão Ngoan Đồng (biệt danh của tôi) về những nhân vật Ma Giáo và Chính Giáo. Cũng nhờ vậy mà ba tháng tù trôi qua như một giấc ngủ đêm với thịt quay phá lấu…

Viết theo lời kể của Xường và Chảnh :

Ông Cố Nội chúng tôi, lập nghiệp ở Chợ Lớn (vào khỏang năm 1860 ) với một cái gánh mua bán ve chai lông vịt, thường ngày thì mua được lông vịt nhiều hơn lông gà, vì người Tàu ăn vịt quay nhiều hơn. Khi Ông Nội chúng tôi ra đời thì cái gánh ve chai lông vịt đã trở thành cái ” vựa ” ve chai lông vịt, sau đó trở thành cái “xưởng” chuyên làm chổi lông gà, quạt tay và áo che mưa bằng lông vịt, còn ve chai thì cân ký bán sĩ cho một lò rèn làm chai lọ thủy tinh và cuối cùng là xưởng dệt tơ vải

Trong khi đó, người Em thứ Ba của Ông Cố chúng tôi – ông Cố Ba – làm nghề mổ heo, Bà Cố Ba giữ lại lòng heo nấu phá lấu theo kiểu Dương Châu, rồi cho hai người con trai đội mâm đan bằng mây đi bán dạo…Sau đó trở thành quán hủ tiếu duy nhất có bán thịt heo quay, thịt vịt quay, lòng heo phá lấu….Đó là tiền thân của “Công Ty Nhà Hàng Bát Đạt ” sau này.

Khi đến đời Ông Nội chúng tôi (vào khoảng vài thập niên cuối thế kỷ 19…1880-1900) thành phố SàiGòn được hình thành với những dinh thự, công sở, khách sạn nguy nga đồ sộ của mấy ông Tây Bà Đầm, trong khi khu Chợ Lớn vẫn còn bùn lầy nước đọng, đường xá được chính quyền Tây mở rộng ra đến vùng ngoại ô …Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè, Phú Lâm…. Huyết mạch giao thông buôn bán chính là ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn và ngược lại… do đó mới có Kinh Chợ Gạo ( Mỹ Tho )

Cơ sở của Ông Nội chúng tôi phát triển rất nhanh, Bà Nội trông coi cửa hàng buôn bán tơ lụa, có thể nói gia đình chúng tôi lúc đó như là nhà thầu duy nhất cung cấp gấm, sa-ten, vải lụa… cho các con buôn thực Dân Pháp… trong khi gia đình Ông Cố Ba đang phát triển các tiệm ăn rập khuôn theo kiểu Tàu. Quán ăn và quán trọ Bát Đạt. Gia đình giàu có nhất trong vùng là giòng họ Mã, hậu duệ sau này là Mã Sái, Mã Tuyên .

Đến đời thân phụ mẫu chúng tôi thì gia đình cũng đã khá giả. Sáu anh chị em chúng tôi khi lên ba bốn tuổi đã được dạy xử dụng bàn tính (bàn toán) của người Tàu một cách rành rọt. Chúng tôi học trường Tinh Võ, ở nhà nói tiếng Quan Thoại, khi giao tiếp với con buôn thì bằng tiếng Việt hoặc tiếng Tây… Khi anh Quảnh lấy vợ người Triều Châu, thì cha Tôi giao hết chuyện quản trị làm ăn cho Anh, và Ba Tôi trở thành “Ông Trùm” của “Bang Hẹ “… Anh Xồi được giao trách nhiệm sổ sách kế tóan, còn Tôi (Xường),Chảnh và cô em út A Cảo làm chủ 3 hãng nhuộm vải ở Cầu Tre, Phú Lâm.

Lời Kết

Qua những câu chuyện kể trên, Tôi không biết có phải vì trả lại 25 đồng mà Chú Xồi đã cố tình đưa dư, mà cơ duyên định số đưa đẩy Tôi gặp gia đình họ, làm ăn sinh sống với họ khoảng bốn năm trong hoàn cảnh lo sợ hồi hộp từng ngày cho đến một ngày đột ngột rời bỏ quê hương không định trước .

“HỌ”…. Trong ngôn ngữ lịch sự của người VN chúng ta thì Họ là người Hoa Kiều Chợ Lớn, bình dân thì thường gọi mấy Ông cắt chú , được phiên âm trệch ra từ danh từ “Khách Trú”…từ đó mới có danh từ Chú…Chú Ba Tàu…Chú Chệt…

Dù gọi là gì chăng nữa, Họ vẫn là Họ. Họ vẫn giữ phong tục tập quán từ hằng nghìn năm qua cho đến ngày nay….dù đã trải qua Tứ Đại Triều Đình (Tống, Nguyên, Minh, Thanh)… cho đến Bát Quốc Liên Quân… rồi Ma Cao Hồng Kông, Đài Loan và lục địa dưới bàn tay sắt của Cộng Sản… Họ lấy gia đình làm đơn vị căn bản, để từ đó vươn lên, trở thành “Bang”… nhỏ lớn tùy thời tùy thế. Cha Mẹ, Anh Em, Vợ Chồng Con Cái đùm bọc che chở cho nhau, để từ một gánh ve chai lông vịt hay một cái mâm đan bằng Mây, bán dạo lòng heo phá lấu một ngày trở thành những Đại Gia trong sinh hoạt các “Bang” của Họ… Chẳng qua chỉ có một chữ “TÍN”.

Họ khởi nghiệp từ Buôn Bán. Nhỏ lớn, sang hèn, nghèo giàu gì Họ cũng có thể làm, cần cù nhẫn nại, chắt chiu dành dụm, không khoe khoang, không xa hoa phung phí… cho đến một ngày “Puôn Pán Dạo…Puôn Pán Lẽ…” trở thành những Công Ty Xí Nghiệp kếch xù trong những lãnh vực rất đơn giản .

Gần như suốt thế kỷ 20, người Hoa Kiều Chợ Lớn Sài Gòn Gia Định không có một dịch vụ nào liên quan đến công nghiệp nặng chỉ chú trọng về việc trao đổi buôn bán hàng tiêu dùng gia đình. Họ tích lũy tài sản theo truyền thống cha truyền con nối, cho đến khi sự tích lũy tiệm tiến này trở thành một gia sản khả dĩ có thể trở thành một hội viên trong hệ thống thương mại vĩ đại của các ” Bang ” …

Dĩ nhiên trong sự buôn bán làm gì không có sự cạnh tranh dành giựt lẫn nhau, rất hiếm nhưng không phải là không có. Nếu có xảy ra thường thì Họ giải quyết nội bộ. Họ không thích tranh tụng kiện cáo, có những trường hợp liên quan đến pháp luật chính quyền thì Bang của Họ thương lượng để mọi việc trôi qua. Sau đó Họ giải quyết nội bộ bằng những biện pháp chế tài, cô lập vì “Bất Tín”, nặng nề lắm mới có vụ thanh toán. Gia đình hay cá nhân nào phạm vào chữ Tín thì chỉ có nước đi ăn mày.

Trung Hoa lục địa (Trung Cộng, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao….) Họ đều có chính quyền riêng của Họ. Người dân sinh ra, lớn lên học hành thành đạt, từng bước từng bước Họ tham gia chính quyền từ hạ đến thượng tầng cơ sở. Nhưng đối với người Hoa Kiều ở hải ngoại (theo sự hiểu biết của Tôi) như VN, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc…Họ không muốn tham gia vào chính quyền dù Họ có mãi lực đồng tiền, có thể mua tiên cũng được. Thí dụ như ở Indonesia, người Hoa Kiều chỉ có khoảng 3% dân số mà nắm giữ 70% tài sản của đất nước này. Nhưng có điều tài tình chúng ta cần phải khâm phục…. dùng mãi lực đồng tiền. Họ móc nối với chính quyền nơi Họ cư ngụ một cách kín đáo trơn tru… bên cạnh là những “Cái Bang”, giống như xã hội đen, mafia còn khủng khiếp hơn GodFather của Italy rất nhiều.

Nhiều người cho rằng “Ba Tàu” hay bắt chước làm đồ giả, điều đó hẳn nhiên, giải thích chuyện này Tôi chỉ mượn câu “Cứu Cánh Biện Minh Cho Phương Tiện “…

Còn Người Việt- Nam mình ?

Trải qua trăm năm dưới sự đô hộ thực dân Tây, 30 năm hiện diện của Mỹ (1954-1974), nay dưới sự cai trị tàn độc của CS, còn gần 4 triệu người Việt đang sống rải rác năm châu hải ngoại, chúng ta hãy xét nghiệm và làm một bài toán….

Câu Hỏi : “Đã có bao nhiêu người vì Danh, vì Vị, Vì Lợi đã dùng những bước chân “Bất Nhân, Bất Lễ, Bất Nghiã, Bất Trí, Bất Tín” để leo lên lên những bật thang danh vọng hảo huyền ảo tưởng, khiến cho cả nước (quốc nội) lâm vào tình trạng nghèo đói trong danh sách những Quốc Gia nghèo đói nhất thế giới, khiến cho Cộng Đồng Người Việt Nam nói chung và các Hội Đòan Tập Thể nói riêng ở hải ngoại lâm vào tình trạng ngày càng nghi kỵ, chia rẽ, phân hóa như ngày nay không bao giờ hàn gắn được., và cũng chẳng bao giờ có một vĩ nhân nào có thể xuất thế tế độ chúng sanh….ít ra cũng vài thế hệ sắp tới..

Họ là Ai?

Họ là những người tên Đỗ họ Thừa .

Họ đổ thừa cho Chế Độ Miền Nam VN sinh ra tham quan ô lại.

Họ đỗ thừa cho Chế Độ CS vơ vét mồ hôi nước mắt của dân lành cho tư lợi cá nhân

Họ đỗ thừa cho xã hội Tây Phương làm cho Tam Cương Ngũ Thường đảo lộn.

Nhưng Họ không bao giờ dám Đỗ Thừa cho chính Họ …”Ta là kẻ đã VONG BẢN, VONG QUỐC, VONG THÂN”.

May quá, Lão Ngoan Đồng học được những bài học từ gia đình chú Quảnh nên không bị vướng vào Ba cái VONG trên, mà Lão Ngoan Đồng chỉ mang cái bệnh ….VONG MẠNG!

Trương Út (Út Bạch Lan)


Ảnh: Lễ ra mắt sách “Theo Dòng Lịch Sử”của gia đình Võ Bị, San Jose 2018.

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links: Vietmania Blogspot


Đảo Chánh và Mưu Sát Sihanouk – Trúc Giang MN

Tội ác diệt chủng chính đồng bào mình của tên cộng sản khát máu Polpot nơi xứ Chùa Tháp. Hình minh họa.

Bài đọc suy gẫm: Kế hoạch đảo chánh và mưu sát Norodom Sihanouk của ông Ngô Đình Nhu.

1*. Mở bài

Sihanouk và đám tang trọng thể

Campuchia để tang Cựu Hoàng Sihanouk - YouTube

Hồi 2 giờ sáng ngày 15-10-2012, 

Norodom Sihanouk, cựu quốc vương Campuchia qua đời tại Bắc Kinh. Bắc Kinh và Hà Nội (Cộng Sản) tổ chức và tham dự tang lễ vô cùng trọng thể. Chết là hết. Nhưng nhân vật nầy đối với Việt Nam Cộng Hoà như thế nào? Cuộc đời của Norodom Sihanouk có liên hệ chặt chẽ với những biến cố lịch sử Việt Nam. Trước hết, ông đã từng sinh sống ở Sài Gòn để theo học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay.

Sihanouk đã từng ký hiệp ước, cho phép CSBV và Trung Cộng xử dụng vô thời hạn lãnh thổ CPC và hải cảng ở Sihanoukville để đưa vũ khí, bộ đội và cho lập căn cứ trến đất Miên. Để trả lại, Trung Cộng mua lúa gạo của CPC với giá cao. Hành động thù địch nầy gây tai hại rất lớn cho việc bảo vệ nước VNCH chống lại chế độ Cộng Sản Hà Nội. Sihanouk đã chọn điểm đứng là kẻ thù của Việt Nam Cộng Hòa.

2*. Con người hai mặt và tráo trở của Norodom Sihanouk.

Kể từ năm 1958, dưới chiêu bài trung lập, nhưng Norodom Sihanouk tỏ ra thân cận với Bắc Hàn, Trung Cộng và Cộng Sản Bắc Việt. Ngay sau khi Hoa Kỳ viện trợ xây dựng một xa lộ nối liền Phnom Penh với Sihanoukville, thì Sihanouk bật đèn xanh cho Trung Cộng thiết lập một hệ thống cột đèn thắp sáng xa lộ. Dư luận cho rằng hệ thống cột đèn làm vô hiệu hoá việc xử dụng xa lộ như những phi đạo cho phi cơ.

Kể từ năm 1958, dưới chiêu bài trung lập, nhưng Norodom Sihanouk tỏ ra thân cận với Bắc Hàn, Trung Cộng và Cộng Sản Bắc Việt.

Sau khi Hoa Kỳ xây xong một bịnh viện ở Phnom Penh, thì Sihanouk mời Liên Xô mang máy móc đến trang bị cho bịnh viện. Thành ra, những quà tặng của Hoa Kỳ chỉ còn giá trị có phân nửa. Đặc biệt là cho xử dụng hải cảng Sihanoukville và biên giới, để CSBV chuyển vũ khí, bộ đội và làm căn cứ đánh chiếm miền Nam VN.

Những năm 1960, Sihanouk giúp chuyển vũ khí của Trung Cộng và Liên Xô đến những căn cứ của CSBV, theo tỷ lệ giữ 1 chuyển 9. Lợi dụng việc nầy, ra điều kiện với CSBV ngừng ủng hộ Khmer Đỏ của Pol Pot đang chống lại ông. Thế nhưng, khi bị Lon Nol lật đổ, ông sang tỵ nạn ở Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) rồi đến Bắc Kinh, ông lại ủng hộ Pol Pot chống lại Lon Nol. Pol Pot hứa sẽ dành cho ông một địa vị trong chính quyền sau khi chiến thắng. 

Dù biết được tâm địa của Sihanouk, Hoa Kỳ vẫn chưa động tịnh, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu muốn hạ bệ Sihanouk bằng mọi cách.

3* Kế hoạch đảo chánh Sihanouk năm 1959

Ông Ngô Đình Nhu và Bác sĩ Trần Kim Tuyến (phải)

3.1. Chuẩn bị

Đến ngày 10-12-1959, kế hoạch chuẩn bị và móc nối những thành phần liên hệ xem như hoàn tất. Đại diện Ngoại giao VNCH ở Campuchia là Ngô Trọng Hiếu, đã móc nối với tướng Dap Chhuon trong một cuộc săn bắn tại khu rừng phía Bắc tỉnh Siem Reap. Ông Hiếu đồng thời móc nối với cô vợ bé gốc Việt, và người em trai của Dap Chhuon. Người em là dân biểu Quốc hội Campuchia. Dap Chhuon còn có tên Khmer là Khem Phec, Chhuon Mochulpich. Năm 1957, Dap Chhuon từ bỏ chức vụ Bộ trưởng nội vụ, vì bất mãn Sihanouk theo Cộng Sản, ông nầy trở về Siem Reap làm vua một cõi. Ngô Trọng Hiếu dùng tiền bạc mua chuộc các thành viên hoàng gia, trong đó có bà mẹ của Sihanouk và ông Sam Sary. Ngô Trọng Hiếu đích thân dùng xe mang bảng số ngoại giao, chở 100 kg vàng đến cho tướng Dap Chhuon.

3.2. Kế hoạch đảo chánh

Tại tư dinh của tướng Dap Chhuon, một đài phát tuyến được thành lập, và do 2 gián điệp VN Cộng Hòa  phụ trách. Mỗi ngày, vào lúc 7 giờ sáng, 12 giờ trưa và 9 giờ tối, liên lạc với Sở Mật vụ Sài Gòn.

Hai bên ấn định ngày hành động “N”, là 10-2-1959.

Tại Sài Gòn. Ngô Đình Nhu và BS Trần Kim Tuyến lên kế hoạch

Về chính trị. Đưa Sơn Ngọc Thành, một nhân vật chính trị Campuchia lưu vong tại VN, sẽ lên thay thế sau khi Sihanouk bị lật đổ.
Về quân sự. Khi cuộc đảo chánh bùng nổ, thì Quân đội VNCH ở Vùng 4 và Vùng 2 chiến thuật, sẽ đưa quân đến biên giới giúp Dap Chhuon chiếm lĩnh khu Đông Bắc Campuchia. Kế hoạch tuyệt mật, chỉ có Ông Nhu, BS Tuyến và Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ biết mà thôi.
3.3. Kế hoạch bị lộ

Ngày N bị đình lại.

    Ông Sơn Ngọc Thành

Ngày hành động 10-2-1959 bị đình lại, vì Sơn Ngọc Thành qua Thái Lan xin viện trợ cho mặt trận phía Tây.  Sự trì hoãn làm cho kế hoạch bị bại lộ. Nếu ngày N được thi hành thì Sihanouk trở tay không kịp. Trong thời gian 10 ngày, âm mưu của tướng Dap Chhuon bị lọt vào tay toà Đại sứ Pháp. Ngày 21-2-1959, lúc 12 giờ đêm, đại sứ Pháp và đại sứ Liên Xô vào Hoàng cung thông báo cho Sihanouk. 2 giờ sau, Sihanouk động binh, giao cho Lon Nol chỉ huy lực lượng Dù, chớp nhoáng tấn công vào Siem Reap.
6 giờ sáng hôm sau, 22-2-1959, khi Dap Chhuon còn đang ngủ thì quân Dù của Lon Nol tràn ngập Siem Reap. Dap Chhuon cải trang, giả dạng thường dân trốn thoát.

Lon Nol chiếm dinh thống đốc Siem Reap, với đầy đủ tang vật gồm 100 kg vàng, đài phát tuyến, vũ khí và 2 gián điệp VN.

Ngày 23-2-1959, Sihanouk mời tất cả đại sứ nước ngoài, kể cả Ngô Trọng Hiếu, đến Siem Reap để xem bằng chứng đảo chánh.

Sihanouk hỏi Ngô Trọng Hiếu: “Ngài Đại diện nghĩ thế nào về những bằng chứng nầy?”. Ngô Trọng Hiếu thản nhiên đáp: “Thưa Thái tử Quốc trưởng, chúng tôi đến đây để nghe ngài trình bày nên không có gì để trả lời cả”.
Hai tháng sau, 2 điệp viên VN bị hành quyết. Dap Chhuon dù thoát được vào rừng, nhưng do nghiện thuốc phiện nặng nên kiệt sức, nằm gục dưới gốc cây. Lính Dù của Lon Nol bắt gặp, và hạ sát tại chỗ. Sihanouk chửi chính quyền VNCH suốt 3 ngày 3 đêm trên radio

4*. Kế hoạch mưu sát Sihanouk của ông Ngô Đình Nhu

Kế hoạch đảo chánh thất bại, Sihanouk càng thân Cộng Sản hơn, nên Tổng thống Diệm và ông Nhu quyết tâm trừ khử mối họa nầy.

Trong hồi ký, Tướng Trần Văn Đôn ghi lại: “Sau vụ đảo chánh bất thành, Sihanouk ra mặt ủng hộ Bắc Việt và quân Giải Phóng Miền Nam chống lại Sài Gòn. Sihanouk cho CSBV xử dụng lãnh thổ của mình dọc theo biên giới để chuyển quân và vũ khí vào miền Nam. Mỗi lần quân VNCH tảo thanh, thì Việt Cộng rút qua bên kia biên giới thuộc lãnh thổ Campuchia”.
Hành động của Sihanouk là thái độ thù địch vô cùng tai hại cho VNCH, nên dứt khoát phải trừ khử để bảo vệ quốc gia. Mặc dù bang giao căng thẳng nhưng tòa Đại diện ngoại

giao VNCH vẫn mở cửa. Ngô Trọng Hiếu bị trục xuất, người thay thế là Phạm Trọng Nhơn, một điệp viên nhà nghề của BS Trần Kim Tuyến. Phạm Trọng Nhơn bám sát viên kỹ sư người Mỹ, đã từng xây dựng xa lộ cho Sihanouk, ông Mỹ là chỗ thân tình với nhà vua và Hoàng gia.

4.1. Thành lập tổ hành động

Kế hoạch mưu sát Sihanouk được thiết lập, do Hoàng Ngọc Điệp, Phó giám đốc Sở mật vụ chỉ huy thực hiện. Hoàng Ngọc Điệp đóng vai một ông chủ lớn ở Sài Gòn, đến ngụ tại khách sạn sang trọng nhất ở Phnom Penh, để chỉ đạo công tác. Phụ tá ông Điệp là Đại úy Lưu Thành Hữu, và một số điệp viên do ông Điệp tuyển chọn. Một nữ điệp viên trẻ đẹp được chỉ định đóng vai vợ của ông Điệp.

4.2. Cơ hội đã đến

Viên kỹ sư người Mỹ về nước. Ông vào Hoàng cung chào từ biệt Sihanouk và Hoàng gia. Ông cho biết, trên đường về, sẽ ghé qua Hồng Kông trước khi về Mỹ. Nắm lấy cơ hội nầy, điệp viên Phạm Trọng Nhơn và một đồng nghiệp, sẽ giả dạng làm nhân viên của viên kỹ sư Mỹ, mà trước kia đã xây dựng xa lộ cho Sihanouk, ông Nhơn sẽ từ Hồng Kông, mang 2 vali quà của kỹ sư Mỹ về tặng cho Sihanouk và Giám đốc Nghi lễ Hoàng cung.Vali quà cho Sihanouk có chứa chất nổ cực mạnh. Do móc nối với Giám đốc Nghi lễ nên ngày giờ trao quà được điều chỉnh để kích hỏa chất nổ.
Sở mật vụ Sài Gòn cũng không quên nhái nét chữ viết tay của kỹ sư Mỹ trong một tấm thiệp cũ. Lúc 9 giờ sáng, Phạm Trọng Nhơn mang 2 vali quà vào Hoàng cung, nói là quà của kỹ sư Mỹ gởi tặng, sau khi ghé Hồng Kông
Giám đốc Nghi lễ là chỗ thân tình của viên kỹ sư Mỹ, đã nhận ra nét chữ trên tấm thiệp, nên không nghi ngờ gì. Ông mở vali ra xem thì rất thích thú vì quà rất quý, có giá trị. Sihanouk định mở vali quà, nhưng bỗng nhiên, tùy viên báo cáo là có phái đoàn sinh viên Trung Cộng đến thăm, và đang chờ ở phòng khách. Thế là Sihanouk ra tiếp khách. Đang nói chuyện thì một tiếng nổ long trời, rung động cả Hoàng cung.

Buổi phát thanh 12 giờ trưa, đài VOA loan tin vụ nổ. Sở tình báo, và hai ông Diệm Nhu mừng rỡ, sửa sọan giai đoạn hai là đưa Sơn Ngọc Thành về nước cầm quyền. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, báo cáo mật từ Phnom Penh gởi về cho biết Sihanouk thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.

Lúc đó, Sihanouk hoàn toàn không nghi ngờ Sài Gòn, mà tin chắc rằng “bàn tay lông lá” của CIA là thủ phạm. Câu chuyện do BS Trần Kim Tuyến, dưới bút hiệu LươngKhải Minh, cùng với tác giả Cao Thế Dung tường thuật lại trong cuốn “Làm thế nào để giết một tổng thống”, xuất bản năm 1971.

Sihanouk hận Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên rất vui mừng tiếp đón những người đảo chánh hụt ngày 11-11-1960, như đại tá Nguyễn Chánh Thi, trung tá Vương Văn Đông, thiếu tá Phạm Văn Liễu, đại úy Phan Lạc Tuyên và trung úy Nguyễn Văn Cử, người đã cùng Phạm Phú Quốc ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 27-2-1962.

Việt Nam Cộng Hoà thất bại hai lần, nhưng CIA thành công trong việc truất phế Sihanouk, đưa Lon Nol lên cầm quyền.

6* Lon Nol đảo chánh Sihanouk

6.1. Nguyên nhân đưa đến đảo chánh

Lon Nol (ảnh trên) và Sirikmatak, hai người cầm đầu cuộc đảo chánh với lý do là Norodom Sihanouk, đã cho phép Trung Cộng và Liên Xô xử dụng hải cảng ở Sihanoukville để chuyển vận vũ khí tiếp tế cho Việt Cộng ở miền Nam, đồng thời cho CSBV xử dụng lãnh thổ CPC dọc theo biên giới Việt Miên để chuyển vũ khí, bộ đội và cho lập căn cứ VC trên đất Miên.
Hoàng thân Sirik Matak (anh em họ của Sihanouk) và Lon Nol cho rằng lãnh thổ CPC đã bị xâm phạm. CSBV, với vũ khí nặng, đã kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn trên đất nước của họ.
Dưới áp lực của Mỹ, Sihanouk cho phép Mỹ và VNCH truyđuổi VC sang lãnh thổ CPC, với điều kiện không ảnh hưởng đến người dân Khmer.Tổng thống Nixon đã cho B-52 ném bom ở mật khu 353, thuộc vùng Móc Câu và Mỏ Vẹt trên đất Miên. Trong thời gian hơn một năm, B-52 đã thực hiện 3,630 phi vụ dọc theo biên giới và trên lãnh thổ của xứ Chùa Tháp nầy.
Thêm vào đó, kinh tế CPC suy thoái, đời sống ngườidân khó khăn, được CIA móc nối, nên Sirik Matak và Lon Nol tổ chức lật đổ Sihanouk.

6.2. Diễn tiến cuộc đảo chánh năm 1970

Vào tháng 3 năm 1970, trong khi Sihanouk công du sang Trung Cộng, Âu châu và Liên Xô, để xin viện trợ kinh tế, tài chánh và quân sự, thì thủ tướng Lon Nol và hoàng thân Sirik Matak tổ chức những cuộc biểu tình to lớn chống Cộng Sản Việt Nam, dân chúng đập phá sứ quán CSBV.

Ngày 12-3-1970, Sirik Matak hủy bỏ hiệp ước thương mại giữa CPC và CSBV do Sihanouk ký kết. Lon Nol đóng cửa hải cảng ở Sihanoukville, không cho phép Trung Cộng và Liên Xô tiếp tế vũ khí cho VC ở miền Nam. Sirik Matak gởi tối hậu thư cho CSBV, yêu cầu rút hết quân ra khỏi CPC trong vòng 72 giờ tính đến ngày 15-3-1970. Ngày 18-3-1970, Lon Nol đem 20 tiểu đoàn đến bao vây quốc hội, và áp lực buộc phải ra Quyết định bãi nhiệm Sihanouk.


Ngày 9-10-1970, nước Cộng Hoà Khmer ra đời. Lon Nol lên làm tổng thống. Tổng thống duy nhất trong lịch sử CPC. Phong trào chống Cộng Sản VN làm ảnh hưởng đến người Việt sinh sống ở CPC. Nạn “cáp duồn” lại tái diễn trên cả nước. Lon Nol đem quân đi đánh CSBV trên đất Miên nhưng thất bại, thế là VNCH và Hoa Kỳ tổ chức cuộc Hành Quân qua biên giới CPC, tiến sâu vào lãnh thổ 30, 40 km, có nơi đến 80 km. Cuộc hành quân phá vở căn cứ của Trung Ương cục miền Nam và các cơ sở hậu cần của VC, đã thành công tốt đẹp. QĐ/VNCH đã phá vở các nhà kho, nhà ăn, lán trại, chuồng heo gà, bãi tập và cả hồ tắm nữa.
Có hơn 400 lán trại, boong ke chứa quần áo, thuốc men, lương thực và cả rượu ngoại quốc, thuốc thơm nữa. 182 hầm vũ khí chứa đạn dược, có hầm chứa 480 khẩu súng, một hầm chứa 120,000 viên đạn, phá hủy tất cả 6 triệu đạn dược đủ loại, rocket, đại liên, tiểu liên… Trung Ương cục và ban lãnh đạo MTDT/GP/NM bị phá vở. BS Dương Quỳnh Hoa chạy nạn đến trụy thai trong trận nầy.

7* Vài nét tổng quát về Norodom Sihanouk

7.1. Tiểu sử


Sihanouk năm 1941

Norodom Sihanouk (31-10-1922 – 15-10-2012). Cha là Norodom Suramarit, mẹ là Sisowath Kossamak. Ông có 6 vợ và 14 con (8 trai, 6 gái). Sihanouk và vua cha đã từng sống ở Sài Gòn để theo học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay) nên nói tiếng Việt rất thông thạo.

7.2. Đặc điểm bản thân


Sihanouk là người đa tình, có óc nghệ sĩ. Ông làm thơ, viết nhạc, chơi kèn Saxophone, viết chuyện phim, làm đạo diễn và trong phim có mặt ông, hoàng hậu Monique các bộ trưởng và bạn bè thân thiết. Sihanouk thích sống xa hoa phung phí, thích thức ăn và rượu Pháp, thường tổ chức tiệc tùng linh đình, ngay cả khi sống lưu vong. Sau khi bị Lon Nol truất phế, ông sống ở Bình Nhưỡng (Bắc Hàn). Kim Jong-il đã xây một biệt thự cho ông có 60 phòng, kể cả phòng chiếu phim.

Sihanouk với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Nhật Thành

7.3. Cuộc đời thăng trầm

Ngày 23-4-1941, Norodom Sihanouk lên ngôi quốc vương Campuchia.

Tháng 3 năm 1945, Nhật Bản chiếm CPC, nhưng cho phép chính phủ thời Pháp được duy trì. Chỉ cử Sơn Nhật Thành làm Thủ tướng. Nhật buộc ông tuyên bố nước CPC độc lập.

Năm 1953, Pháp trả độc lập cho CPC. Sihanouk vẫn là quốc vuơng nước nầy.

 
Ngày 18-3-1970, Lon Nol truất phế, Sihanouk sống lưu vong ở Bình Nhưỡng, rồi Bắc Kinh. Trong thời gian nầy, ông lập ra Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia (Front Uni-National du Kampuchia-FUNK). Ông kêu gọi toàn dân ủng hộ Khmer Đỏ của Pol Pot, chống lại Lon Nol và Sirik Matak. Hưởng ứng lời kêu gọi, nông dân tham gia Khmer Đỏ rất đông, từ 6,000 tăng lên thành một lực lượng 50,000 du kích.

Campuchia và những vết sẹo từ thảm họa diệt chủng Pol Pot - Tư liệu

       Đồ tể Polpot và tội ác của Khờ me đỏ.

Tháng 2 năm 1973, nhân cơ hội Hiệp Định Paris đã được ký kết, ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, ông nhờ Hà Nội đưa về mật khu trên đất CPC để hội họp với Pol Pot. Hà Nội cử một đoàn 89 người với 11 chiếc xe, từ Đồng Hới dọc theo Trường Sơn đưa Sihanouk và hoàng hậu Monique xâm nhập CPC vào mật khu để gặp Pol Pot.

Cambodia: Princess Monique, Khieu Samphan, Norodom Sihanouk and Hu Nim pose  by Km marker 525, Khmer

PolPot *Hoàng hậu Monique,  Khieu Sam Phan, Sihanouk tại mật khu

Ngày 17-4-1975, khi Pol Pot chiếm Phnom Penh lên cầm quyền, Sihanouk được mời về giữ chức vua bù nhìn của chế độ diệt chủng. Người dân CPC chỉ trích ông thậm tệ.


Pol Pot cử ông đến Đại Hội Đồng LHQ để tố cáo CSVN đã xâm lược chiếm đóng nước ông. Ông lo hối lộ cho cán bộ mật vụ Pol Pot đi theo canh chừng, để ông gởi một tấm giấy nhỏ cho đại diện Mỹ ở LHQ là ông Young để xin tỵ nạn. Đến ngày hẹn cho cuộc đào tỵ, ông Young không đến, nên ý nguyện không thành. Có lẻ Hoa Kỳ đã chán bộ mặt tráo trở của ông.

Về CPC, ông bị quản thúc suốt một năm, rồi Pol Pot trục xuất ông sang Bắc Kinh.

Sihanouk với Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh

Ngày 23-4-1991, sau khi CSVN rút quân, LHQ đưa 22,000 quân mủ xanh đến giữ an ninh và tổ chức bầu cử tự do, Sihanouk được mời về tham gia bầu cử và được phong là Quốc vương của chính phủ liên hiệp giữa đảng Nhân Dân của Hun Sen (do CSVN dựng lên) và đảng Bảo hoàng FUNCIPEC. Sau khi quân LHQ rút khỏi CPC, Hun Sen lật lọng, đảo chánh chiếm chính quyền, tiêu diệt đối lập, giết chết 300 người, và thực hiện cách cai trị độc tài dưới chế độ quân chủ lập hiến. Vua Sihanouk truyền ngôi lại cho con là Norodom Sihamoni, làm vua bù nhìn cho đến hiện nay.

The Cambodian King's Mother Birthday (Norodom Monineath Sihanouk)

Norodom Sihamoni và cha mẹ

8*. Những điều ít biết về Norodom Sihanouk

Theo quy định trước đây của Hoàng tộc Campuchia, thì anh em ruột, anh em họ, anh em cùng cha khác mẹ đều có thể lấy nhau làm vợ chồng. Norodom Sihanouk đã kết hôn sáu lần và có tổng cộng 14 người con (8 trai, 6 gái).

1). Người vợ thứ nhất của Sihanouk.

Năm 1941, Sihanouk kết hôn với Neak Moneang Phal Kanthol, 19 tuổi, là diễn viên trong đoàn múa ba lê của Hoàng gia. Hôn lễ bị các quan chức cao cấp và viên chức ngoại giao Pháp phản đối vì nữ diễn viên nầy xuất thân hèn kém và không phải là nữ đồng trinh, vì cô đã ăn nằm với người yêu là Zha Hua. Cha của Shanouk yêu cầu con trai lập tức bỏ vợ để lấy người môn đăng hộ đối. Năm 1943, Sihanouk bỏ vợ. Bà Phal Kanthol sinh hạ một trai, một gái, cả hai được giữ trong vương thất.

2). Người vợ thứ hai của Sihanouk

Năm 1942, Hoàng gia đã ngầm đưa một quốc sắc thiên hương vào ăn ở với Sihanouk, mục đích cho ông bỏ bà vợ Phal Kanthol. Người đẹp là công chúa Sisowath PongSanmoni, 13 tuổi, vai vế trong giòng họ là dì của Sihanouk. Bà mẹ đã dạy con gái 13 tuổi nhiều chuyện vợ chồng và tình dục, mà một đứa bé thời kỳ đó chẳng bao giờ hiểu được.

Từ năm 1942 đến 1951, bà Sisowath PongSanmoni sinh bảy người con (4 trai, 3gái). Giữa họ, cuộc sống vợ chồng kéo dài 9 năm.

3). Người vợ thứ ba của Sihanouk

Trong thời gian sống với công chúa PongSanmoni, Sihanouk yêu người em gái cùng cha khác mẹ với mình là Sisowath Monikessan và đã trở thành người vợ thứ ba của ông. Tuy sinh được một hoàng tử, nhưng vì sinh khó, nên bà Sisowath Monikessan chết sau khi đứa con trai ra đời.

4). Người vợ thứ tư của Sihanouk

Năm 1949, Sihanouk đưa một cô gái người Lào mà ông gặp gỡ trong một cuôc khiêu vũ về Phnom Penh, để làm lễ cưới. Cô gái Lào tên MamManivan kém hơn ông 12 tuổi. Lễ cưới vắng mặt chú rể vì theo luật lệ của Hoàng gia, nếu cô dâu là một thường dân thì chú rể phải vắng mặt. Bà nầy sinh 2 công chúa. Năm 1970, khi Lon Nol đảo chánh, bà MaManivan ôm con chạy loạn không biết số phận của họ ra sao.

Từ năm 1949 đến năm 1951, Sihanouk sống một lúc cùng với 3 người phụ nữ.

5). Người vợ thứ năm

Người vợ thứ năm là công chúa Kanita Norodom Norleak, em họ của Norodom Sihanouk. Họ yêu nhau từ trước. Sau khi MamManivan mất tích, công chúa Norleak ly dị với chồng và được phong làm Đệ nhất phu nhân. Đến năm 1960, họ chia tay. Norleak sang định cư ở Pháp.

6). Người vợ thứ sáu, hoàng hậu Monique.

Người vợ thứ sáu là hoàng hậu Monique, tên Miên là Monineath Sihanouk. Hôn lễ cử hành long trọng vào tháng 4 năm 1952. Bà sinh ngày 18-6-1936 tại Sài Gòn, tên khai sanh

là Paule-Monique Izzi. Cha bà là người Pháp gốc đảo Corse, tên Jean-Francois Izzi, một chủ ngân hàng. Mẹ là người Campuchia tên Pomme Peang. Như vậy bà Monique là người Pháp lai Miên sinh ra ở Sài Gòn. Họ có hai con trai: Hoàng thân Norodom Sihamoni (14-5-1953) đang tại vị Quốc vương Campuchia, và Hoàng thân Norodom Narindrapong sinh ngày 18-9-1954, qua đời năm 2003, ông có hai con gái.

9* Nạn Cáp Duồn9.1. Cáp duồn (Youn)

Hình ảnh gây sốc về người Việt tại Campuchia năm 1970

Trong tiếng Khmer, Cáp là chặt đầu, Duồn là người Việt Nam  

Những vụ giết người Việt thả xuống giếng, ao, hồ và sông,

xảy ra trong một phạm vi lớn, gây kinh hoàng cho người Việt sống ở Campuchia. Nguồn gốc của Cáp Duồn là do hận thù dân tộc lâu đời của người Khmer đối với người Việt Nam.

Năm 1970, vào lúc ban đêm, binh lính Campuchia tấn công các khu vực của người Việt để cướp của giết người. Gặp đàn ông thì chặt đầu thả trôi song. Phụ nữ thì bị hiếp dâm tập thể.

Khẩu hiệu của chính phủ “Giết người Việt là yêu nước”.

Vụ giết người Việt xảy ra lần đầu tiên là năm 1730. Lịch sử Miên ghi lại, năm 1730, một người tỵ nạn Lào, tự xưng là nhà tiên tri, xúi giục nhóm người Khmer cuồng tín hạ sát tất cả những người Việt nào mà họ gặp trong vùng Banam.

Từ đó, nạn giết người Việt thỉnh thoảng xảy ra.

9.2. Cáp Duồn công khai và có hệ thống

Funland] - 1970 – Campuchia trong vòng xoáy chiến tranh Việt Nam | Page 15  | OTOFUN | CỘNG ĐỒNG OTO XE MÁY VIỆT NAM

Người Việt chạy nạn, chờ Hải Quân VNCH đưa về hồi hương

Năm 1970, chính phủ Lon Nol phát động chiến dịch Cáp Duồn trên toàn quốc. Radio, ti vi, báo chí đua nhau kể tội, nói xấu người Việt mỗi ngày. Bức hình “Ba cái đầu Khmer chụm lại làm ba ông táo” lại xuất hiện và nhiều bài viết kích động, tuyên truyền liên tục mục đích làm dấy lên làn sóng bài Việt vốn âm ỉ trong người Khmer.
Mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm xác chết người Việt trên dòng sông Mekong và Tonle Sáp. Xác chết sình lên, hôi thúi cả dòng sông. Người Việt bị ruồng bắt để tịch thu tài sản, nhốt tù hoặc bắn giết hết sức dã man, gây kinh hoàng cho người Việt ở đất nước nầy.
Người Khmer cho rằng, thời kỳ đô hộ của nhà Nguyễn, thời vua Minh Mạng, Trương Minh Giảng thực hiện rất hà khắc và tàn bạo. Họ nhắc đi nhắc lại việc 3 nhà sư Khmer bị bắt chụm 3 cái đầu lại làm 3 ông táo đội cái nồi nấu nướng thức ăn.

10*. Kết luận

Con người Sihanouk có nhiều mặt. Ban đầu chống Pol Pot rồi sau lại ủng hộ Pol Pot, tạo điều kiện thắng lợi để Pol Pot thực hiện chế độ diệt chủng ở CPC. Kể ra, Sihanouk cũng có tội trong đó. Ban đầu chống Mỹ, đoạn giao, đóng cửa toà đại sứ, rồi sau đó, khi ở NewYork họp Đại Hội Đồng LHQ, thì xin Mỹ giúp đỡ để đào tỵ sang Mỹ. Bị Pol Pot lợi dụng, cuối cùng bị vắt chanh bỏ vỏ bằng cách quản thúc trong Hoàng cung. Tinh thần suy sụp, trầm cảm, bị cô lập, suốt ngày chỉ được nghe radio tin tức mà thôi.

Tóm lại, Norodom Sihanouk chỉ là một ông vua đa tình, đầy óc nghệ sĩ, thích sống xa hoa phung phí, không có bản lãnh và khả năng chính trị, để bảo vệ và phát triển đất nước.

Đối với Việt Nam Cộng Hòa thì Sihanouk không phải là một người bạn tốt. Ông cũng đã từng trấn lột người Việt sinh sống trên đất nước Campuchia. Cho Việt Cộng lập căn cứ trên đất Miên để đánh VNCH, tức là kẻ thù của VNCH. Truất phế và mưu sát kẻ thù là hành động chính trị đúng đắn.

Trúc Giang MN Minnesota

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links: Nguồn Email